Phát huy mạnh mẽ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
(PetroTimes) - Chiều 9/10, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị tổng kết và ký kết Nghị quyết liên tịch về công tác phối hợp giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đồng chủ trì hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo hội nghị |
Cùng dự hội nghị có các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; đồng chí Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các ủy viên đoàn chủ tịch, trưởng các tổ chức chính trị-xã hội tại Trung ương, chủ nhiệm các hội đồng tư vấn, các ban, đơn vị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Hội nghị đã nghe các báo cáo và thảo luận về kết kết quả thực hiện Nghị quyết liên tịch số 19 năm 2008 về ban hành Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; rà soát việc thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tháng 9/2021; xử lý các đề xuất, kiến nghị của MTTQ Việt Nam; quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết liên tịch thay thế Nghị quyết liên tịch số 19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến ký kết Nghị quyết liên tịch về công tác phối hợp giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị thống nhất đánh giá, sau 15 năm thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm phối hợp công tác theo Nghị quyết 19, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thời gian qua ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, thực chất, đóng góp tích cực, quan trọng vào thành công chung của cả nước thời gian qua. Chính phủ, các thành viên Chính phủ luôn coi trọng, lắng nghe ý kiến của MTTQ Việt Nam.
MTTQ Việt Nam ngày càng khẳng định vị, vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hai bên có nhiều hoạt động phối hợp thiết thực, ý nghĩa, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; tích cực, chủ động phối hợp thực hiện tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp công tác, các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh theo chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Các nội dung phối hợp được triển khai toàn diện, thiết thực, hiệu quả, từ việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tuyên truyền, vận động nhân dân, xây dựng pháp luật, thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, cho đến việc giám sát, phản biện xã hội, trả lời kiến nghị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam...
Các nội dung phối hợp cũng hướng vào giải quyết những vấn đề cấp thiết trong đời sống nhân dân (nhất là trong giai đoạn phòng chống đại dịch COVID-19 vừa qua), góp phần quan trọng tạo nên những thành tựu to lớn trong phát kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.
Chủ tịch MTTQ Việt Nam thường xuyên tham dự và phát biểu tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ và các hội nghị chuyên đề, cùng Chính phủ nhận diện các khó khăn, thách thức và đề ra giải pháp phù hợp, thiết thực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành luôn dành thời gian quan tâm, lắng nghe và trực tiếp nắm bắt tình hình nhân dân thông qua ý kiến phản ánh của MTTQ Việt Nam để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng kịp thời nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, việc ký kết và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa hai bên ngày càng chặt chẽ, thực chất, hiệu quả hơn; góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của Chính phủ và đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam để xây dựng đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo sự ổn định và phát triển nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh của đất nước.
Toàn cảnh hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các báo cáo và những ý kiến hết sức tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn; cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ, sự đồng tâm hiệp lực, đoàn kết của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Chính phủ trong thực hiện Nghị quyết số 19, đồng thời các đề xuất ý tưởng phối hợp mới có tính khả thi cao.
Trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 19, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tích cực phối hợp tốt, thực hiện đầy đủ, hiệu quả, thực chất các lĩnh vực công tác với tinh thần trách nhiệm cao của cả hai bên.
Thủ tướng khẳng định, mối quan hệ phối hợp công tác này là rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, góp phần thực hiện cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" và góp phần thực hiện chủ trương của Hội nghị Trung ương 8 vừa diễn ra về tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới.
Thủ tướng nhấn mạnh 5 bài học kinh nghiệm quý báu qua quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: (1) Kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; (2) Nhân dân làm nên lịch sử; sự nghiệp cách mạng là của toàn dân, do dân, vì dân; (3) Đoàn kết tạo nên sức mạnh, gồm đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công"; (4) Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài; (5) Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định cho mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định, tất cả những bài học này đều đề cập vai trò của nhân dân và vai trò tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân của MTTQ Việt Nam. Phân tích cụ thể hơn, Thủ tướng lấy ví dụ, trong phòng chống dịch COVID-19, để đất nước ta "đi sau về trước" về vaccine, có 2 thành tố rất quan trọng là "vaccine" và "ý thức của người dân" với vai trò rất quan trọng của MTTQ trong tập hợp, vận động nhân dân.
Thủ tướng nêu rõ, trong thời gian tới, Chính phủ trân trọng đề nghị MTTQ Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, cùng với Chính phủ chung sức, đồng lòng trong triển khai các nhiệm vụ của mỗi bên, phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác phối hợp, khắc phục những hạn chế, những việc chưa làm được, tiếp tục triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tập trung vào 3 đột phá, 6 nhiệm vụ trọng tâm, xác định phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Từ đó, huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và ngoài nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, "dĩ bất biến ứng vạn biến" trong mọi hoàn cảnh, hóa giải thách thức, vượt qua khó khăn, đặc biệt là ứng phó, chuyển xoay tình thế trước những những diễn biến mới, chưa có tiền lệ như đại dịch COVID-19.
Trong những lúc khó khăn, thách thức, điều quan trọng vẫn là phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân lên trên hết, trước hết, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến ký kết phối hợp giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam |
Về một số trọng tâm trong công tác phối hợp, Thủ tướng đề nghị MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt để nhân dân làm chủ; tạo đồng thuận xã hội, sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc".
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Chính phủ trong nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo mọi điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia có hiệu quả vào việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước kết hợp với phương thức vận động, tập hợp nhân dân. Chính phủ cũng đã đề nghị MTTQ Việt Nam tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai có hiệu quả các đề xuất, kiến nghị tại Hội nghị này.
Thứ ba, MTTQ Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân, từng gia đình và từng người dân nỗ lực phấn đấu, hăng say lao động sản xuất, đổi mới, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tự vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; giữ vững lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Làm tốt hơn vai trò tập hợp, lắng nghe ý kiến nhân dân. Tiếp tục có nhiều hành động và việc làm cụ thể, thiết thực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ người dân gặp khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng bị thiên tai...
Thứ tư, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên làm tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội; phát huy tối đa trí tuệ của các nhà khoa học, những chuyên gia giàu kinh nghiệm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nữa với Chính phủ trong việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về giám sát và phản biện xã hội để phát huy vai trò giám sát của Nhân dân.
Thứ năm, phát huy vai trò tích cực của MTTQ Việt Nam trong tham gia kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Phối hợp đề xuất, xây dựng các cơ chế, phương thức phù hợp trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí ở ngay tại mỗi địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị; giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Thứ sáu, Thủ tướng đề nghị MTTQ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong đổi mới cách làm, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết liên tịch về công tác phối hợp giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa được ký kết giữa 2 bên.
* Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (tháng 9/2021), đến nay, các cơ quan đã xử lý dứt điểm 10/19 kiến nghị và đang tiếp tục phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xử lý các kiến nghị còn lại.
Tại Hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có 15 kiến nghị, đề xuất mới. Trả lời về từng kiến nghị, Thủ tướng cơ bản đồng tình, giao các bộ, cơ quan khẩn trương xử lý trong quý IV/2023, xây dựng đề án báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Thi đua chào mừng Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 611/TTg-QHĐP ngày 4/7/2023 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp, tạo điều kiện để tổ chức Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024 - 2029. |
P.V