Đối trọng quyền lực mới
Hội nghị thượng đỉnh BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) lần thứ 15 diễn ra trong 3 ngày, từ 22 đến 24-8, tại Thủ đô Johannesburg, Nam Phi, không có sự tham gia trực tiếp của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Dù vậy, kết quả của hội nghị này vẫn làm thay đổi cơ bản nhóm BRICS.
Chiến sự giữa Nga và Ukraina không thuộc về những chủ đề nội dung được bàn thảo tại hội nghị. Các bên tham dự cũng tránh đề cập hay chỉ trích đích danh ai.
Việc tăng cường hợp tác giữa các thành viên trong nhóm BRICS được đặc biệt coi trọng ở hội nghị. Tuy nhiên, không phải việc tăng cường hợp tác nội nhóm, mà 3 định hướng được xác định, thông qua ở hội nghị cấp cao này mới là những gì làm thay đổi nhóm BRICS, tạo ra bước ngoặt quyết định đối với BRICS.
Định hướng thứ nhất là sự xác định mục tiêu của BRICS kiến tạo trật tự thế giới mới thay thế cho trật tự thế giới hiện tại, hoặc tình trạng hiên tại của thế giới. Trật tự thế giới mới mà 5 thành viên hiện tại của BRICS muốn gây dựng là trật tự thế giới mà theo BRICS phải “công bằng hơn”, có nghĩa là không còn bị các nước thuộc khối phương Tây chi phối và áp đặt.
Tất nhiên, nhóm BRICS phải đóng vai trò trụ cột, là tác nhân quyền lực quan trọng trong trật tự thế giới mới ấy. Theo BRICS, trật tự thế giới mới phải là trật tự thế giới đa cực, chứ không thể là đơn cực hay hai cực, phải phản ánh được những biến động sâu rộng của thế giới trên mọi phương diện. Không xác định chủ trương đối đầu khối phương Tây, nhưng BRICS định hướng phát triển trở thành một đối trọng quyền lực đối với khối phương Tây.
Định hướng thứ hai là gây dựng trật tự tài chính, cơ chế hợp tác tiền tệ mới để không phụ thuộc vào trật tự tài chính thế giới hiện tại, vào tiền tệ của các nước phương Tây. Bản chất của định hướng này là tăng cường sử dụng đồng bản tệ trong thanh toán song phương giữa các thành viên của nhóm, thực hiện “phi đô la hoá” như có thể được và thúc đẩy tiến trình kiến tạo đồng tiền chung cho cả nhóm. Bên cạnh những cái lợi to lớn từ đẩy mạnh hợp tác về tài chính và tiền tệ cho quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, định hướng này còn giúp tạo thế cho BRICS trong cọ sát quyền lực với khối phương Tây.
Định hướng thứ ba là mở rộng nhóm. Tại hội nghị cấp cao này, nhóm BRICS quyết định kết nạp thêm 6 thành viên là Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả rập Xê út và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Mở cửa nhóm đón thành viên mới lần đầu, rồi sẽ có lần sau; thêm lượng, rồi sẽ được thêm chất. Vị trí địa lý, dân số, tiềm năng sức mạnh kinh tế của các thành viên mới sẽ tăng thêm thế, lực, uy danh và ảnh hưởng cho BRICS trên thế giới cũng đóng góp rất quan trọng để nhóm này trở thành đối trọng quyền lực thực sự trên thế giới.
Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng sản
BRICS 15: Nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng trong một thế giới đầy biến động |
BRICS sẽ thiết lập lại trật tự tài chính toàn cầu? |
Vai trò của BRICS trong thị trường năng lượng toàn cầu |