Hiệp định EVFTA, tạo “xa lộ” cho nông sản Việt thâm nhập thị trường
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (Hiệp định EVFTA) đã và đang tạo một “xa lộ” cho nông sản Việt vào EU - thị trường khó tính bậc nhất thế giới này.
Khai thác nhiều lợi thế từ EVFTA
Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) 6 tháng đầu năm 2023 đạt 2,1 tỷ USD.
Bên cạnh đó là một số tin vui cho nông sản Việt ở thị trường EU như gạo Lộc Trời với thương hiệu Cơm Việt Nam Rice đã xuất khẩu thành công vào chuỗi siêu thị của Pháp, quả vải tươi của Việt Nam xuất khẩu vào Séc và một số thị trường EU, cà phê Vĩnh Hiệp xuất khẩu sang EU…
Điều này cho thấy, Hiệp định EVFTA được thực thi trong 3 năm qua đã tạo đà cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung và mặt hàng nông lâm sản nói riêng khi nhiều dòng thuế xuất khẩu vào thị trường này được xóa bỏ, giúp tạo lợi thế cạnh tranh so với hàng từ một số quốc gia khác không có FTA với EU.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, lợi thế lớn nhất đối với hàng hóa của Việt Nam nhất là các mặt hàng nông sản là việc mở cửa thị trường, vì trong nhiều năm, EU là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu Việt Nam và cũng là những thị trường mà Việt Nam có thặng dư thương mại rất lớn. Tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và EU đối với thị trường này cũng tăng đều qua các năm mặc dù có chịu tác động từ đại dịch Covid-19.
Thị trường EU ưa chuộng hạt gạo Việt, xuất khẩu mặt hàng này khởi sắc |
Về cơ hội cho hàng nông sản của Việt Nam, ông Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, EVFTA đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam khai thác được những lợi thế cạnh tranh tuyệt đối hoặc là lợi thế cạnh tranh so sánh của nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông lâm thủy sản. "Chúng ta đã có được chú hích từ EVFTA để có thể khai thác được lợi thế cạnh tranh này, điển hình từ những con số tăng trưởng vượt bậc kim ngạch xuất khẩu trong thời gian qua" - ông Lê Duy Bình cho hay.
Theo ông Bình nhận định, "bên cạnh những mặt hàng nông lâm thủy sản phẩm mang tính chất truyền thống, như cà phê, hạt điều, hồ tiêu và một số mặt hàng lâm sản hoặc thủy sản, trong thời gian vừa qua, nhờ EVFTA, giúp chúng ta cũng khai thác được thêm những lợi thế tuyệt đối với một số mặt hàng nông sản mới như mặt hàng gạo, đặc biệt là gạo chất lượng cao và gạo thơm, được minh chứng qua sự tăng trưởng vượt bậc tốc kim ngạch xuất khẩu đối với một số thị trường tại EU gấp 2 hoặc 3 lần so với trước đây".
Hay như đối với mặt hàng rau củ quả, cũng có sự tăng trưởng đáng khích với kim ngạch xuất khẩu hơn 200 triệu USD vào năm 2022, giúp Việt Nam trở thành nhà cung cấp thứ 59 trên thế giới về mặt hàng này đối với thị trường EU. "Điều này cho thấy chúng ta cũng đã khai thác được rất nhiều lợi thế từ EVFTA" - Ông Bình nhấn mạnh.
Xây dựng hệ sinh thái thương hiệu sản phẩm
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, các chuyên gia cũng cho rằng, nông sản Việt cũng đang phải chịu những rào cản nhất định ở EU như những hàng rào kỹ thuật được dựng lên để bảo hộ hàng trong nước.
Thực tế hiện nay, hầu hết nông sản được xuất dạng thô, chưa có thương hiệu cũng là một rào cản của nông sản Việt khi xuất khẩu sang EU. Nhiều ý kiến cho rằng nông sản Việt Nam dù gia tăng sản lượng xuất khẩu sang EU song vẫn chưa có nhiều thương hiệu được biết đến.
Trong bối cảnh thị trường EU với tiêu chuẩn đặt ra ngày càng cao đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải liên tục cập nhật thông tin và kết nối chặt chẽ với nhà nhập khẩu. Đặc biệt, phải đầu tư thích đáng cho việc xây dựng thương hiệu, coi đó là một phần của chiến lược sản xuất kinh doanh, từ đó giúp xuất khẩu bền vững sang thị trường này.
Đơn cử, là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, trong đó có xuất khẩu sang thị trường EU, câu chuyện đưa được gạo với thương hiệu riêng vào EU của Lộc Trời là một trong những câu chuyện điển hình về nỗ lực không ngừng nghỉ để xây dựng thương hiệu.
Ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời - cho biết, khi xuất khẩu gạo và Châu Âu, cái khó nhất là nếu chúng ta chỉ là một nhà xuất khẩu đơn thuần, tức là mua đi bán lại hoặc là có nhà máy mua lúa xay xát rồi bán thì gần như không thể xây dựng được thương hiệu tại thị trường châu Âu.
"Khi Việt Nam được đánh giá là một trong những nước xuất khẩu có uy tín và được tin cậy nhất trên thế giới về lúa gạo thì đầu tiên đó là Việt Nam chúng ta có nền tảng rất vững chắc về sản xuất lúa, canh tác lúa và cung cấp lúa gạo trên thế giới một cách ổn định. Tới thời điểm này trong tình trạng hiện nay thì Việt Nam được đánh giá là nguồn cung cấp lúa gạo uy tín nhất thế giới đó là điều kiện cần nhưng mà để xây dựng được thương hiệu ở thị trường Châu Âu" - ông Thuận nhìn nhận.
Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam - cho biết, đối với mặt hàng hồ tiêu và gia vị khi đi ra thị trường thì song song với câu chuyện thương hiệu còn phải gắn với câu chuyện thị trường và chất lượng bởi vì EU là một thị trường tương đối khó tính và liên tục cập nhật các vấn đề về kiểm soát chất lượng.
Bên cạnh đó là kiểm soát được chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng. Theo đó, các doanh nghiệp phải hướng đến phương thức hợp tác một cách chặt chẽ hơn, có cam kết trong thời gian ổn định trong một thời gian dài cùng với đó là các tiêu chí về môi trường, phát triển bền vững. Tín hiệu đáng mừng là hiện Việt Nam vẫn là thị trường cung các mặt hàng hồ tiêu và gia vị chính cho EU (chiếm tới 45% thị phần).
Bà Hoàng Thị Liên cho rằng, để xây dựng được thương hiệu sản phẩm cho từng doanh nghiệp thì trước hết cần phải xây dựng được thương hiệu quốc gia. Ngược lại, bản thân các doanh nghiệp cũng vừa phải cải tiến liên kết sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa phải chuyển đổi ngành sản xuất để có thể cung cấp cái thị trường cần chứ không phải cái mình có thể làm được, bởi những sản phẩm mình có thể làm tốt nhất chưa chắc đã là điều mà mình mong muốn nhất.
Ông Ngô Chung Khanh cho rằng, để xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm nông sản Việt tại thị trường EU, việc đầu tiên là cần phải xây dựng được hệ sinh thái kết nối giữa các chủ thể liên quan đến chuỗi xuất khẩu sang thị trường này, trước mắt là mỗi địa phương tập trung vào một đến hai lĩnh vực có thế mạnh, như đối với mặt hàng thủy sản ở Tiền Giang hay mặt hàng gạo ở Cần Thơ. Bên cạnh đó, cần có nguồn tín dụng dành riêng để tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu và xây dựng thương hiệu.
"Bộ Công Thương cũng đã có kế hoạch làm việc với Ngân hàng và một số Bộ, ngành liên quan để cùng bàn bạc tìm nguồn tín dụng nào nó phù hợp với chính sách hiện hành để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp" - ông Ngô Chung Khanh thông tin.
Đồng thời cho biết, những vấn đề này cũng đã được Bộ Công Thương đề cập trong Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2022.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cũng cho rằng, bên cạnh những lợi thế mang lại, EVFTA cũng buộc nền kinh tế phải chuyển đổi mạnh mẽ, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông lâm thủy sản cũng cần phải có sự chuyển mình hơn nữa để nâng cao chất lượng sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao.
"Song để được như vậy chắc chắn là phải có vai trò không chỉ là cơ quan quản lý nhà nước mà của chính các doanh nghiệp gồm doanh nghiệp như con sếu, đầu đàn đến những doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ" - ông Bình nhấn mạnh.
Theo Báo Công Thương
Nhìn lại hiệu quả ba năm thực thi EVFTA Sau ba năm thực thi, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mang lại những lợi ích nhất định nhưng vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp Việt khai thác. |