Sẽ có chính sách dự trữ xăng dầu mới để kiểm soát tăng giá
(PetroTimes) - Bộ Tài chính vừa phản hồi cử tri TP HCM về chiến lược dự trữ năng lượng của quốc gia, với mục tiêu ngăn chặn tình trạng tăng giá xăng dầu đột ngột như đã xảy ra trong thời gian gần đây.
Theo thông tin phản hồi của Bộ Tài chính, cơ chế quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia đã được hoàn thiện một cách cơ bản, với sự kết hợp giữa Luật Dự trữ quốc gia và các Nghị định của Chính phủ về kinh doanh và dự trữ xăng dầu. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều Thông tư hướng dẫn liên quan đến kế hoạch ngân sách, nhập xuất, mua bán, thuê bảo quản, quản lý chất lượng và chế độ kế toán liên quan đến dự trữ quốc gia.
Ảnh minh họa |
Gần đây, ngày 18/7/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu và khí đốt quốc gia cho giai đoạn từ 2021 đến 2030, với tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này đã đề ra mục tiêu cụ thể về hạ tầng dự trữ xăng dầu, bao gồm việc đảm bảo sức chứa từ 500.000 đến 1.000.000 m3 sản phẩm xăng dầu và từ 1.000.000 đến 2.000.000 tấn dầu thô, nhằm đáp ứng được 15-20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021-2030. Sau giai đoạn này, mục tiêu sẽ là đảm bảo sức chứa từ 500.000 đến 800.000 m3 sản phẩm xăng dầu và từ 2.000.000 đến 3.000.000 tấn dầu thô, để đáp ứng được 25-30 ngày nhập ròng.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, dự trữ xăng dầu quốc gia bình quân 5 năm qua khoảng hơn 370.000 m3 mỗi năm. Số lượng này tương đương 9 ngày nhập khẩu ròng và 6,5 ngày tiêu thụ là thấp so với nhu cầu thực tế và chưa có dự trữ quốc gia đối với dầu thô.
Con số này cũng thấp hơn nhiều quốc gia khác khoảng 20-30 ngày, như vậy, mức dự trữ hiện tại của Việt Nam chỉ bằng 1/3-1/8 nhiều nước.
Theo đánh giá, lượng hàng dự trữ "mỏng" dẫn tới khi nhu cầu xăng dầu tăng vọt, lượng hàng doanh nghiệp cung ứng cho hệ thống phân phối khó lòng cung ứng kịp cho các cửa hàng bán lẻ, khiến một số địa phương xăng dầu thiếu cục bộ.
Trong thời gian tới, việc tăng mức dự trữ quốc gia xăng dầu là một biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng các yêu cầu của Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu và khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết.
Trước đó, tại Văn bản số 2790/VPCP-KTTH ngày 15/8/2022 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các đơn vị liên quan để nghiên cứu các phương án điều chỉnh tăng tổng mức dự trữ quốc gia xăng dầu. Các phương án này cần phù hợp với khả năng tài chính của ngân sách nhà nước, đồng thời bảo đảm các yêu cầu về kho lưu trữ và bồn bể chứa và phải được thực hiện theo lộ trình có tính khả thi, tiết kiệm và hiệu quả, tuân thủ quy định và đáp ứng nhu cầu thực tế về dự trữ xăng dầu quốc gia.
Sau khi phương án tăng mức dự trữ quốc gia xăng dầu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030. Điều này sẽ tạo cơ sở cho Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện chiến lược và quy hoạch dự trữ quốc gia xăng dầu trong tương lai, để đáp ứng các yêu cầu thích hợp.
Huy Tùng (t/h)