Hướng dẫn thoát nạn khi gặp hoả hoạn tại các chung cư, căn hộ
(PetroTimes) - Liên tiếp những vụ hỏa hoạn gây hậu quả nghiêm trọng tại các căn hộ và chung cư mini TP. Hà Nội gần đây đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng cháy, chữa cháy và vấn đề cập nhật kiến thức thoát nạn cho người dân khi gặp hoả hoạn.
Hiện trường vụ cháy chung cư tại Hà Nội |
Thực tế hiện nay, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) chưa được chủ đầu tư, Ban quản lý các chung cư; nhà ở hộ gia đình quan tâm đúng mức, thiếu kiến thức về công tác PCCC và CNCH.
Bên cạnh đó, nhiều nhà trọ và chung cư mini thường nằm ở các hẻm hẹp, và xa nguồn nước, không đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản về an toàn PCCC, bao gồm việc thiếu lối thoát hiểm, bố trí, sắp xếp vật dụng và hàng hóa không đúng cách...nên khi xảy ra sự cố cháy lực lượng PCCC tại chỗ, người dân thường hoảng loạn và mất bình tĩnh dẫn đến hiệu quả tổ chức chữa cháy tại chỗ không cao.
Cách xử lý khi gặp hoả hoạn
Khi phát hiện cháy người dân cần nhanh chóng hô hoán, báo động cho mọi người xung quanh biết (kẻng, còi, chuông báo cháy); đồng thời báo ngay cho lực lượng PCCC cơ sở và lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH qua số 114 sau đó thực hiện:
- Nhanh chóng ngắt điện hoặc thông báo người có trách nhiệm kịp thời cắt điện khu vực xảy cháy.
- Cứu người bị nạn hoặc hướng dẫn người khác thoát nạn (nếu tình huống xảy ra)
- Sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ (như bình chữa cháy, vòi nước chữa cháy) để dập lửa; sơ tán tài sản ngăn cháy lan.
- Phối hợp với lực lượng PCCC cơ sở, Cảnh sát PCCC&CNCH thực hiện các nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo phân công.
Người dân cần trang bị những vật dụng thoát hiểm và chống cháy nổ trong nhà phòng khi hoả hoạn xảy ra |
Trong trường hợp đám cháy lớn, diễn biến phức tạp, người dân khi phát hiện có cháy ở nhà cao tầng cần bình tĩnh suy sét, tìm lối thoát nạn sẵn có theo đèn chỉ dẫn thoát nạn "EXIT" hoặc nghe thông báo chỉ dẫn qua loa chỉ dẫn.
- Trong quá trình thoát nạn hãy thông báo cho các phòng lân cận biết có cháy để cùng xử lý và thoát nạn.
- Nếu phải băng qua lửa, khói, khí độc hãy dùng mặt nạ phòng độc hoặc dùng chăn, áo, khăn ướt trùm lên đầu, che bịt kín miệng mũi.
- Khi di chuyển cần cúi thấp người (cúi, khom hoặc bò) và men theo tường.
- Trước khi mở cửa cần cần kiểm tra nhiệt độ của cửa; khi mở cần tránh mặt, tránh người sang một bên đề phòng lửa tạt. Nếu nhiệt độ cửa quá cao, tuyệt đối không được mở cửa và tìm ngay lối thoát khác.
- Nếu không có lối thoát khác hoặc không thể ra cửa, hay nhanh chóng di chuyển ra ban công, cửa sổ và hô tô, ra hiệu bằng dùng đồ vật sáng màu. Gọi điện thoại báo cho Cảnh sát PCCC&CNCH số 114 hoặc báo cho người thân.
Có thể dùng thang, dây, rèm, ga nối lại để xuống đất. Tuyệt đối không nhảy từ tầng quá cao xuống đất nếu không có sự hướng dẫn của lực lượng CNCH.
Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an, để thực hiện công tác phòng cháy hiệu quả, người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy; thành lập, duy trì hoạt động đội phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đơn vị chức năng cần tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về phòng cháy và chữa cháy. Ngoài ra cần đảm bảo kinh phí cho hoạt động phòng và chữa cháy, trang bị và duy trì hoạt động của dụng cụ, phương tiện chữa cháy; tổ chức chữa cháy và khắc phục những hậu quả do hoả hoạn gây ra.
Đối với chủ hộ gia đình phải có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng chảy và chữa cháy; Thường xuyên kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ; Phối hợp với cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn chất dễ gây cháy, nổ. Các hộ gia đình cũng cần bố trí sắp xếp vật dụng, nội thất, hàng hóa trong nhà phải bảo đảm ngăn cháy lan; lắp đặt và sử dụng hệ thống, thiết bị điện an toàn; quản lý chặt chẽ trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, chất, hàng hóa dễ cháy, nổ, sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy trong nhà, không để tiềm ẩn, phát sinh cháy, nổ; Trang bị bình chữa cháy xách tay, lắp đặt thiết bị báo cháy tự động để kịp thời phát hiện, tổ chức thoát nạn, chữa cháy; duy trì lối thoát khẩn cấp qua ban công, lôgia phù hợp với điều kiện thực tế của căn hộ; xây dựng và thường xuyên thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn của hộ gia đình.
Các cá nhân có trách nhiệm cần chấp hành quy định, nội quy, yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy của người hoặc cơ quan có thẩm quyền; Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức cần thiết về phòng cháy và chữa cháy; biết sử dụng dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa chảy thông dụng; Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và trong bảo quản, sử dụng chất cháy.
Cơ quan, tổ chức và hộ gia đình có trách nhiệm tổ chức, thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng về phòng chảy và chữa cháy.
Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quy định việc lồng ghép kiến thức và kỹ năng về phòng cháy và chữa chảy vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng ngành học, cấp học "
Đối với lực lượng PCCC tại chỗ, khi phát hiện cháy nhanh chóng báo động cho tất cả mọi người biết (kẻng, còi, chuông báo cháy, loa thông báo); đồng thời báo ngay cho lực lượng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH qua số 114. Sau khi xác định vị trí cháy; lực lượng PCCC cần tổ chức nắm rõ tình trạng nguồn điện tại khu vực cháy; loại, số lượng chất cháy; nguồn nước chữa cháy và khả năng sử dụng các phương tiện chữa cháy, CNCH; Phân công các tổ, đội, bộ phận đồng thời thực hiện ngay các biện pháp chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Nhanh chóng ngắt điện hoặc kịp thời tổ chức cắt điện khu vực xảy cháy; Cứu người bị nạn hoặc hướng dẫn thoát nạn (nếu có); Sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ (như bình chữa cháy, vòi nước chữa cháy) để dập lửa; sơ tán tài sản ngăn cháy lan…. Tham gia bảo vệ hiện trường phục vụ điều tra nguyên nhân vụ cháy và khắc phục hậu quả.
Minh Đức