Quan hệ Trung Quốc-Venezuela tiến đến cấp độ lịch sử?
(PetroTimes) - Đầu tuần này, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước thứ năm đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử. Đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng có thể sẽ là trọng tâm của chuyến công du lần này. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, trong khi Venezuela có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
Trong cuộc hội ngộ với người đồng cấp Venezuela, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc và Venezuela đang nâng cấp mối quan hệ của họ lên tầm đối tác chiến lược “vĩnh cửu và bất diệt” – một địa vị dành riêng cho “một số ít”. Thật vậy, Chủ tịch CHND Trung Hoa phát biểu: “Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Venezuela trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, phẩm giá quốc gia và xã hội ổn định. Chúng tôi kiên quyết ủng hộ họ chống lại sự can thiệp từ bên ngoài”.
Ông Tập Cận Bình đã thảo luận về tiến trình cải cách và mở cửa kinh tế của Trung Quốc, nhất là việc phát triển đặc khu kinh tế. Ông cũng cho biết, những công cụ này đã giúp Trung Quốc từng bước tiến bộ để có được ngày hôm nay. Ông nói thêm: “Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vĩnh cửu Trung Quốc-Venezuela sẽ đáp ứng mong đợi chung của nhân dân hai nước và có tính phù hợp với xu hướng cùng nhau phát triển”. Đồng thời, ông kêu gọi hai bên “thúc đẩy hợp tác mang nhiều tính chiến lược hơn, mang về lợi ích lớn hơn cho nhân dân hai nước và tiếp thêm năng lượng tích cực cho nền hòa bình và sự phát triển của thế giới”.
Lịch sử quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Venezuela bắt đầu từ năm 1974 – thời điểm quan hệ ngoại giao chính thức được thiết lập giữa hai nước. Đối với ông Nicolas Maduro, quá trình chuyển đổi từ quan hệ chính thức (được thiết lập vào năm 1974) lên cấp độ hiện tại bắt đầu vào tháng 10 năm 1999, thời điểm mà cựu Tổng thống Hugo Chávez - người mang tầm nhìn của Simon Bolivar về "cân bằng thế giới", thực hiện chuyến thăm chính thức đến Trung Quốc. Sau đó, mối quan hệ tiếp tục được củng cố, nhất là qua chuyến thăm Caracas do Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện vào tháng 7 năm 2014. Tuy nhiên, vào năm 2018, mối quan hệ hợp tác đã bị cản trở, vì các lệnh trừng phạt và phong tỏa của phương Tây đã làm ảnh hưởng đến khả năng hợp tác trôi chảy giữa hai nước. Trong “giai đoạn đau đớn và khó khăn của nền kinh tế chìm trong chiến tranh”, hơn 900 biện pháp cưỡng chế đơn phương, một hệ thống tổng thể nhằm phong tỏa tài chính, ngân hàng và dầu mỏ của Mỹ và Liên minh Châu Âu đã khiến nhà nước Venezuela mất đi 99% doanh thu của họ. Do vậy, “Venezuela chỉ còn trông cậy được vào sự giúp đỡ từ Trung Quốc. Ví dụ, khi EU và Mỹ chặn quyền tiếp cận thuốc và vắc xin của Venezuela trong thời kỳ đại dịch, Trung Quốc đã gửi vắc xin VeroCell để giúp bảo vệ người dân Venezuela”. Và khi phương Tây ngăn cản Venezuela xuất khẩu dầu, chính Trung Quốc lại mở cửa thị trường cho dầu thô của Venezuela.
Hiện nay, hai nước đã ký 31 thỏa thuận hợp tác khoa học, công nghệ, công nghiệp, môi trường, giáo dục, y tế công cộng và thương mại trong khuôn khổ sáng kiến “Con đường Tơ lụa mới”. Đối với vị Tổng thống ủng hộ đường lối của Simón Bolívar, “một giai đoạn mới đang mở ra, ở cấp độ lịch sử cao hơn, phù hợp với những thách thức của thế kỷ 21. Mối quan hệ này sẽ tăng tốc. Nền tảng đã được khắc sâu vào trong tài liệu. Không cần thủ tục hay hành chính: Mỗi bên đều phải đạt được kết quả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. (…) Những tài liệu này, theo lời giải thích của ông Nicolas Maduro, thể hiện cam kết hợp tác song phương trong các lĩnh vực năng lượng. Ông nhấn mạnh rằng chúng là “xương sống” của các thỏa thuận. Bên cạnh đó còn có lĩnh vực tài chính và tiền tệ - bằng cách đẩy mạnh trao đổi bằng đồng nhân dân tệ, nền kinh tế, thương mại và công nghiệp, cũng như trong lĩnh vực giáo dục về kinh doanh nhằm “hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm của chúng tôi”. Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu từ Venezuela, đặc biệt là những sản phẩm đánh bắt cá từ vùng biển Caribe.
Tổng thống Maduro chỉ ra thêm một điểm khác: “Chúng tôi sẽ trở nên tiến bộ hơn trong lĩnh vực khai thác mỏ; nếu chúng tôi tính đến những trữ lượng khổng lồ đã được chứng minh - không chỉ đối với dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, mà còn đối với cả coban, vàng, kim cương, niken, bô xít, sắt, cùng những nguyên liệu cơ bản khác trong chuỗi sản xuất toàn cầu, thì tiềm năng công nghiệp của Venezuela trong lĩnh vực này là rất lớn, và đặc biệt, chúng tôi sẽ quan tâm nhiều hơn đến những ngành công nghiệp và phát triển khoa học của Trung Quốc. (…) Một đặc khu kinh tế rộng 9 triệu ha sẽ được hình thành ở phía đông Venezuela, một nơi có tiềm năng về nông nghiệp, một nơi giúp phát triển định hướng xuất khẩu nông sản thực phẩm sang Trung Quốc”.
Mục tiêu thiết yếu của các đặc khu kinh tế, theo luật pháp hiện hành của Venezuela, là phát triển những cơ chế đầu tư công - tư, quốc gia và nước ngoài, vì lợi ích chiến lược của Nhà nước Venezuela. Trọng tâm hoạt động của các đặc khu là thúc đẩy sự phát triển của những hoạt động đã có cũng như những hoạt động mới trong các lĩnh vực như công nghiệp, khoa học và công nghệ, du lịch, thương mại hàng hóa và dịch vụ. Một số văn bản đang được ký kết để tiếp tục và tăng cường hợp tác hàng không vũ trụ và hàng không du lịch. Trung Quốc đã đóng góp phần lớn vào việc cung cấp cho Venezuela những vệ tinh quan sát trong những năm gần đây và “tích hợp chúng vào dự án trạm mặt trăng”. Ngoài ra, “Conviasa, hãng hàng không nhà nước của Venezuela, sẵn sàng khai thác đường bay trực tiếp Trung Quốc-Venezuela”.
Không quên những hoạt động trao đổi về đào tạo chính trị và công tác xã hội giữa Đảng Xã hội Thống nhất Venezuela (PSUV, đảng cánh tả) và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Sẽ là một sai lầm nếu tin rằng những thỏa thuận này chỉ liên quan thuần túy đến khía cạnh kinh tế. Trong chuyến đi này, Tổng thống Maduro đã gặp một số quan chức của Đảng Cộng sản tại nhiều địa phương, cũng như với ông Liu Junwen - Tổng giám đốc Trung tâm Quốc tế Giảm nghèo của Trung Quốc, nhằm ký những thỏa thuận hợp tác khác. Được thành lập vào năm 2005, trung tâm này không chỉ là kênh chiến lược phát triển hợp tác Bán cầu Nam, mà còn là một nền tảng chuyên về nghiên cứu, đào tạo, trao đổi và hợp tác nhằm góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trên toàn thế giới.
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thành công trong việc xóa đói giảm nghèo cho 800 triệu người, trong đó có 100 triệu người dưới thời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ở khu vực nông thôn, tỷ lệ nghèo giảm từ 10,2% (năm 2012) xuống còn 0,6% (năm 2019), còn số lượng người dân có thu nhập thấp giảm từ 98,99 triệu người (năm 2012) xuống còn 5,51 triệu người (năm 2019).
Venezuela dành ra 77,1% ngân sách quốc gia cho đầu tư xã hội. Đây là quốc gia duy nhất trên thế giới dành sự quan tâm ưu tiên cho người dân bằng cách tăng cường sản xuất, mua và phân phối thực phẩm với mức trợ giá (hệ thống CLAP), cũng như những chương trình nhà ở (gần 5 triệu nhà ở giá rẻ đã xuất hiện kể từ khi Hugo Chávez khởi động chương trình này), giáo dục, y tế và an sinh xã hội.
Hai nước cũng sẽ tăng cường hợp tác trong khuôn khổ những tổ chức đa phương như BRICS, Liên Hợp Quốc, G77+Trung Quốc, đồng thời tăng cường đoàn kết và hợp tác với những nước mới nổi khác. Họ muốn bảo vệ lợi ích chung của những nước trên và khuyến khích hợp tác giữa Trung Quốc với toàn bộ châu Mỹ Latinh và vùng Caribe.
Ngay khi vừa đặt chân đến Trung Quốc, ông Nicolas Maduro đã tìm được một người bạn cũ: Cựu tổng thống Brazil Dilma Rousseff – đương kim chủ tịch Ngân hàng Phát triển BRICS (có trụ sở tại Thượng Hải), một tổ chức hướng đến việc xây dựng hệ thống tài chính không chịu sự chi phối của phương Tây và đồng Đô la. Ông bày tỏ ý định cho Venezuela tham gia vào BRICS với tư cách là thành viên chính thức và sau đó “yêu cầu được sáp nhập vào Ngân hàng Phát triển Mới của họ”.
Ông Nicolas Maduro kết luận: “Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã trở thành một nước lớn phấn đấu vì hòa bình, phát triển và hạnh phúc của toàn nhân loại, đồng thời là động lực quan trọng thúc đẩy một thế giới đa cực. Giữa Trung Quốc và Venezuela tồn tại một loại quan hệ có thể xem là hình mẫu cho quan hệ giữa các nước ở Bán cầu nam. Một mô hình về mối quan hệ nên có giữa một siêu cường như Trung Quốc - siêu cường của thế kỷ 21 và một quốc gia mới nổi, anh hùng, cách mạng và mang tính xã hội chủ nghĩa như Venezuela”.
Ngọc Duyên