Những bất đồng làm trì hoãn kế hoạch trung tâm khí đốt của Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ
(PetroTimes) - Nỗ lực của Nga nhằm tạo ra một "trung tâm khí đốt" ở Thổ Nhĩ Kỳ để thay thế doanh số bán hàng cho châu Âu, có thể sẽ bị chậm tiến độ vì những bất đồng về việc ai sẽ chịu trách nhiệm về nó, hai nguồn tin quen thuộc với dự án nói với Reuters.
Colombia trên bờ vực khủng hoảng khí đốt tự nhiên |
Sản lượng và nhu cầu khí tự nhiên của Mỹ sẽ đạt đỉnh mới trong năm nay |
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bắt tay người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo ở Sochi, Nga ngày 4/9/2023 |
Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất ý tưởng này vào tháng 10/2022, ngay sau khi các vụ nổ làm hư hỏng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream nối Nga với Đức qua Biển Baltic. Hiện vẫn chưa rõ ai chịu trách nhiệm về các vụ nổ.
Một nguồn tin nắm rõ tình hình cho biết kế hoạch trung tâm khí đốt có thể bị chậm tiến độ vì Moscow và Ankara đang tranh giành quyền kiểm soát.
Nguồn tin giấu tên cho biết: “Có những vấn đề về quản lý, họ đang đấu tranh xem ai sẽ quản lý trung tâm”.
Một nguồn tin khác, thân cận với gã khổng lồ khí đốt Gazprom do Điện Kremlin kiểm soát, thừa nhận có “vấn đề” trong các vấn đề quản lý.
Gazprom và Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ không trả lời yêu cầu bình luận.
Nga coi trung tâm này là một cách để định tuyến lại hoạt động xuất khẩu khí đốt của mình khi các nước châu Âu đã cắt giảm mạnh nguồn cung từ nước này. Họ hy vọng sẽ bán được một số khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ cho các quốc gia không sẵn sàng mua trực tiếp từ Nga.
Moscow hiện cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ thông qua đường ống Blue Stream và TurkStream băng qua Biển Đen. Khí đốt qua TurkStream được tiếp tục xuất khẩu sang miền nam và miền đông châu Âu, bao gồm Hungary, Hy Lạp, Bosnia và Herzegovina, Romania và Serbia.
Một số nước phương Tây lo ngại bất kỳ trung tâm khí đốt nào của Thổ Nhĩ Kỳ đều có thể cho phép Moscow che dấu các mặt hàng xuất khẩu bị phương Tây trừng phạt, bằng cách trộn nhiên liệu này với nhiên liệu từ các nguồn khác.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO nhưng có quan hệ tốt với Nga, mặc dù mối quan hệ đã căng thẳng vì một số vấn đề, bao gồm cả quyết định của Nga hồi tháng 7 rút khỏi thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện nhập khẩu gần như toàn bộ khí đốt và có cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng rộng khắp. Ankara tin rằng họ có thể tận dụng các mối quan hệ thương mại hiện có để trở thành một trung tâm khí đốt.
Ông Putin cho biết vào tháng 7 rằng trung tâm khí đốt vẫn nằm trong chương trình nghị sự và Nga muốn thiết lập một nền tảng điện tử để bán khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vào ngày 4/9, ông Putin cho biết Gazprom đã đệ trình lộ trình xây dựng trung tâm này cho công ty năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ BOTAS.
Điện Kremlin cho biết trung tâm này là một dự án phức tạp cần có thời gian để thành hiện thực. Người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, lần đầu tiên cho biết vào tháng 2 rằng kế hoạch này có thể bị trì hoãn do trận động đất kinh hoàng xảy ra ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Nga cung cấp khí đốt qua đường ống cho châu Âu chủ yếu qua Ukraine với tốc độ hơn 40 triệu m3/ngày, chưa bằng một nửa số lượng từng bán cho Liên minh châu Âu trước xung đột Ukraine qua tuyến đường đó.
Điện Kremlin cho biết đường ống dẫn khí TurkStream không thể thay thế công suất của Nord Stream.
Vào tháng 8, Gazprom đã cung cấp cho Liên minh châu Âu thông qua Ukraine và TurkStream khoảng 2,84 tỷ m3 khí đốt (bcm), trong đó 1,54 bcm được vận chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ và 1,3 bcm qua Ukraine.
Năm 2022, tổng lượng xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga giảm gần một nửa xuống còn 100,9 bcm.
Nhiều quốc gia đã cam kết chấm dứt hoặc hạn chế nhập khẩu dầu khí từ Nga để cắt giảm nguồn thu của Moscow. Hồi tháng 3, EU cho biết họ sẽ cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong vòng một năm. Vương quốc Anh, quốc gia chỉ nhập khẩu một lượng nhỏ khí đốt của Nga, đã cắt hoàn toàn nguồn cung từ nước này.
Yến Anh