Nhìn công trình nhà ở bằng "con mắt cứu hỏa"
Nhìn từ vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội và vô vàn vụ hỏa hoạn trước đó, các chuyên gia đặt vấn đề cho cơ quan chức năng và người dân cần nghiên cứu kịch bản phòng cháy trước khi xảy ra sự cố.
Chung cư mini trong ngõ 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, nơi xảy ra vụ hỏa hoạn làm 56 người thiệt mạng rộng hơn 100m2, cao 9 tầng, được chia thành 45 phòng trọ, tầng một là nơi để xe. Ngọn lửa bùng phát từ khu để xe máy tầng một. Ít phút sau, ngọn lửa bốc cháy dữ dội.
"Theo nguyên lý vật lý, trong nhà cao tầng, đám cháy và khói sẽ bốc từ dưới lên trên. Trường hợp cháy từ tầng trệt bít hết lối ra vào, thì người dân sẽ thoát nạn bằng đường nào", chuyên gia đưa ra câu hỏi cho phóng viên trước khi đưa ra giải pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các chung cư mini, nhà thuê cao tầng.
Tình huống giả định vụ cháy bùng lên ở khu vực căn hộ ở tầng 6, Block A3 chung cư The Gold View, quận 4, TP HCM (Ảnh minh họa: Hải Long). |
"Phải tự xem xét nhà mình cần thoát hiểm thế nào"
Nghiên cứu phòng cháy quan trọng không kém việc chữa cháy. TS Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam |
Trao đổi với PV, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đặt vấn đề, khi đứng nhìn vào một căn nhà thì người dân phải đặt ra tình huống giả định: Nếu cháy và khói từ tầng 1 bốc lên thì người trong đó phải thoát thế nào.
Đó là nhìn bằng "con mắt cứu hỏa".
Sau mỗi vụ hỏa hoạn sẽ có bài học kinh nghiệm được rút ra, được cảnh báo. Chuyên gia nhấn mạnh, bây giờ phải làm sao để người dân tự nhìn vào nhà mình xem đã có gì đảm bảo an toàn, để tự ý thức được phương án phòng cháy và thoát hiểm khi ở nhà, khi xây nhà.
"Ngoài lực lượng PCCC nắm rõ địa bàn, bản thân gia chủ phải tự xem xét nhà mình cần thoát hiểm thế nào. Có người sẽ nghĩ: nhà tôi đang bình thường mà các vị bảo ví dụ bị cháy, nghe xui xẻo. Thực tế cho thấy, làm không thừa đâu!", TS Nguyễn Hữu Nguyên khẳng định.
Theo chuyên gia, công tác này cần đến sự nghiên cứu của các cơ quan chức năng, sau đó hướng dẫn người dân thực hiện.
Nghiên cứu kịch bản phòng cháy ở đây là phải hướng dẫn cho từng cơ sở địa phương như tổ dân phố, từng người dân, không chỉ tuyên truyền các bước PCCC chung chung, mà phải có kịch bản cụ thể tại từng vách nhà sát nhất, trong từng hẻm nhỏ nhất.
TS Nguyễn Hữu Nguyên nhận định, phần lớn "chung cư mini" có cơ sở hạ tầng, thiết bị không hiện đại như chung cư lớn theo quy định, nhất là hạng mục PCCC và thoát hiểm.
Khi xây dựng chung cư cao tầng, các chủ đầu tư phải tính toán những hạng mục này ngay từ đầu và phải được cơ quan chức năng phê duyệt. Còn thực tế, mục đích của những chung cư mini nói chung là chỉ để có nhiều phòng cho thuê.
Theo chuyên gia, với dạng nhà ở tập trung nhiều người và kể cả nhà thông thường trong đô thị, tiêu chuẩn đầu tiên trong việc quy hoạch là phải có đủ phần đường dành cho xe cứu hỏa tiếp cận.
Còn nếu công trình nằm trong khu dân cư chật hẹp hiện hữu, thì địa phương cần tổ chức các đơn vị cứu hỏa tự quản, bố trí những phương tiện cứu hỏa cơ động có kích thước nhỏ như xe máy, xe ba gác để dễ dàng vào hiện trường cứu hộ tạm thời.
Do đó, chuyên gia khuyến cáo, công trình nào đã lỡ xây rồi, thì phải đầu tư thiết bị phòng cháy, cứu hỏa và thoát nạn tốt hơn.
Bên cạnh đó, tại các đô thị đông dân như TP HCM và Hà Nội, các công trình nhà ở nằm sát vách nhau, khiến cơ hội thoát hiểm từ các bên nhà bị hạn chế. "Vì lý do an ninh, đâu nhà nào muốn có lối thông nhau với nhà sát vách. Đây cũng chính là điểm yếu trong việc thoát hiểm nếu xảy ra sự cố", TS Nguyên nói.
Đối với đô thị đông dân như TP HCM, TS Nguyễn Hữu Nguyên nêu quan điểm: Cần hạn chế tối đa dạng công trình chung cư nhiều tầng tại vị trí không có khả năng tiếp cận chữa cháy, cứu hộ cứu nạn như khu dân cư đông đúc, không gian đường phố nhỏ bé.
Công trình nhà ở đông dân như chung cư cần có đủ không gian cho xe cứu hỏa tiếp cận. Trong ảnh là cảnh diễn tập PCCC và cứu nạn cứu hộ ở chung cư The Gold View, quận 4, TP HCM (Ảnh minh họa: Hải Long). |
Mở lối thoát hiểm
Theo PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, chung cư mini ở các đô thị lớn trên cả nước đa phần được người dân tận dụng diện tích đất không lớn (khoảng hơn 100m2) để xây dựng cao tầng. Mỗi tầng chia thành nhiều căn hộ diện tích nhỏ và được cho thuê.
Chung cư mini, nhà trọ nhỏ hẹp cao tầng nếu cháy thì hết sức nguy hiểm. PGS.TS Ngô Văn Xiêm - nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học PCCC |
Mỗi hộ dân sinh sống kèm theo các dụng cụ sinh hoạt về điện, bếp nấu ăn… sử dụng nguồn nhiệt lớn. Họ có ít nhất 1-2 xe máy để dưới tầng dưới cùng, đều là phương tiện có nhiều chất gây cháy như nhiên liệu, bình điện…
Trong sinh hoạt, nhiều nhà dân còn đốt nhang, vàng mã để cúng bái. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình sử dụng hệ thống điện dễ gây quá tải. Đó là những yếu tố nguy cơ cao dễ xảy ra cháy nổ tại các công trình nhà ở quy mô nhiều dân.
Hiện nay nhiều chung cư mini và nhà cao tầng cho thuê phòng trọ chỉ có một lối thoát nạn, khi xảy ra cháy thì cực kỳ nguy hiểm. Nếu xảy ra cháy, khói độc sẽ lan ra khắp các tầng. Người hít khói vào sẽ bị tê liệt thần kinh não dẫn đến tử vong, trước khi đám cháy bao trùm.
Nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy đề nghị cơ quan chức năng nên tăng cường kiểm tra, nếu chung cư mini thiếu cửa thoát nạn thứ 2 thì phải yêu cầu chủ đầu tư sửa chữa để đảm bảo an toàn.
Không chỉ chung cư, nhà dân có lối thoát nạn thứ 2 cũng rất cần thiết. Tuy nhiên, những căn nhà cao tầng có diện tích đất nhỏ mà mở 2 lối thoát hiểm cũng khó. Chủ nhà nên để cầu thang chính của căn nhà thông thoáng. Đồng thời, gia chủ cũng cần chuẩn bị thang dây ở tầng trên cùng, nếu xảy ra hỏa hoạn, mọi người có thể đu xuống hoặc sang nhà bên cạnh.
"Lực lượng chức năng địa phương nên thường xuyên tuyên truyền người dân cách phòng chống cháy nổ và các bước xử lý khi sự cố xảy ra. Nếu cháy ở tầng trệt thì xử lý thế nào, tầng cao thì thế nào để người dân được biết", PGS.TS Ngô Văn Xiêm nói.
Chuyên gia đánh giá, trước đây đã có nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra gây chết người, tuy nhiên chưa có vụ nào nghiêm trọng như đám cháy tại chung cư mini 9 tầng ở quận Thanh Xuân, Hà Nội vào tối 12 và rạng sáng 13/9.
Cảnh sát hướng dẫn thoát nạn khi có cháy nhà ở, nhà chung cư cao tầng (Video: Cục Cảnh sát PCCC&CNCH).
Theo Phòng PC07, loại hình nhà trọ, phòng trọ, chung cư mini... tương đối nhiều nguy cơ phát sinh cháy nổ cao. Nhiều người ở trong một phòng chật hẹp ăn, ngủ, sinh hoạt, nấu nướng chứa nhiều vật dụng gia đình dễ bắt cháy, đồng thời việc câu mắc điện không đảm bảo an toàn PCCC cũng là nguyên nhân nhiều vụ cháy tại nhà trọ, phòng trọ, chung cư mini... Mỗi năm tại TP HCM có khoảng 70% vụ cháy nổ xảy ra trên địa bàn liên quan tới nguyên nhân chập điện. |
Theo Dân trí