Mẹ Việt, mẹ Mỹ và mẹ Do Thái
(PetroTimes) - Nước ta, mùa thi luôn nóng bỏng không chỉ bởi nó diễn ra trong mùa hè, mà còn vì sức ép quá lớn từ các bậc cha mẹ. Đáng chú ý gần đây là chuyện một người mẹ bắt con gái quỳ giữa sân trường vì 7 năm là học sinh giỏi mà tuyển vào lớp 10, đến trường tư cũng không chịu nhận.
Thomas Edison trở thành một thiên tài thế kỷ do ông đã có được một người mẹ anh hùng dạy dỗ .Ảnh minh họa |
Các câu chuyện tương tự như trên không phải là hiếm gặp. Vào Google tìm kiếm từ khóa “mẹ chửi mắng con ngay tại trường”, trong 0,4 giây cho tới 1.250.000 kết quả. Và đó hầu hết đều là các câu chuyện ở Việt Nam. Đương nhiên, không phải tất cả các người mẹ Việt Nam đều như thế.
Mẹ nào mà chẳng yêu thương con, nhưng về cách thức thì ở Việt Nam và Mỹ có khác nhau. Trang Legends.report kể chuyện thế kỷ XIX, một người mẹ Mỹ đã làm gì khi nhận được phản ánh không tốt về con mình.
Thomas Edison là một học trò hay tò mò khám phá, có lúc làm giáo viên khó chịu. Một ngày nọ, cậu bé 7 tuổi Edison về nhà, đưa một tờ giấy cho mẹ và nói: “giáo viên của con đưa thư này và bảo con chỉ đưa cho mẹ đọc”. Mẹ của Edison đọc nhanh tờ giấy. Sau đó bà rơm rớm nước mắt khi đọc to cho con mình nghe: “con trai của bà là một thiên tài. Trường học này quá nhỏ đối với cậu ấy và không có đủ giáo viên giỏi để dạy cậu ấy. Xin bà hãy tự dạy cho con mình”.
Nhiều năm sau khi mẹ qua đời, Edison đã trở thành nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ. Một hôm, ông tình cờ nhìn thấy một mảnh giấy gấp trong góc ngăn kéo. Edison mở ra, trên tờ giấy có dòng chữ của người giáo viên năm xưa: “con trai của bà bị tâm thần. Chúng tôi sẽ không để nó đến trường nữa. Bà hãy tự dạy dỗ con mình”. Edison đã khóc trong nhiều giờ và sau đó ông viết trong nhật ký của mình: “Thomas Edison là một đứa trẻ bị tâm thần, nhưng nhờ có một người mẹ anh hùng, cậu ấy đã trở thành thiên tài của thế kỷ”.
Có câu rằng mẹ Mỹ dạy con tự tin, mẹ Do Thái dạy con tư duy, mẹ Việt Nam hỏi con được điểm mấy. Khi con đi học về, người mẹ Do Thái thường không hỏi con được mấy điểm, mà hỏi hôm nay ở trường, con có hỏi thày, hỏi bạn được câu nào mà con thích không. Các mẹ Do Thái khuyến khích con trẻ tham gia các hoạt động ở trường và dã ngoại, để chúng tìm ra những gì thực sự yêu thích. Các bậc phụ huynh Do Thái cũng không coi giáo viên là người thống trị lớp học và trường lớp cũng không phải là nơi chứa đựng tất cả kiến thức. Trẻ em Do Thái được dạy phải lễ phép với thày, phải tôn trọng lớp học, nhưng không bao giờ ngừng đặt câu hỏi và không bao giờ ngồi im trước những câu trả lời sai. Tò mò gần với sáng tạo, sáng chế. Điều này giải thích vì sao người Do Thái xây dựng được nước Israel hùng mạnh và dù chỉ chiếm 0,2% dân số thế giới nhưng họ giành tới 30% tổng giải thưởng Nobel của cả loài người.
Tạp chí Giáo dục Việt Nam ngày 6-3-2017 dẫn đánh giá năng lực học sinh toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế giới (OECD) cho biết, học sinh Việt Nam luôn đứng thứ hạng cao về môn toán và môn đọc hiểu, thậm chí vượt xa học sinh các nước phát triển. Nhưng nếu xét theo chỉ số sáng tạo thông qua bằng sáng chế được cấp thì Việt Nam lại nằm ở gần cuối của bảng xếp hạng. Cách đánh giá học sinh nặng về điểm số thi cử có thể khiến nhà trường tự hào, cha mẹ hài lòng, nhưng đây chính là điều cản trở tư duy sáng tạo, tư duy phản biện và suy nghĩ độc lập của học sinh. Điều này cũng giải thích tại sao chúng ta có học sinh giỏi làm bài thi, nhưng không có các nhà sáng chế giỏi.
Trở lại câu chuyện em học sinh 7 năm được xếp loại giỏi mà khi tuyển vào lớp 10, đến trường tư cũng không chịu nhận, đó không chỉ là thất vọng của một người mẹ, mà là thất bại của một phương thức giáo dục. Vì vậy, gia đình và xã hội nên có cái nhìn nhân văn hơn đối với thất bại của học sinh.
Một quốc gia có nền giáo dục vào hàng tiên tiến nhất thế giới là Phần Lan đã dành hẳn ngày 13-10 hằng năm là Ngày Quốc gia thất bại (National Day of Failure). Theo trang tin Culture Trip, sáng kiến này xuất phát từ một trường học để không làm nhụt chí những học sinh thất bại. Sợ thất bại dẫn đến không dám làm, đó mới là thất bại lớn nhất. Những người tổ chức ngày vì người thất bại lập luận rằng, sai lầm là một phần tất yếu của cuộc sống. Sai lầm luôn đồng hành với sáng tạo. Thomas Edison đã thất bại hơn 10.000 lần trước khi phát minh ra dây tóc bóng điện, đem lại ánh sáng cho nhân loại.
Mong mấy dòng chữ trên đến được với những người mẹ Việt Nam đang đắm đuối yêu con chưa đúng cách.