Cấp thiết nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế
Trước lộ trình đằng đẵng của việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, một lần nữa, không ít ý kiến cho rằng, nâng mức giảm trừ gia cảnh là biện pháp cấp thiết để giảm “gánh nặng” cho người nộp thuế…
Không phải câu chuyện mới, thế nhưng, nâng mức giảm trừ gia cảnh được cho là biện pháp cấp thiết và hữu hiệu hiện nay để giải quyết những “gánh nặng” cho người nộp thuế, nhất là khi lộ trình dự kiến thực hiện sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân được đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2025 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2026.
Các bất cập của thuế thu nhập cá nhân đã và đang tạo ra những "gánh nặng" cho người nộp thuế - Ảnh minh họa: ITN |
Xoay quanh vấn đề này, trước đó, một số ý kiến cho rằng, quy định về mức giảm trừ gia cảnh có thể điều chỉnh không phụ thuộc vào việc sửa luật, bởi theo quy định hiện hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi chỉ số CPI tăng 20%. Và nếu như chờ đến năm 2026 mới đưa ra sửa cùng với lộ trình sửa luật thì người nộp thuế sẽ chịu thiệt thòi “kép” trong bối cảnh hiện nay.
Thực tế, tại Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023 được trình bày tại Quốc hội ngày 22/5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dự báo, từ nay đến cuối năm 2023, khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Để đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Kết luận của Trung ương về kinh tế - xã hội năm 2023, các kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đồng thời lưu ý một số nội dung.
Một trong những nội dung cần lưu ý là theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp chính sách kịp thời. Trong đó, cần nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân. Đây cũng là nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất tại Phiên họp thứ 23 diễn ra đầu tháng 5/2023.
Một lần nữa, không ít ý kiến cho rằng, trong thời gian chờ sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân thì cấp thiết phải nâng mức giảm trừ gia cảnh để giảm bớt "gánh nặng" cho người nộp thuế - Ảnh minh họa: ITN |
Đáng nói, theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2023, mức lương cơ sở đã tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Đây là mức tăng cao nhất trong 12 lần điều chỉnh từ trước tới nay, tương đương tăng 20,8%, từ đó, việc tiệm cận các ngưỡng đóng thuế thu nhập cá nhân đối với người làm công ăn lương là khó tránh khỏi, trong khi giá cả của hàng hóa, dịch vụ, đã không ngừng “leo thang” thời gian qua khiến khó lại càng thêm khó. Vì vậy, trong quá trình chờ Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) thì nâng mức giảm trừ gia cảnh được cho là giải pháp cấp thiết hiện nay.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Luật Thuế thu nhập cá nhân đã được xây dựng, áp dụng trong thời gian dài, đến nay đã phát sinh một số bất cập cần được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh quy định tại luật này là mức cố định, trên thực tế, khi kinh tế - xã hội phát triển, thu nhập người dân tăng lên, giá cả thị trường cũng tăng… nên với mức giảm trừ gia cảnh cố định chỉ thuận tiện cho việc tính toán và thực hành thu.
Nhưng nó lại ngày càng lạc hậu so với thực tế của đời sống, thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội, giá cả… mặt khác, quy định CPI biến động trên 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cũng gây bất lợi cho người nộp thuế. Do đó, cần thiết xem xét, nâng mức giảm trừ gia cảnh một cách kịp thời để phù hợp với biến động thực tế.
“Nhưng mức nâng bao nhiêu cần được tính toán khoa học, cụ thể từ các cơ quan chức năng của Chính phủ cũng như lấy ý kiến người nộp thuế”, vị đại biểu này bày tỏ.
Còn theo TS Lê Đăng Doanh - nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc thực hiện thuế thu nhập cá nhân là rất quan trọng đối với nền kinh tế thị trường, có nhiều người giàu sẽ đóng góp để giúp đỡ người nghèo. Nhưng không nên đánh thuế lên 7 bậc như hiện nay, mà nên giảm xuống còn khoảng 3 bậc và theo sát tình hình. Việc thu thuế là để hỗ trợ người dân chứ không phải gây áp lực cho người dân.
Bên cạnh đó, việc để đến năm 2025 mới xem xét sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là quá chậm.
“Với những bất cập được dư luận nêu ra trong thời gian qua, tôi đề xuất phải xem xét sửa đổi sớm hơn. Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đang hoạt động rất tốt, phối hợp tích cực với các cơ quan của Chính phủ. Do đó, đối với luật này, có thể xem xét thành lập tổ công tác đặc biệt của Quốc hội để phối hợp với cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính để cùng xem xét sửa đổi toàn diện luật này.
Với những vấn đề nào cấp bách, cần thiết phải sửa sớm, có thể đưa ra thảo luận, đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp như việc giảm 2% thuế VAT vừa qua”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Đồng quan điểm đã nêu, không ít ý kiến cũng cho rằng, để sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ mất khá nhiều thời gian do phải trải qua nhiều quy trình và đưa vào chương trình xây dựng luật… do đó, trước mắt, để nâng mức giảm trừ gia cảnh, cơ quan chức năng có thể kiến nghị Quốc hội xem xét và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội gần nhất. Như vậy, mới tháo gỡ kịp thời khó khăn cho người nộp thuế.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
Thuế thu nhập cá nhân - Phải điều chỉnh kịp thời để phù hợp với thực tế |
Nâng mức giảm trừ gia cảnh - Giảm “gánh nặng” cho người nộp thuế |