Hồi chuông cảnh báo về "thiên nga đen" trên hành tinh đã gióng lên
Mùa hè vừa qua, sóng nhiệt, hỏa hoạn, hạn hán, lũ lụt... hoành hành khắp hành tinh. Chúng ta đã quá muộn để cứu lấy Trái đất hay chấp nhận một trạng thái "bình thường mới" của khí hậu?
Đối với các nhà khoa học, đây là minh chứng tác động của sự nóng lên toàn cầu, những sự kiện thời tiết khó xảy ra đồng thời trong lịch sử loài người giờ đã xuất hiện trên hành tinh chúng ta.
Điều này khiến họ nghĩ đến thuật ngữ "thiên nga đen", được sử dụng để mô tả điều gì đó khó xảy ra. Biến đổi khí hậu đang đẩy xã hội loài người đối mặt với những điều chưa từng được biết đến trước đây.
Ngày 6/9, Viện Copernicus Châu Âu báo cáo, tháng 6-8 là khoảng thời gian nóng nhất từng được ghi nhận, nhiệt độ trung bình trên toàn cầu là 16,77⁰C, cao hơn 0,66⁰C so với mức trung bình trong giai đoạn 1991-2020.
"Sự sụp đổ khí hậu đã bắt đầu, nó đang biến đổi nhanh hơn mức chúng ta có thể đối phó, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra ở mọi nơi trên hành tinh", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo.
Theo Copernicus, năm 2023 có thể là năm nóng nhất từng ghi nhận. Mùa hè vừa qua được đánh dấu bằng một loạt các sự kiện cực đoan, giống như sự báo trước về những thập kỷ tương lai hoặc là dấu hiệu của việc khí hậu đang thiết lập một trạng thái "bình thường mới".
Các cuộc khủng hoảng khí hậu nối tiếp nhau ở bán cầu bắc trong mùa hè như mái vòm nhiệt, sóng nhiệt trên biển, hạn hán gây cháy rừng, lượng mưa kỷ lục và lũ lụt.
Khắp nơi trên hành tinh, nhiệt kế đều luôn ở mức báo động với sức khỏe con người, ngày 16/7, Thung lũng Chết (Hoa Kỳ) ghi nhận nhiệt độ 53,3 độ C; ở Sanbao và vùng tây bắc Tân Cương, Trung Quốc là 52,2 độ C; quốc gia Iran hơn 50 độ C.
Một ngưỡng nhiệt cũng đã vượt qua ở Iraq, Bắc Phi vào đầu tháng 8 và tiến gần đến Địa Trung Hải, ở Sardinia và Sicily ghi nhận mức nhiệt 47-48 độ C vào cuối tháng 7.
Người dân thành phố Phoenix (Pháp) đã sống trong bầu không khí có nhiệt độ trên 43 độ C trong 31 ngày liên tiếp. Chính phủ Hy Lạp đưa ra cảnh báo đợt nắng nóng trong hơn 16 ngày từ ngày 17 đến ngày 24/8.
Bắc Đại Tây Dương đã trải qua sự bất thường về nhiệt trong nhiều tháng (từ 1 độ C đến 1,5 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1981-2022), nhiệt độ biển cao nhất được ghi nhận gần bờ biển ở Florida (Mỹ) là 38,3 độ C vào ngày 24/7.
Kể từ tháng 4, nhiệt độ bề mặt trung bình Trái Đất đã ở mức nóng chưa từng có. Thêm vào đó là sự bất thường về nhiệt ở Nam bán cầu khiến các nhà khoa học lo sợ.
Điển hình như, Argentina ngày 1/8 ghi nhận nhiệt độ 38 độ C, người dân quốc gia này đã cảm nhận được những ảnh hưởng đầu tiên từ sự quay trở lại của El Nino.
Không có nơi nào để trốn
Giai đoạn này tạm thời đặt bầu khí quyển toàn cầu vượt quá mục tiêu chính của Thỏa thuận Paris là nóng lên 1,5⁰C. Các sự kiện cực đoan xảy ra nối tiếp nhau không ngừng, đôi khi chồng chéo lên nhau.
Từ vụ cháy rừng đầu tiên ở Canada bắt đầu vào tháng 3, nối sau đó là hàng nghìn đợt bùng phát cùng lúc, khiến hơn 15 triệu ha rừng bị tàn phá. Đầu tháng 9, hơn 600ha rừng cháy vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của con người.
Tháng 8, thị trấn Lahaina, trên đảo Maui, Hawaii (Mỹ) đã bị thiêu rụi, nó được ví như "ngày tận thế của Maui", hậu quả khiến 115 người chết, 385 người vẫn mất tích.
Trong giai đoạn mùa hè, Hy Lạp đã trải qua nhiều vụ cháy, trong số đó có vụ cháy lớn nhất trong lịch sử Liên minh châu Âu.
Các đám cháy rừng ở Canada kéo dài hàng trăm km, buộc chính quyền đưa ra khuyến cáo những người dễ bị tổn thương nên ở nhà vì các hạt mịn.
Tiến sĩ Lorenzo, người đứng đầu mạng lưới giám sát khí quyển tại Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết: "Khói cháy rừng chứa một loại độc tố hóa học độc hại không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng không khí và sức khỏe mà còn gây thiệt hại cho thực vật, hệ sinh thái và cây trồng".
Trong thời tiết nắng nóng, Iran đã tuyên bố hai ngày nghỉ để bảo vệ người dân. Đầu tháng 8, một cuộc tụ tập hướng đạo ở Hàn Quốc đã chứng kiến một số phái đoàn rời khỏi buổi lễ, khi hàng trăm thanh niên bị say nắng.
Ấn Độ hứng chịu mưa lớn kỷ lục gây sạt lở, lũ quét khiến hàng trăm người thiệt mạng trong mùa hè qua, trong khi thủ đô Bắc Kinh ghi nhận lượng mưa lớn nhất trong 140 năm khiến 78 người tử vong kể từ cuối tháng 7.
Đặc biệt, Hy Lạp sau khi trải qua trận cháy rừng lịch sử, quốc gia tiếp tục đối mặt với lũ lụt. Ngày 5/9, một số khu vực tại đất nước này ghi nhận lượng mưa lên tới 750mm trong 18 giờ, tương đương hơn một nửa lượng mưa hàng năm của thành phố Brest (Pháp).
Những trận mưa lớn đã giết chết ít nhất 14 người ở Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria và Hy Lạp.
Theo công ty bảo hiểm Aon, trong sáu tháng đầu năm 2023, thiên tai ở Hoa Kỳ đã gây ra thiệt hại 40 tỷ USD.
David Sampson, chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Tai nạn Tài sản Hoa Kỳ, cảnh báo: "Không có nơi nào để trốn tránh những thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng này". Điều này đang diễn ra trên khắp đất nước, vì vậy các công ty bảo hiểm cần xem xét lại mức độ tập trung rủi ro của mình.
Báo cáo đánh giá lần thứ sáu của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), khẳng định sự nóng lên toàn cầu do tác động của con người, gây ra các hiện tượng cực đoan dữ dội và thường xuyên hơn.
"Càng ngày chúng càng diễn ra cùng một lúc", nhà khí hậu học Sonia Seneviratne, Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Zurich (Thụy Sĩ), nhớ lại, họ đã ghi nhận sự đồng thời này vào năm 2018 với các đợt nắng nóng ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á.
Điều này là minh chứng cho sự gia tăng xác suất của những hiện tượng này. Đẩy nhiệt độ toàn cầu đến mức cực đoan và mở ra cơ hội cho những "thiên nga đen" về khí hậu, những sự kiện rất khó xảy ra nhưng đã xảy ra trên hành tinh.
Hậu quả của các cuộc khủng hoảng liên quan đến khí hậu là rất nhiều, chúng gây thiệt hại nặng nề về người, sự di dời dân số.... Nó cho thấy tính cấp thiết của việc giảm phát thải khí CO2 cũng như việc xã hội phải thích ứng với biến đổi khí hậu, một trong những vấn đề lớn cần giải quyết.
Thế giới hy vọng có thể tìm được giải pháp tại Hội nghị Thượng định về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP28) sẽ diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, từ ngày 30/11 đến ngày 12/12.
Hiệu ứng chạy trốn
Tuần này qua tuần khác, các nhà khoa học xem xét những sự kiện này để đo lường mối quan hệ nhân quả của sự nóng lên toàn cầu.
World Weather Attribution kết luận, đợt nắng nóng ở Địa Trung Hải vào tháng 7 giờ đây có thể xảy ra mười năm một lần, trong khi điều đó hầu như không thể xảy ra ở thời kỳ tiền công nghiệp.
Ngoài ra, các điều kiện đặc biệt thuận lợi cho các vụ cháy ở Canada có khả năng xảy ra cao gấp bảy lần do lượng khí thải CO2 con người gây ra hiện nay.
Nhà khí hậu học Christophe Cassou (CNRS) ước tính: "Ở một số cấp độ, năm 2023 thậm chí còn là một năm ấn tượng hơn năm 2022, đặc biệt là khi chúng ta lùi lại một bước và nhìn vào toàn bộ Bắc bán cầu".
Nó chứng minh rõ ràng, biến đổi khí hậu không phải là một cuộc khủng hoảng mà là một quỹ đạo, các sự kiện cực đoan giờ đây đã xảy ra cùng lúc ở một số khu vực trên thế giới.
Diện tích bề mặt các khu vực bị ảnh hưởng bởi những mối nguy hiểm từ khí hậu tăng lên hàng năm. Nó làm gia tăng rủi ro đến sức khỏe con người, buộc chúng ta phải rời xa một thế giới có thể sinh sống được cho tất cả mọi người.
Từ những hậu quả chồng chất của các cuộc khủng hoảng liên quan đến khí hậu, các nhà khoa học cảnh báo: "Có một hiệu ứng chạy trốn. Hy Lạp trải qua một đợt nắng nóng làm tăng khả năng xảy ra hỏa hoạn, sau đó cây cối bị đốt cháy, chúng giữ đất kém hơn khi mưa lớn từ đó gây ra lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng. Và nó đang xảy ra tại quốc gia này".
Vào ngày 13/8, chính quyền Canada, ước tính cháy rừng đã thải ra hơn 1 tỷ tấn CO2, gần gấp đôi lượng khí thải hàng năm của đất nước này.
François Gemenne, nhà khoa học chính trị và chuyên gia về di cư khí hậu, phân tích: "Những sự kiện này gây sốc nhưng không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì chúng khớp chính xác với những gì các mô hình khí hậu mà các nhà nghiên cứu đã công bố trong nhiều năm".
Nhưng quy mô của các vụ cháy rừng đặt ra nhiều câu hỏi, đặc biệt là tác động của những hiện tượng này có thể sẽ cản trở một phần nỗ lực giảm nhẹ nóng lên toàn cầu của thế giới, trong khi biến đổi khí hậu ngày càng tăng cường.
Các sự kiện cực đoan này diễn ra trùng thời điểm quan trọng trong ngoại giao khí hậu của các quốc gia trên thế giới. Ngày 20/9 tới đây, Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, trước khi tiến đến sự kiện COP28.
Suốt mùa hè, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Antonio Guterres tiếp tục gây áp lực lên các nguyên thủ quốc gia: "Kỷ nguyên nóng lên toàn cầu đã qua, bước vào kỷ nguyên sôi sục toàn cầu", ông phát biểu vào ngày 27/7.
Theo Dân trí
Năm 2023 có thể là năm nóng nhất lịch sử |
Thế giới trải qua 3 tháng liên tiếp nóng kỷ lục |