Trồng loại dưa chuột bán 40.000 đồng một trái, thu tiền triệu mỗi ngày
Giống dưa đặc trưng ở các tỉnh miền Bắc được trồng và phát triển tốt tại Đắk Nông, thời gian thu hoạch kéo dài tới 3 tháng. Nhiều nông dân có thu nhập cao nhờ giống dưa này.
Những ngày này, dọc tuyến tỉnh lộ 1, đoạn qua xã Quảng Tâm (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) xuất hiện nhiều sạp hàng dưa bò (hay còn gọi là dưa mèo).
Theo người dân địa phương, giống dưa này trước đây được bà con dân tộc Mông trồng trên núi cao ở vùng núi phía Bắc. Khi vào Đắk Nông sinh sống, nhiều người đã mang theo hạt giống để trồng.
Tận dụng được diện tích đất trống chưa canh tác để trồng dưa, nhiều hộ dân huyện biên giới của Đắk Nông có thu nhập cao.
Từ cuối tháng 3, khi xuất hiện những cơn mưa đầu tiên, gia đình chị Đào Thị Hiền (dân tộc Mông, xã Quảng Tâm) đã xuống giống, trồng dưa.
Những sạp dưa bò được người dân bày bán dọc tỉnh lộ 1, đoạn qua huyện Tuy Đức (Ảnh: Đặng Dương). |
Theo chị Hiền, dưa bò cùng họ với dưa chuột (còn gọi là dưa leo) nhưng kích thước trái lớn hơn rất nhiều, dao động 0,5-1,5kg/trái, cá biệt có những trái nặng hơn 2kg. Cũng vì kích thước lớn nên dưa không leo giàn mà mọc lan trên mặt đất, người dân địa phương thường gọi là dưa bò.
"Trồng dưa bò rất dễ, khi nào có mưa là chúng tôi bắt đầu xuống giống và chỉ bón phân một lần trong suốt thời gian trồng. Vì không phải làm giàn nên chi phí đầu tư cũng rất ít. Khi cây ra trái, chúng tôi chỉ đi dọn dẹp cỏ để giúp cây phát triển tốt và thuận lợi cho việc thu hoạch", chị Hiền nói.
Giống dưa bò cùng họ với dưa chuột (Ảnh: Đặng Dương). |
Tương tự, khi mùa mưa bắt đầu, gia đình chị Lầu Thị Sía (dân tộc Mông) cũng dọn dẹp những khoảng đất trống trong vườn cà phê để trồng dưa bò.
Là loại cây dễ trồng, không cần phải bón phân, tưới nước nên những năm qua, dưa bò là nguồn thu nhập chính của gia đình chị Sía trong suốt những tháng mùa mưa.
Chị Sía chia sẻ, để dưa ngon, ngọt và có màu xanh bắt mắt thì mùa mưa là thời điểm thích hợp nhất cho việc xuống giống. Đặc biệt, mùa mưa ở Đắk Nông kéo dài khoảng 4 tháng, đất thoát nước tốt nên cây dưa phát triển nhanh và cho thu hoạch dài ngày hơn so với ở các tỉnh miền Bắc.
Kích thước dưa bò lớn, dao động 0,5-1,5kg/trái, cá biệt có những trái nặng hơn 2kg (Ảnh: Đặng Dương). |
"Khi dưa bắt đầu cho thu hoạch thì ngày nào cũng có trái để bán. Dưa này nên ăn lúc non, khi vỏ ngoài màu xanh thẫm. Nếu vỏ chuyển sang màu trắng hoặc màu vàng nhạt là trái đã già, lúc này hạt bên trong đã cứng và dưa có vị chua nhẹ", chị Sía cho hay.
Từ cuối tháng 5, chị Sía và nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông ở xã Quảng Tâm mang dưa ra dọc tỉnh lộ 1 để bán. Trung bình mỗi ngày, sạp hàng của chị Sía bán ra khoảng một tạ dưa bò, mang lại thu nhập 1,5-2 triệu đồng.
"Dưa vừa thu hoạch được bán với giá 20.000 đồng/kg, dưa để qua ngày thì bán giá 10.000 đồng/kg. Vào chính vụ, lượng dưa thu hoạch được lớn, chúng tôi cũng bán lại cho một số thương lái để đưa đi nơi khác tiêu thụ", chị Sía cho biết thêm.
Trong những tháng mùa mưa, dưa bò mang lại thu nhập cao cho người dân huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông (Ảnh: Đặng Dương). |
Chị Nguyễn Thị Hiền ở phường Nghĩa Trung (TP Gia Nghĩa) cho biết, thời gian đầu, khi thấy người dân bày bán loại quả này, chị đã đặt mua vì tò mò, hiếu kỳ. Sau khi thưởng thức, cả nhà chị đều thích loại quả rất đặc biệt này, ăn mát và ít hạt.
"Ban đầu tôi cứ nghĩ đây là dưa chuột bị tiêm thuốc kích thích tăng trưởng nên to như vậy, sau đó mới biết đây là giống dưa của đồng bào Mông, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên rất yên tâm sử dụng", chị Hiền nói.
Theo Dân trí