Thay đổi cách làm luật để quản lý thuế thương mại điện tử
Việc dữ liệu không có sự nhất quán, không làm sạch được dữ liệu để các bộ, ngành có thể chia sẻ với nhau, sẽ không giúp chúng ta thành công phát triển và quản lý được thương mại điện tử.
Giàu tiềm năng phát triển
Khi bàn về vai trò của thương mại điện tử (TMĐT) đối với nền kinh tế, chúng ta cần nhìn từ góc độ đóng góp tích cực của lĩnh vực này và nếu Việt Nam phát huy được các mặt tích cực, sẽ bớt đi đáng kể các mặt hạn chế.
TMĐT góp phần vào câu chuyện phát triển các dịch vụ tài chính xuyên biên giới, thanh toán cấp tín dụng tiêu dùng qua các loại thẻ, các hệ thống thanh toán số của ngân hàng hay qua các công ty tài chính |
Có thể nói, TMĐT sẽ là xu hướng chung của thế giới, khi nhìn ra các nước xung quanh đặc biệt là Trung Quốc, TMĐT đóng vai trò rất lớn đối với việc kích thích phát triển kinh tế. Từ những vùng sâu, vùng xa, những hợp tác xã sản xuất, hay các trang trại đều dựa vào TMĐT để cung ứng hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng một cách nhanh nhất.
Vậy tại Việt Nam, TMĐT sẽ đóng góp như thế nào vào kinh tế số của đất nước và tổng thể nền kinh tế ra sao?
Thứ nhất, theo Sách trắng của Bộ Công Thương, TMĐT đóng góp trên 7,5% tổng mức bán lẻ của Việt Nam và được đánh gía là mức khá lớn.
Thứ hai, TMĐT đã đóng góp vào việc kết nối hàng hóa từ những vùng nông thôn xa xôi đến những vùng tiêu thụ lớn hơn ở các thành phố, nhất là khu vực TP HCM. Nhiều đặc sản vùng miền hay những sản phẩm đã có truy xuất nguồn gốc đều có thể liên kết với các gian hàng trên các sàn TMĐT. Như vậy nó sẽ hỗ trợ rất tốt cho các doanh nghiệp nhỏ bán hàng và thậm chí là xuất khẩu.
Thứ ba, trên tất cả các kênh như Zalo, Facebook,Tiktok,... các hình thức bán hàng online thì đều có thể kết nối bán sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, tạo công ăn việc làm cho người bán hàng, đồng thời tiết kiệm chi phí khi không cần phải thuê cửa hàng.
Thứ tư, những người làm thương mại theo mô hình truyền thống nguy cơ đối mặt với việc các cửa hàng bị thu gọn, nhưng cũng phát sinh ra đội ngũ lao động mới là những người giao hàng (shipper). Vô hình chung tạo nhiều công ăn việc làm cho nhiều người.
Thứ năm, TMĐT còn góp phần vào câu chuyện phát triển các dịch vụ tài chính xuyên biên giới, thanh toán cấp tín dụng tiêu dùng qua các loại thẻ, các hệ thống thanh toán số của ngân hàng hay qua các công ty tài chính, ví điện tử, Fintech...
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cùng các Ngân hàng Trung ương trong khu vực gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan thống nhất sẽ sử dụng các công cụ thanh toán xuyên biên giới qua QR Code hoặc các loại thẻ. Điểm đặc biệt là dùng đồng nội tệ của chính nước mình để thanh toán, giúp việc bán hàng được giao thoa rộng rãi.
TMĐT thực sự mang một vai trò rất lớn nếu chúng ta có thể tạo ra được hạ tầng số, có thể chế và nguồn nhân lực tốt, từ đó khả năng bứt phá tăng trưởng kinh tế số cũng như tăng trưởng cho nền kinh tế nói chung là rất lớn.
Loay hoay quản lý thuế
Bên cạnh nhiều điểm tích cực, TMĐT cũng còn rất nhiều mặt trái và là thách thức với cơ quan quản lý tại Việt Nam. Điển hình là nó sẽ gây khó khăn cho các cơ quan quản lý truyền thống, nhất là cơ quan thuế.
Để quản lý thuế đối với doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam một cách hiệu quả cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ảnh minh họa |
Vấn đề thu thuế qua TMĐT, bán hàng qua các kênh như Facebook, Zalo, Tik Tok mà không có địa chỉ ID rõ ràng, thì các cơ quan thuế không thể truy xuất hoặc đánh thuế được. Bên cạnh đó, việc chuyển tiền xuyên biên giới còn dẫn đến nguy cơ rửa tiền, ảnh hưởng đến công tác quản lý về tiền tệ cũng như điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Mặt khác, ở góc độ nền kinh tế, khi hàng hóa các nước nhập khẩu trong khu vực rẻ hơn, đảm bảo chất lượng, truy xuất được nguồn gốc thì có thể dẫn đến việc “bóp nghẹt” sản xuất trong nước. Đây là điều rất đáng lo ngại vì chúng ta chưa thích nghi kịp, nhiều người sản xuất nhỏ lẻ, doanh nghiệp nhỏ trong nước vẫn còn thờ ơ với câu chuyện này. Nếu TMĐT phát triển mạnh mẽ theo chiều hướng thiếu kiểm soát, có thể biến chúng ta trở thành một đất nước tiêu thụ hàng hóa nước ngoài là chính.
Đến nay, đã có nhiều hệ thống bán lẻ hàng hoá bị các doanh nghiệp nước ngoài thôn tính, khiến hàng Việt Nam khó đưa lên kệ hàng và bị chi phối bởi doanh nghiệp nước ngoài.
Đáng chú ý là câu chuyện về hàng giả, lừa đảo hay vấn đề dữ liệu cá nhân của người dùng dễ bị đánh cắp trên không gian mạng, khi tham gia vào việc mua bán qua các trang TMĐT. Nếu chúng ta không có tiêu chí và các cơ chế quản trị một cách minh bạch, bài bản, người dân sẽ rất dễ mất dữ liệu cá nhân.
Thực tế, mục tiêu Việt Nam đặt ra đối với lĩnh vực TMĐT là rất lớn. Tuy nhiên, khi đi vào thực thi, triển khai các chính sách thì vẫn còn nặng về câu chuyện doanh số; những điểm hạn chế, tiêu cực ở khâu sản xuất, kho trung gian lại gần như bị bỏ ngỏ...
Riêng về câu chuyện quản lý thuế là một vấn đề đã được đặt ra từ lâu, bởi vì nền tảng các phần mềm về TMĐT hiện nay vẫn đang dựa vào nước ngoài là chính. Mặc dù chúng ta nói rất nhiều về việc tạo dựng các nền tảng TMĐT của Việt Nam, nhưng đến nay vẫn chưa đủ sức để thực hiện. Khi không làm chủ được công nghệ thì chưa thể chi phối thị trường và phải khôn khéo trong vấn đề về hạ tầng, thể chế và phòng vệ thương mại số.
Tôi cho rằng, các cơ quan quản lý nên đi từ gốc rễ của vấn đề, có sự thay đổi về cách làm luật, về tư duy thể chế. Việc dữ liệu cũng không có sự nhất quán, không làm sạch được dữ liệu để các ngành có thể chia sẻ với nhau sẽ không giúp chúng ta thành công phát triển và quản lý được TMĐT.
Như Chủ tịch Quốc hội đã nói, có khoảng 57% các bộ, ngành thống kê là không muốn chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành khác; trong khi ranh giới giữa các lĩnh vực ngày một bị mờ đi bởi TMĐT và thanh toán số. Khi Bộ Tài chính hay ngành Thuế muốn truy xuất vào thông tin của người bán hàng qua Facebook, Tik Tok hoặc Zalo nhưng vẫn chưa làm được thì sẽ rất khó trong câu chuyện về quản trị.
Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN)/
Diễn đàn Doanh nghiệp