Đôi điều về Trạm điện Cồn Cỏ
(PetroTimes) - Cồn Cỏ có con “cá đua”, có hào chiến sự, có dòng điện “tươi”… các thành viên đoàn công tác CPCCC đến với Cồn Cỏ vẫn còn lưu mãi trong lòng những ấn tượng về một miền biển đảo tươi đẹp.
Trạm điện Cồn Cỏ tại huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị |
Hòn ngọc xanh tươi đẹp
Xuất phát từ cảng Cửa Việt, dập dềnh cùng sóng nước khoảng chừng một tiếng rưỡi, đảo Cồn Cỏ dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Chúng tôi vô cùng xúc động khi thấp thoáng thấy lá cờ Tổ quốc đang kiêu hãnh tung bay trên mảnh đất oai hùng, nơi từng là “chiến hạm” bất khả chiến bại trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Dạo quanh một vòng đảo Cồn Cỏ, chúng tôi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hài hòa giữa thiên nhiên và các công trình quân - dân sự nơi đây. Những rặng đá đen trải dài vừa là nơi trú ngụ của những chú cua đá – “cá đua”, vừa là hàng rào chắn sóng tự nhiên. Kết hợp cùng các kè chắn sóng kiên cố do các chiến sĩ bộ đội xây dựng đã tạo thành một vòng tay vững chãi bao bọc lấy hòn đảo nhỏ. Để đáp lại những “nàng” phong ba, những “chàng” bàng vuông, cùng nhiều loài cây khác lại đang che chở, bảo vệ cho các hào chiến sự, các hầm quân y của bộ đội ta, đến nay, với định hướng phát triển du lịch, nhiều công trình đã và đang được xây dựng trên đảo nhưng đều được quy hoạch cụ thể nhằm bảo tồn vẻ đẹp xanh rì của rừng nguyên sinh nơi đây.
Đảo Cồn Cỏ - hòn ngọc xanh của Quảng Trị (nguồn Internet) |
"Dòng điện tươi" trên đảo
Ấn tượng trước vẻ đẹp và sự phát triển của đảo Cồn Cỏ, chúng tôi lại càng thêm trân quý công việc của những người đồng nghiệp nơi đây.
Hiện nay, đảo Cồn Cỏ chưa được kéo lưới điện quốc gia nên điện đang được sản xuất “tươi” ngay trên đảo từ 04 máy phát diesel với tổng công suất 1.200kVA và hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất 55kWp. Tùy vào mùa và phụ tải, các máy phát diesel sẽ được vận hành một cách luân phiên để tiết kiệm nhiên liệu nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của huyện đảo.
Với tình hình phụ tải thất thường là cao vào mùa hè khi có du lịch, các công trình thi công và thấp vào mùa Đông, cũng như tình trạng vật tư thiết bị dễ bị rỉ rét, mau hỏng do thời tiết khắc nghiệt, sương muối nhiều. Đặc biệt, vào mùa mưa bão, gió mùa, đảo thường bị cô lập hoàn toàn nên việc quản lý, vận hành hệ thống điện trên đảo cũng gặp không ít khó khăn. Trạm điện có một Trạm trưởng là Kỹ sư và 4 công nhân vừa làm công tác kinh doanh, kỹ thuật, an toàn và xử lý sự cố, vừa luân phiên trực 24/24 để quản lý vận hành các máy phát điện và toàn bộ 2,911 km đường dây hạ thế nhằm đảm bảo việc cung ứng điện an toàn, liên tục.
Anh Nguyễn Minh Luận – Trưởng phòng Kinh doanh của PC Quảng Trị cho biết: “Trạm điện vốn hoạt động thuần vì sứ mệnh “Điện luôn đi trước một bước” của ngành điện. Vì vậy, dù chi phí sản xuất bình quân của Trạm điện hiện nay là hơn 13.000đ/kWh, trong khi giá bán ra bình quân chưa đến 2.000đ/kWh nhưng PC Quảng Trị vẫn luôn nỗ lực để đảm bảo cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đảo”.
Chuyện trò cùng các đồng nghiệp tại Trạm điện, chúng tôi được biết hầu hết các anh đều phải công tác xa nhà, thường thì cuối tuần mới về đoàn tụ gia đình. Tuy nhiên, có những hôm biển động thì các anh lại đành lỗi hẹn với vợ con, và khi vào mùa mưa bão, gió mùa thì hơn hai tháng mới về nhà một lần là chuyện bình thường. Với ánh mắt đầy nhiệt huyết, anh Nguyễn Thanh Bình - Trạm trưởng Trạm điện Cồn Cỏ chia sẻ: “Làm việc xa nhà, mà lại là trên đảo biệt lập thì tất nhiên cuộc sống của anh em gặp không ít khó khăn. Nhưng chứng kiến những khởi sắc của Cồn Cỏ, các anh em trạm điện lại thêm vững tin, vui vẻ vì hiểu rằng mình đã góp chút sức vào sự phát triển nơi đây”.
Các anh em trong Trạm điện cũng vui vẻ kể rằng, các anh thường ví cuộc sống trên đảo như thời sinh viên, bởi mọi người luôn bên cạnh nhau, cùng làm, cùng nấu, cùng ăn. “Mà thật ra 1 - 2 tuần mới về một lần thì có khi vợ chồng lại tình cảm hơn hẳn ấy chứ!”, anh Thưởng – nhân viên trạm điện dí dỏm pha trò. Anh Quang – một cán bộ khác của Trạm cũng tiếp lời: “Đảo nhỏ nên người dân trên đảo sống rất tình cảm lắm!”, anh chia sẻ thêm: “May mắn hơn các anh em khác, vợ chồng tôi đang định cư trên đảo. Vừa là cư dân của đảo, vừa là cán bộ ngành điện, tôi như anh shipper thường được bà con nhờ mang biếu các anh em trạm điện những con cá, những mớ rong nho mà bà con đánh bắt được”.
Cột cờ Tổ quốc trên đảo Cồn Cỏ |
Trong buổi làm việc, chúng tôi còn được các anh chia sẻ về nhiều điểm thú vị, đáng nhớ khi sống trên đảo, như “Trên đảo, nếu xe hết xăng thì cứ để đó mà về rồi mai quay lại chứ không bao giờ lo mất”, hay những lần mưa bão, các anh vẫn thường nhường chỗ để bà con tránh bão… Những mẫu chuyện nho nhỏ ấy giúp đoàn chúng tôi hiểu hơn về cuộc sống và tình cảm gắn bó giữa người dân và cán bộ ngành điện. Chúng tôi cũng vô cùng tự hào khi thấy những đóng góp của ngành điện cho sự phát triển của đảo Cồn Cỏ, cũng như sự ghi nhận của người dân nơi đây.
Hành trình đến với đảo, chúng tôi được đi tham quan một số địa điểm khác và được giới thiệu kỹ hơn về lịch sử hào hùng nơi đây. Mỗi chúng tôi đều dâng trào xúc động khi dâng hương thành kính viếng các anh hùng liệt sĩ và rất đỗi tự hào được ngắm nhìn cột cờ Tổ Quốc. Cột cờ oai nghiêm với mặt chính ghi thông tin tọa độ, là biểu tượng của độc lập, hòa bình, là lời tuyên bố dõng dạc về chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Ly Na (CPC)