Mỹ và chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng
Kỳ II: Lộ diện rổ hàng hóa thuộc diện ưu tiên
Nói đến "friendshoring" là nhắc tới nhu cầu chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia thân thiện với Mỹ, nhưng những mặt hàng nào sẽ liên quan?
Mỹ và chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng (Kỳ I): Đâu là nguồn cơn? |
Một số mặt hàng của Mỹ sẽ được chuyển giao cho các quốc gia đối tác |
Với phát biểu vào tháng 4/2022 về dịch chuyển chuỗi cung ứng, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã công khai chiến lược xây dựng một “vòng tay đối tác” trong chuỗi cung ứng cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Dù không nhắc tên Trung Quốc, nhưng phát biểu này đã nêu bật lên nhu cầu cấp thiết phải chuyển chuỗi cung ứng sang các đối tác như Đài Loan, Ấn Độ, Mexico hay Đông Nam Á.
Trong khi bà Yellen không nêu cụ thể các loại hàng hóa mà Hoa Kỳ dự định sẽ giao cho các đối tác, các nhà quan sát cho rằng một sắc lệnh quan trọng đã cho thấy điều đó – Sắc lệnh Điều hành 14017 được ban hành vào tháng 2/2021.
Còn được gọi là “Sắc lệnh điều hành về chuỗi cung ứng của Mỹ”, văn bản này nêu rõ bốn danh mục sản phẩm rộng khắp mà các nỗ lực dịch chuyển chuỗi cung ứng của Mỹ có thể nhắm tới: gồm Sức khỏe cộng đồng và nền tảng sinh học; Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT); Năng lượng, và Khoáng sản và vật liệu quan trọng.
Đây đã được coi là cơ sở để Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế (ITA) thuộc Bộ Thương mại Mỹ xây dựng danh sách khoảng 2.400 hàng hóa và nguyên liệu quan trọng. Chúng được ước tính có giá trị khoảng 1.600 tỷ USD giá trị nhập khẩu hàng hóa mỗi năm của nước Mỹ.
Kể từ khi căng thẳng địa chính trị giữa hai cường quốc nổ ra, đóng góp của Trung Quốc trong rổ hàng hóa này đã chứng kiến xu hướng giảm sút. Năm 2020, Trung Quốc đóng góp khoảng 16,2%, giảm đáng kể so với mức trung bình trước chiến tranh thương mại năm 2017 là 19,2%. Vào năm sau bài phát biểu của bà Yellen, tỷ lệ này thậm chí còn giảm xuống thấp hơn, xuống còn 15,2%. Tuy nhiên, trong bốn loại sản phẩm đại diện cho lợi ích kết nối đối tác của Hoa Kỳ, sự phổ biến của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ rất khác nhau.
Công nghệ thông tin và truyền thông
Sự thống trị liên tục của Trung Quốc đối với các chuỗi cung ứng quan trọng của Mỹ nổi bật nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT), bao gồm các sản phẩm như máy tính, cơ sở hạ tầng viễn thông và chất bán dẫn, cũng như các bộ phận cấu thành những mặt hàng đó.
Vào thời kỳ đỉnh cao, các công ty Trung Quốc cung cấp hơn 45% lượng hàng hóa CNTT-TT quan trọng nhập khẩu của Mỹ. Thiết bị máy tính từ Trung Quốc thậm chí còn chiếm tới 63% hàng nhập khẩu của Mỹ trong lĩnh vực này vào cuối năm 2017.
Ngành công nghệ Mỹ phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung ứng đất hiếm của Trung Quốc |
Bất chấp cuộc chiến thương mại do ông Donald Trump phát động đã làm giảm sự phụ thuộc này, tới nay các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn thống trị trong một số sản phẩm CNTT-TT được xác định là ưu tiên chuyển dịch của Mỹ. Nổi bật bao gồm máy tính cá nhân (hàng “made in China” chiếm 83% tổng hàng nhập khẩu của Mỹ, trị giá khoảng 2,7 tỷ USD mỗi tháng), và điện thoại thông minh (chiếm 66% hàng nhập khẩu của Mỹ, trị giá gần 2,6 tỷ USD mỗi tháng). Nói rộng hơn, các công ty Trung Quốc vẫn cung cấp hơn một nửa trong rổ hàng hóa CNTT-TT mà Mỹ muốn chuyển qua các đối tác thân thiện.
Sức khỏe cộng đồng và nền tảng sinh học
Hàng hóa thuộc danh mục y tế công cộng và sinh học có mức độ nhập khẩu từ Trung Quốc cao thứ hai. Danh mục này bao gồm dược phẩm, hoạt chất dược phẩm (API), thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) và xét nghiệm lâm sàng.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc chủ yếu tập trung ở PPE, với 31% có nguồn gốc từ Trung Quốc. Bắc Kinh cung cấp phần lớn các mặt hàng găng tay y tế bằng nhựa (91%), vải dệt phẫu thuật (83%), tạp dề y tế (81%) và khăn lau khử trùng (78%). Tỉ trọng này càng lớn sau khi những nỗ lực của Washington nhằm khôi phục hoạt động sản xuất trong nước sau đại dịch COVID-19 phần lớn được cho là đã thất bại.
Sản phẩm năng lượng xanh và khoáng sản quan trọng
Trong số 4 loại sản phẩm được chính quyền Biden xác định là quan trọng đối với nỗ lực dịch chuyển chuỗi cung ứng, các sản phẩm năng lượng và khoáng sản quan trọng là những mặt hàng mà Hoa Kỳ hiện ít phụ thuộc nhất vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ nhu cầu về các mặt hàng này lại đang tăng lên nhanh chóng theo xu hướng gia tăng của ngành xe điện hay năng lượng tái tạo.
Do Trung Quốc thường là nhà cung cấp duy nhất hoặc thống trị ở một mảng nào đó, ví dụ như luyện quặng thành nam châm vĩnh cửu, nhiều quan chức đã lo ngại Mỹ sẽ nhanh chóng trở nên “phụ thuộc một cách nguy hiểm” vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Việc nhập khẩu pin dung lượng lớn từ Trung Quốc là một dấu hiệu. Tổng lượng nhập khẩu các sản phẩm năng lượng quan trọng của Trung Quốc chỉ chiếm hơn 6% thị phần nhập khẩu của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khi nhìn vào pin dung lượng lớn – chẳng hạn như pin dùng trong xe điện và bộ lưu trữ điện cố định – thị phần của Trung Quốc tăng vọt lên 35%.
Theo bà Yellen, các nước đối tác sẽ kết nối chặt chẽ với nền kinh tế Mỹ trong chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng |
Theo các nhà quan sát, xu hướng này ít có dấu hiệu đảo ngược trong ngắn hạn. Kể từ bài phát biểu của bà Yellen đến nay, Trung Quốc đã mở rộng thêm 4,8% thị phần pin dung lượng lớn tại Mỹ. Washington cũng ngày càng phụ thuộc vào Bắc Kinh trong nhập khẩu nam châm neodymium – một thành phần quan trọng của tuabin gió và năng lượng hạt nhân.
Tương tự về khoáng sản, sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc là rất thấp, chỉ khoảng 4%. Nhưng con số đang thay đổi nhanh chóng, trong đó có nhiều khoáng sản được chính quyền ông Biden xác định là không thể thiếu đối với quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.
Kể cả khi ông Biden muốn tự sản xuất pin trong nước, Trung Quốc vẫn sẽ không thể thiếu mặt. Oxit niken và hydroxit là mặt hàng Trung Quốc cung cấp đến 87%, mangan (83% lượng nhập khẩu) và các dạng than chì tự nhiên khác nhau là từ 54 đến 79% đến từ Trung Quốc.
Dù sao, sự phụ thuộc càng lớn vào Trung Quốc cũng có nghĩa cơ hội càng rộng mở cho các đối tác của Mỹ trong nỗ lực thay thế thị phần chuỗi cung ứng của Bắc Kinh. Các quan chức Mỹ từng tuyên bố “friendshoring” sẽ giúp kết nối kinh tế Mỹ sâu đậm hơn với các đối tác. Theo các chuyên gia, điều đó không chỉ là việc giảm thuế nhập khẩu mà còn cả về chuyển giao công nghệ hoặc những hành động khác nhằm tăng tốc giúp một quốc gia tham gia chuỗi cung ứng có liên quan. Khi đó, một số quốc gia đang phát triển sẽ là bên có lợi.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp