Pháp xoay sở ra sao khi mất nguồn cung uranium từ Niger?
(PetroTimes) - Niger từng là thuộc địa của Pháp trong hơn 50 năm, trước khi giành độc lập vào năm 1960. Mặc dù vậy, nhiều người Niger tin Paris vẫn tiếp tục như "mẫu quốc" với Niamey, khai thác tài nguyên của quốc gia này và thao túng nền kinh tế.
Năm 2021, Tổng thống Bazoum nhậm chức trong quá trình chuyển giao quyền lực dân chủ và hòa bình đầu tiên của Niger kể từ khi độc lập năm 1960. Niger dưới quyền Tổng thống Bazoum trở thành đối tác kinh tế mạnh mẽ với Pháp.
Mặc dù là quốc gia khai thác uranium lớn thứ 7 thế giới, nhưng 1/4 lượng uranium mà họ thu được được đưa tới châu Âu, đặc biệt là Pháp, để phục vụ các nhà máy điện hạt nhân tại đây.
Trên thực tế, quốc gia Tây Phi vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới và phải nhận hàng trăm triệu USD cứu trợ mỗi năm. Khoảng 40% trong số 24,4 triệu dân Niger sống trong cảnh nghèo đói cùng cực với mức thu nhập dưới 2,15 USD mỗi ngày.
Ngoài các vấn đề về kinh tế, chính quyền Tổng thống Bazoum còn trở thành mục tiêu của các nhóm phiến quân có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda. Những nhóm phiến quân này trỗi dậy mạnh mẽ ở Niger từ năm 2015 và liên tục gây ra các vụ tấn công khủng bố, khiến hàng nghìn binh sĩ, dân thường Niger thiệt mạng.
Phe của tướng Abdourahamane Tiani tuyên bố họ tiến hành đảo chính vì ông Bazoum với sự hỗ trợ của Pháp đã không thể làm gì để ngăn chặn tình trạng bất ổn gia tăng ở Niger cũng như nền kinh tế trì trệ, chìm đắm trong đói nghèo.
Hadiza Kanto, sinh viên đại học tham gia biểu tình, cho biết anh ủng hộ phe đảo chính vì "họ chống lại Pháp, nước đã cướp đi tất cả của chúng tôi". "Chúng tôi sẽ đuổi Pháp khỏi châu Phi", Kanto nói.
Mới đây nhất, chính quyền quân sự ở Niger, nắm quyền từ Tổng thống Mohamed Bazoum trong cuộc đảo chính, đã cấm xuất khẩu uranium và vàng sang Pháp từ ngày 30/7.
Lệnh cấm xuất khẩu vàng và uranium sang Pháp có "hiệu lực ngay lập tức". Tướng Abdourahamane Tchiani, lãnh đạo của hội đồng chuyển tiếp mới thành lập ở Niger, đã công bố quyết định này, theo cổng thông tin Al Mayadeen.
Hàng nghìn người ủng hộ chính quyền mới đã hoan nghênh động thái này vào ngày 30/7 trong các cuộc biểu tình chống Pháp ở thủ đô Niamey và đốt cờ Pháp, tờ báo địa phương Wazobia đưa tin.
"Chúng tôi có uranium, kim cương, vàng và dầu, nhưng chúng tôi lại phải sống như những nô lệ? Chúng tôi không cần người Pháp giữ an toàn cho chúng tôi", cổng thông tin dẫn lời một trong những người biểu tình nói.
Trong khi đó, Euratom (Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu) nói với hãng tin Reuters hôm 1/8 rằng, Niger là nhà cung cấp uranium tự nhiên lớn thứ hai cho EU vào năm 2022.
Theo Euratom, không có mối đe dọa ngay lập tức đối với việc sản xuất điện hạt nhân nếu Niger ngừng cung cấp, vì các cơ sở ở EU có đủ lượng uranium dự trữ để cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng điện hạt nhân trong ba năm tới.
Alexander Uvarov, biên tập viên của trang tin tức hạt nhân Atominfo của Nga, nói với hãng thông tấn TASS rằng tác động ngay lập tức của việc cắt giảm xuất khẩu uranium của Niger đối với ngành điện hạt nhân Pháp sẽ không đáng kể, nhưng giá uranium toàn cầu có thể sẽ tăng.
Công ty nhà nước Orano của Pháp, điều hành một mỏ uranium ở Niger, cho biết họ đang theo dõi tình hình an ninh ở quốc gia Tây Phi này.
"Chúng tôi tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn do Đại sứ quán Pháp đưa ra để tạo cơ hội cho nhân viên rời khỏi Niger nếu họ muốn", đại diện công ty Orano cho biết.
Trước đó, công ty Orano đã thông báo rằng các hoạt động khai thác sẽ tiếp tục bất chấp "các sự kiện" đang diễn ra.
Bình An