Thận trọng với tỷ giá và biến số lãi suất của Trung Quốc
Yếu tố chúng ta cần quan tâm lớn hiện này là Trung Quốc và tỷ giá do đây là biến số quan trọng tác động đến chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Tỷ giá sẽ có sự điều chỉnh
Vào ngày 15/8/2023, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã hạ lãi suất cho các khoản vay một năm (hay cơ sở cho vay trung hạn) 0,15% xuống 2,5%. Lãi suất chính sách ngắn hạn cũng bị cắt giảm 0,1%.
Khi Trung Quốc muốn kích thích nền kinh tế, giảm lãi suất, hạ giá trị đồng tiền thì sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam |
Đây là lần thứ hai PBoC giảm lãi suất trong vòng 3 tháng, thể hiện sự mất đà phục hồi kinh tế nhanh chóng tại nền kinh tế mới kết thúc quá trình chống dịch Covid-19. Việc cắt giảm lãi suất đã thúc đẩy trái phiếu Chính phủ và gây áp lực lên tỷ giá hối đoái. Lợi tức kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc giảm 7 điểm cơ bản xuống 2,56%, mức thấp nhất kể từ năm 2020 và đồng Nhân dân tệ trong nước cũng tiếp tục suy yếu, giảm 0,23% xuống 7,2744/USD vào lúc 11:32 sáng tại Thượng Hải.
Động thái bất ngờ diễn ra ngay trước khi công bố dữ liệu hoạt động kinh tế đáng thất vọng của tháng 7 cho thấy, tăng trưởng trong chi tiêu của người tiêu dùng, sản lượng công nghiệp và đầu tư trượt dốc, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục tăng giá bán USD giao ngay tại Sở Giao dịch từ 24.990 đồng/USD lên 25.025 đồng/USD, tăng 35 đồng so với ngày 14/8. Đây cũng là mức giá bán USD giao ngay cao nhất từ trước đến nay.
Trong nước, tỷ giá trung tâm của VND với USD tăng mạnh 33 đồng so với phiên ngày 14/8, lên mức 23.881 VND/USD trong phiên 15/8. Với biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND là 5%, giá USD được phép giao dịch tại các ngân hàng thương mại nằm trong vùng 22.687-25.075 VND.
Từ các thông tin trên cho chúng ta thấy hệ thống lãi suất và cách điều hành của Trung Quốc, khi họ thay đổi các lãi suất điều hành thì đồng thời thay đổi toàn bộ các lãi suất tham chiếu, làm thay đổi thị trường tiền tệ, thị trường tín dụng và thị trường trái phiếu. Có một vấn đề rất quan trọng là khi tác động vào lãi suất thì nó sẽ tác động đến sức mạnh của đồng Nhân dân tệ khiến đồng tiền suy yếu.
Khi Trung Quốc muốn kích thích nền kinh tế, giảm lãi suất, hạ giá trị đồng tiền thì sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Bởi Trung Quốc là đối tác lớn nhất của chúng ta về xuất nhập khẩu ở cả đường chính thức cũng như các con đường khác.
Theo cơ chế điều hành tỷ giá trên thế giới thì Việt Nam và Trung Quốc có cùng một hệ thống đó là neo “trườn theo biên độ”, nghĩa là tỷ giá của chúng ta được tính trên một rổ hàng hóa với 8 quốc gia có xuất nhập khẩu lớn nhất và sẽ neo trườn theo biên độ đó.
Đối với Việt Nam, biên độ hiện tại đang được đặt rất cao ở mức cộng trừ 5%. Ví dụ, tỷ giá trung tâm là 23.881 VND/USD thì cộng trừ 5% sẽ có giá trần là 25.075 VND và giá sàn là 22.686 VND. Như vậy, tác động của NHNN sẽ vẫn nằm trong mức trần - sàn này, nên những thông tin “giật gân” rằng tỷ giá vượt mức 25.000 VND sẽ tạo yếu tố tâm cho nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư mới.
Diễn biến tỷ giá gần đây cũng khác với thời điểm tháng 10 và tháng 11 năm ngoái khi yếu tố đầu cơ rất lớn, khi đó mọi người đều gom USD bán, vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất; các ngân hàng thương mại cũng bán ra với giá rất cao. Còn ở thời điểm hiện tại, giá USD vẫn tăng, nhưng một điểm quan trọng là tỷ giá USD của ngân hàng thương mại bán ra còn cao hơn tỷ giá USD tự do.
Chúng tôi vẫn giữ quan điểm là tỷ giá sẽ có sự điều chỉnh, nhưng không đồng ý rằng sẽ có sự đầu cơ hoặc khuyến khích đầu cơ ở thị trường Việt Nam. Từ câu chuyện tỷ giá chúng ta sẽ cần quan sát liệu có sự đảo chiều về chính sách tiền tệ hay không, từ đó dẫn đến tâm lý trên thị trường chứng khoán.
Hiện nay, tác động từ Fed đã giảm dần và tốc độ tăng lãi suất của Fed chỉ còn một đợt nữa, điều chúng ta cần xem là mối liên hệ giữa tỷ giá đô - đồng với tỷ giá đô -Nhân dân tệ. Từ trước đến nay, mối liên hệ giữa VND và Nhân dân tệ khá chặt chẽ. Vào thời điểm năm 2015, khi Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ để thúc đẩy kinh tế, thì ngay sau đó VND cũng phải tăng trưởng theo. Đến năm 2018, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra, khiến VND cũng phải tăng tỷ giá theo. Giai đoạn gần đây, hai đồng tiền đều bị tăng do Fed tăng lãi suất, nhưng mối tương quan lại bị thấp xuống.
Nếu tính tương quan giữa hai đồng tiền trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ là 0,82 (tương quan giữa hai biến số có sự vận động từ -1 đến 1. Nếu hệ số càng gần về 1 thì mức độ tương quan càng lớn, nếu hệ số về gần -1 thì hệ số tương quan đang giảm). Vì vậy, con số 0,82 là mức tương quan rất cao.
Trong 5 năm trở lại đây, con số giảm xuống còn 0,65; trong 3 năm là 0,83 và trong 1 năm trở lại đây là giảm xuống còn 0,48; nhưng từ đầu năm 2023 đến nay thì chỉ còn 0,31. Điều đó cho thấy, mối tương quan đang ngày càng thấp dần.
Biến số lãi suất của Trung Quốc
Trong giai đoạn tới, Trung Quốc sẽ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa; sau đó mới đến Hoa Kỳ; tất cả các nước ASEAN chỉ bằng một nửa; riêng Hàn Quốc, EU và Nhật Bản thì có tỷ trọng thấp hơn rất nhiều.
Mặc dù sẽ không có trường hợp Việt Nam vừa mới nới lỏng chính sách tiền tệ đã lại thắt chặt để điều chỉnh tỷ giá; song vẫn phải quan sát thận trọng biến số lãi suất của Trung Quốc |
Vì vậy, yếu tố chúng ta cần quan tâm đó là Trung Quốc và tỷ giá đang thu hút sự chú ý do đây là biến số quan trọng tác động đến chính sách tiền tệ của Việt Nam. Nếu chúng ta giảm tỷ giá VND một chút sẽ giúp cải thiện về kinh tế, về GDP, hỗ trợ cho xuất khẩu trong bối cảnh cả xuất nhập khẩu của Việt Nam đều suy giảm, nhất là trong mối đe dọa khi PBoC hạ lãi suất, đồng Nhân dân tệ yếu đi.
Khi đó, nó có lợi cho Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam nhập siêu với Trung Quốc nhưng hàng hóa của Việt Nam xuất sang Mỹ và EU sẽ bị yếu hơn so với hàng hóa Trung Quốc. Những điều này đã tác động trực tiếp đến thị trường tài chính hay chưa thì còn cần thời gian, nhưng có hai vấn đề tác động đến thị trường tài chính đó là:
Thứ nhất, về tâm lý, mọi người lo ngại chúng ta đang ở trạng thái chính sách tiền tệ nới lỏng thì liệu có giảm nới lỏng hay không, từ đó tác động thẳng đến thị trường chứng khoán.
Thứ hai, liên quan đến vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu niêm yết trên thị trường Việt Nam, giả sử tỷ giá VND trượt 1% thì khi họ bán cổ phiếu đi thu VND về sẽ bị mất đi 1%. Từ đó có thể dẫn đến trạng thái là các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn sang các thị trường có mức lãi suất cao hơn, tỷ giá ổn định hơn. Tuy nhiên điều đó chỉ xảy ra khi có sự điều chỉnh mạnh về tỷ giá và gây ra hiện tượng dòng vốn dịch chuyển khỏi một quốc gia.
Mặc dù sẽ không có trường hợp Việt Nam vừa mới nới lỏng chính sách tiền tệ đã lại thắt chặt để điều chỉnh tỷ giá; song vẫn phải quan sát thận trọng biến số lãi suất của Trung Quốc, vì đây là biến số ở ngay sát vách Việt Nam.
Chúng tôi đánh giá rất cao động thái của NHNN khi PBoC có biểu hiện hạ lãi suất một cách đáng ngạc nhiên, ngay lập tức tỷ giá trung tâm của Việt Nam được điều chỉnh. Hiện tại, chúng ta cần tập trung vào mục tiêu GDP nhiều hơn và những thay đổi trong chính sách tiền tệ sẽ không đột ngột như năm ngoái. Với thị trường nói chung, việc không có những yếu tố quá đột ngột sẽ giúp thị trường ổn định, giúp chúng ta có khả năng dự báo tốt hơn.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp