Hà Nội: Khó đầu tư xây dựng chợ do thiếu cơ sở pháp lý
(PetroTimes) - Hiện nay, nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội đã xuống cấp, cần đầu tư cải tạo, xây mới để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, việc đầu tư, cải tạo, xây dựng chợ tại Hà Nội đang gặp nhiều vướng mắc do thiếu quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất.
Khó đầu tư xây dựng, cải tạo chợ
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, thành phố Hà Nội hiện có 453 chợ truyền thống. Hiện nay, nhiều chợ xuống cấp không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, văn minh đô thị... Đồng thời, hệ thống chợ dân sinh tại một số huyện còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân dẫn đến việc các tụ điểm chợ cóc phát triển ảnh hưởng đến an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm...
Người dân mua sắm tại chợ Thượng Thanh, quận Long Biên. |
Thực hiện việc đầu tư xây mới, cải tạo giai đoạn 2022 - 2025, đến nay, đã có 19 quận, huyện đăng ký đầu tư xây dựng, cải tạo chợ trong năm 2023 với tổng số 48 dự án chợ xây mới, xây lại và 57 chợ cải tạo sửa chữa.
Tuy nhiên, việc thực hiện quản lý và phát triển chợ trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp lý nên không thu hút được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, cải tạo chợ, điều này đã làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, kinh doanh khai thác chợ.
Theo quy định, công tác quản lý, đầu tư, cải tạo chợ đã được thành phố phân cấp cho các quận, huyện, thị xã. Việc đầu tư, cải tạo, xây mới chợ được phép dùng nguồn ngân sách đầu tư công. Tuy nhiên, khi thực hiện lại gặp vướng mắc trong vấn đề phân hạng chợ hạng 1, hạng 2, chợ dân sinh. Thành phố Hà Nội đã tập trung cùng Bộ Công Thương tháo gỡ nhưng vẫn chưa tìm ra cách giải quyết. Do đó, việc đầu tư vào chợ vẫn gặp khó khăn.
Chỉ ra những vướng mắc khi đầu tư, xây dựng, cải tạo chợ, ông Nguyễn Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, mặc dù nhà nước đã đồng ý sử dụng một phần vốn ngân sách đầu tư xây dựng chợ, nhưng trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn như về giá đất, tiền thuê đất. Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ cũng không dễ dàng do gặp nhiều vướng mắc liên quan đến đầu tư xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền thuê đất…
Đồng quan điểm này, ông Vũ Xuân Trường - Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên cho hay, hiện nay quận Long Biên mới chỉ có quy hoạch sử dụng đất, chưa có quy hoạch ngành nên việc phát triển, xây dựng hệ thống bán lẻ không dễ dàng. Tương tự vậy, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thường Sơn cho biết, quận đang tập trung xây dựng 3 chợ mới, phấn đấu mỗi phường có ít nhất 1 chợ nhưng vướng quy hoạch nên rất khó thực hiện.
Để giải quyết vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Nam đề nghị thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội và các sở, ngành liên quan nên có mẫu quy hoạch, thiết kế cơ bản của chợ như diện tích sạp hàng, bãi giữ xe, đường giao thông… để doanh nghiệp có căn cứ pháp lý trong quá trình xây dựng chợ.
Tập trung rà soát, kiểm tra lập danh mục các dự án đầu tư xây dựng chợ
Chia sẻ về việc thực hiện quản lý và phát triển chợ trên địa bàn Hà Nội, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 12/10/2021 của UBND Thành phố về Phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025, trong đó đẩy mạnh công tác đầu tư, cải tạo chợ theo Kế hoạch năm 2023 của UBND Thành phố và các Chương trình số 03-CTr/TU và số 04-CTr/TU của Thành ủy.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội và các sở, ngành hoàn thiện phương án tính giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ đảm bảo đánh giá đầy đủ căn cứ pháp lý và thực tiễn để phê duyệt. Hoàn thành công tác khảo sát, nghiên cứu khả thi dự án xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản tại thành phố Hà Nội làm căn cứ triển khai công tác kêu gọi đầu tư xây dựng chợ. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị để giải quyết các vướng mắc trong công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ; phân hạng chợ, phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng tại chợ…
Hiện nay, Sở Công Thương Hà Nội đang phối hợp với UBND các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức và Quốc Oai đề xuất đăng ký xây dựng 4 dự án chợ nâng cấp, cải tạo và 5 chợ xây mới bằng ngân sách của Trung ương hỗ trợ trong năm 2023 và các năm tiếp theo, theo Dự án 4 của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 gửi Bộ Công Thương và UBND Thành phố. Sở Công Thương cũng tích cực phối hợp với các sở, ngành để lấy ý kiến tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện đầu tư, xây dựng cải tạo các chợ: Chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa); chợ Trát Cầu, chợ Kệ, chợ Vồi (huyện Thường Tín)...
Để việc đầu tư, xây mới chợ diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, Quyền Giám đốc Sở Công Thương yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiến hành rà soát lại quỹ đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để bố trí các địa điểm xây dựng chợ theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận với quỹ đất sạch góp phần giảm kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng, giảm thời gian chuẩn bị đầu tư dự án.
Đặc biệt, các đơn vị cần rà soát, kiểm tra lập danh mục các dự án đầu tư xây dựng chợ phù hợp Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Thành phố và các quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình UBND Thành phố phê duyệt làm cơ sở để thực hiện kêu gọi xã hội hóa hoặc đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020-2025 của các địa phương, Thành phố theo phân cấp để đầu tư xây dựng chợ.
Quang Phú