Doanh nghiệp xã hội: Vì con người hơn là lợi nhuận
(Petrotimes) - Hoạt động trách nhiệm xã hội (CRS) là cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng… theo cách có lợi cho cả công ty cũng như phát triển chung của xã hội.
Doanh nghiệp xã hội – Vì một nền kinh tế xanh
Theo báo cáo từ hội thảo “Doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội” tại Hà Nội ngày 25 và 26/10, hiện nay trên thế giới có khoảng hơn 165.000 đơn vị hoạt động liên quan đến lĩnh vực xã hội, từ thiện, phi lợi nhuận. Cũng theo khảo sát của báo cáo, các doanh nghiệp xã hội (DNXH) đóng góp rất to lớn đối với xã hội. Bình quân 1 DNXH có số vốn đăng ký ban đầu chỉ khoảng 1,2 tỉ đồng nhưng đã tạo ra việc làm cho khoảng 51 lao động, trong đó có 18 lao động có hoàn cảnh đặc biệt, lợi nhuận thu về 400 triệu đồng và cải thiện cuộc sống của 2.262 đối tượng, bên cạnh đó còn tạo ra nhiều các giá trị xã hội và môi trường khác.
“Làm DNXH thực sự rất vui. Thông qua nó, bạn có thể thay đổi thế giới, biến sự sáng tạo của mình thành sức mạnh. Được làm một việc như vậy thật sự vô cùng thú vị. Thậm chí điều đó còn thú vị hơn là việc chỉ kiếm tiền theo kiểu một doanh nghiệp truyền thống. Nếu các bạn có thể cảm nhận được cuộc sống của mọi người thì đó thực sự là một niềm hạnh phúc lớn lao”, GS.Mohamad Yunus, GĐ Ngân hàng Grameen, Bangladesh (ngân hàng vì người nghèo) đã chia sẻ như vậy khi nói về mô hình phát triển DNXH mà ông rất giàu kinh nghiệm.
Bởi thế, trong “cuộc đua xanh”, doanh nghiệp nào biết tìm ra những phương thức kinh doanh gần gũi với môi trường, chi phí thấp, quan tâm đến giá trị cộng đồng, nói đơn giản là thực hiện tốt hoạt động xã hội, sẽ tồn tại và phát triển lâu bền.
Những kết quả bước đầu đáng chú ý
Thập kỷ vừa qua đã chứng kiến một giai đoạn tăng trưởng và phát triển nhanh chóng của DNXH ở rất nhiều nước châu Á và châu Âu. Vương quốc Anh hiện nay có khoảng 55.000 DNXH đang hoạt động, tạo việc làm cho gần 500.000 lao động với sự tham gia của 300.000 tình nguyện viên. Mỗi năm các doanh nghiệp xã hội đóng góp 8,4 tỉ Bảng vào GDP với tổng doanh thu ước tính vào khoảng 27 tỉ bảng Anh.
Tại nước bạn Campuchia thì mặc dù chưa có thống kê cụ thể về lợi ích kinh tế đạt được của dự án nước sạch do công ty Hemispheres thực hiện với hệ thống bộ lọc màng nước nhưng cũng hứa hẹn sẽ mang đến hàng tỉ lít nước sạch cho 11 triệu người dân đất nước này.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản tạo công ăn việc làm cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt.
Ở Việt Nam, tuy DNXH vẫn còn là một lĩnh vực mới mẻ nhưng cũng đã có những phát triển rõ rệt, rất đáng được khích lệ. 40% DNXH tại Hà Nội và TP.HCM hoạt động trong lĩnh vực đào tạo dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật; tiểu thủ công nghiệp; dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Trong số các DNXH được khảo sát có loại hình đăng ký trung tâm chiếm 32%, loại hình đăng ký công ty chiếm 30%, câu lạc bộ 15%, xã tương đối ít.
Khảo sát cho thấy, các DNXH đã tạo việc làm cho 9.000 người, trong đó có 2.462 người sống trong hoàn cảnh đặc biệt (HIV, khuyết tật, cai nghiện trở về…); đóng góp tích cực tới gần 400.000 người sống trong cộng đồng thông qua các chương trình phát triển giảm nghèo, nâng cao nhận thức và giáo dục cho cộng đồng…
Điển hình có thể kể đến dự án sản xuất phân vi sinh tại Quảng Trị của Nhà máy Tinh bột Sắn Hướng Hóa năm 2011 đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho 5.000 hộ từ việc sử dụng phân vi sinh và áp dụng kỹ thuật canh tác sản xuất bền vững, với thu nhập trung bình mỗi hộ là 6 triệu đồng/năm. Dự án còn có tác động tích cực tới môi trường, làm đất đai thêm màu mỡ và giảm 50ha rừng bị phá hủy.
Hay như Dịch vụ Cứu thương Yên Bái của công ty Trí Đức giúp tăng 160% bệnh nhân được vận chuyển, 8-10% bệnh nhân là người nghèo, người dân tộc thiểu số được giảm 20-30% chi phí nhưng vẫn mang lại lợi nhuận kinh doanh cho công ty thêm 30%. Dự án khoai tây vụ đông của Trung tâm KCT Thái Bình tạo việc làm và tăng thu nhập cho gần 3.500 hộ dân trong năm 2010, 6.300 hộ được hưởng lợi năm 2011 với thu nhập tăng từ 1,9-4,8 triệu đồng/hộ/năm. Chất thải nông nghiệp được chuyển thành phân bón vi sinh, tăng cường chất lượng đất và tăng lợi nhuận kinh doanh cho trung tâm lên 15%...
Cần cơ chế pháp lý để khuyến khích
Theo các chuyên gia tại hội thảo, các DNXH thường đi vào khai thác thị trường ngách, sáng tạo những sản phẩm mới, tạo lập thị trường mới, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng gặp hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Vì vậy, mô hình DNXH sẽ dung hòa được mục tiêu phát triển xã hội bền vững và thử thách khắc nghiệt của thị trường.
Tuy nhiên, nếu như ở nước Anh có những thể chế được thành lập nhằm cung cấp tài chính riêng cho DNXH như các sản phẩm cho vay, quyết định công nhận và xem xét những doanh thu xã hội từ đầu tư bên cạnh những chỉ số về kinh doanh hay có hẳn một văn phòng nội các giao việc cho văn phòng dân sự và riêng một Bộ trưởng để hỗ trợ cho khu vực thứ 3 (khu vực bao gồm các tổ chức tình nguyện, DNXH và từ thiện)... thì đa phần các DNXH ở nước ta còn phải tự vật lộn với nhiều khó khăn để tồn tại.
Các doanh nghiệp xã hội Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu phát triển. Vì vậy, một cơ chế pháp lý để khuyến khích sự phát triển đặc thù của DNXH là rất cần thiết và sẽ giải quyết được tình trạng “phát triển tự phát”.
Theo bà Phạm Thị Ngân, Giám đốc Công ty TNHH Tò he (DNXH có hơn 10 năm hoạt động với các sản phẩm thời trang do những trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn làm ra), điều mà hầu hết các DNXH mong đợi là có một cơ chế chính sách riêng, được hưởng những ưu đãi nhất định ngay từ khi đăng ký kinh doanh. Bởi theo bà, đây là loại hình doanh nghiệp mang tính đặc thù, tập trung vào hỗ trợ cộng đồng và xã hội phát triển bền vững, thay vì tối đa hóa lợi nhuận như các doanh nghiệp thông thường.
Vì thế, nhiều kiến nghị cho rằng, đã đến lúc Chính phủ cần coi các DNXH như những đối tác quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu xã hội và đồng thời hỗ trợ DNXH phát triển bằng việc ban hành các văn bản pháp luật tạo lập khuôn khổ pháp lý, chính thức công nhận, và đề ra các chính sách cụ thể để khuyến khích sự phát triển của mô hình này.
Trong đó, các giải pháp tăng cường truyền thông về vai trò của DNXH; hỗ trợ tài chính trực tiếp; đào tạo nâng cao năng lực; phát triển các thể chế trung gian; tạo mặt bằng, tiếp cận cơ sở hạ tầng, thông tin, xúc tiến thương mại; ưu tiên mua sắm từ DNXH… sẽ là những giải pháp thiết yếu để thúc đẩy sự phát triển của các DNXH hiện nay.
Nguyễn Nga