Sắp kiểm tra bốn doanh nghiệp xăng dầu về điều kiện kinh doanh, phân phối
(PetroTimes) - Mới đây, Bộ Công Thương đã ký quyết định thành lập Đoàn kiểm tra bốn doanh nghiệp việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu năm 2023.
Không để thiếu hụt, đứt gẫy nguồn cung xăng dầu |
6 tháng, xử lý hơn 300 vụ vi phạm về xăng dầu |
Cà Mau: Tăng cường kiểm soát thị trường xăng dầu |
Cụ thể, 4 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kiểm tra gồm: Công ty cổ phần tập đoàn Thiên Minh Đức (số 287 Ngô Đức Kế, quận Vinh Tân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An); Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà (Số 132 khu 6, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình); Công ty TNHH thương mại và du lịch Xuyên Việt Oil (số 465-467 Hai Bà Trưng, phường 8, quận 3, TP HCM); Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát (số 73 Lê Lợi, phường Hải Đình, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình);
Theo đó, Đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra việc chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh; hệ thống phân phối, mua bán xăng dầu theo hệ thống phân phối.
Ngoài ra, các thương nhân đầu mối sẽ bị kiểm tra việc duy trì các điều kiện về kinh doanh xăng dầu quy định tại Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, Nghị định 08 về điều kiện đầu tư kinh doanh, Nghị định 95 (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83).
Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà sắp bị kiểm tra về kinh doanh xăng dầu/Ảnh minh họa///kinhtexaydung.gn-ix.net/ |
Trước đó, năm 2022, Bộ Công Thương đã công bố "Kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu" sau khi thanh tra tại 11 doanh nghiệp đầu mối phía Nam.
Theo kết luận thanh tra của Bộ Công Thương, trong thời kỳ thanh tra, một số doanh nghiệp đã báo cáo chưa đúng về tình hình thực tế kho chứa xăng dầu. Cá biệt trong giai đoạn ngắn, có thương nhân thuê kho với sức chứa chưa đáp ứng theo quy định.
Một số thương nhân không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP).
Kết luận thanh tra cho rằng, theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Bộ Công Thương có thẩm quyền thu hồi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu nếu thương nhân đầu mối không tiếp tục hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu trong một quý trở lên.
Ngoài ra, cũng có một số thương nhân đầu mối không nhập khẩu xăng hoặc nhập khẩu xăng dầu ít hơn mức tối thiểu do Bộ Công Thương phân giao. Điều này được kết luận là không đúng quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP.
Liên quan dự trữ xăng dầu, theo kết luận thanh tra, các thương nhân đầu mối đã có ý thức về duy trì dự trữ tối thiểu. Nhưng việc dự trữ xăng dầu tại một số thương nhân đầu mối chưa đáp ứng về mức dự trữ tối thiểu bắt buộc 15 ngày. Tuy nhiên, kết luận thanh tra lưu ý hiện tượng này không mang tính liên tục. So với chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc quy định tính trung bình 15 ngày thì đa số thương nhân vẫn duy trì dự trữ xăng dầu theo quy định.
Kết luận thanh tra cũng cho rằng, qua công tác kiểm tra hồ sơ cấp phép, kiểm tra thực tế tại đơn vị trước khi cấp phép của một số thương nhân đầu mối, Đoàn kiểm tra do Vụ Thị trường trong nước chủ trì đã phát hiện hành vi vi phạm hành chính, việc chưa đáp ứng điều kiện để cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu nhưng không chuyển hồ sơ và kiến nghị người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, một số Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương với vai trò cơ quan tham mưu chưa tham mưu đầy đủ với lãnh đạo bộ để thực hiện chức năng hướng dẫn thực hiện hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu; kiểm tra, giám sát thương nhân tuân thủ các điều kiện và các quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP.
Theo kết luận thanh tra, đây là một phần nguyên nhân dẫn đến việc các Sở Công Thương, thương nhân kinh doanh xăng dầu tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, thống nhất.
Huy Tùng (t/h)