Từ các chỉ số vĩ mô đến cách hành xử trên thị trường đầu tư
Điều quan trọng nhất của một nhà đầu tư là phải nhìn ra sự biến động của các chính sách tiền tệ và tài khóa thông qua các chỉ số vĩ mô, để có thể dịch chuyển tài sản đầu tư của mình “kịp thời”.
Tình hình vĩ mô cải thiện
Từ đầu năm đến nay, lạm phát và tỷ giá đang là điểm tựa cho chính sách tiền tệ, vì chúng ta không thể có một chính sách tiền tệ nới lỏng khi lãi suất thấp mà lạm phát cao hay tỷ giá có sự mất giá lớn. Chính vì vậy lạm phát luôn là vấn đề cần kiểm soát chặt chẽ.
Theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2023 của Việt Nam đã xuất hiện một số điểm sáng đáng ghi nhận |
Các cấu phần quan trọng của chỉ số lạm phát (CPI) tại Việt Nam theo rổ các loại hàng hóa đang được đo gồm CPI giao thông; CPI nhà ở và vật liệu xây dựng; CPI hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Đây là ba nhóm vô cùng quan trọng, chiếm 70% cấu phần CPI. Nếu nó thay đổi sẽ tác động mạnh đến CPI chung tương ứng với mỗi tiểu phần trong đó và có sự nhạy cảm với giá dầu, giá điện, giá thịt lợn.
Theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2023 của Việt Nam đã xuất hiện một số điểm sáng đáng ghi nhận. Cụ thể, chỉ số giá tháng 7 so với tháng trước có tốc độ tăng 0,45%; tháng 7 năm nay so với tháng 7 năm trước là 2,06% (mức tăng không cao); đặc biệt là trung bình 7 tháng đầu năm 2023 so với 7 tháng đầu năm 2022 chỉ 3,12%. Như vậy khả năng những tháng còn lại của năm, chỉ số lạm phát vượt 4,5% là rất khó.
Chúng tôi nhận thấy, năm nay lạm phát là một “mỏ neo” mà chúng ta chắc chắn sẽ đạt được để từ đó có thể triển khai chính sách tiền tệ nới lỏng. Giả sử trong thời điểm hiện tại, con số lạm phát tăng khoảng 4,8% thì câu chuyện sẽ hoàn toàn khác. Khi xem xét các cấu phần của CPI, nhà đầu tư sẽ có tư duy về thị trường một cách rõ nét. Tôi cho rằng trong biên độ hiện tại, lạm phát ở Việt Nam sẽ không bị tác động tăng nhanh, do đó chính sách tiền tệ vẫn còn dư địa giúp lãi suất ở mức thấp và thị trường chứng khoán vẫn đang ở trong một chu kỳ thuận lợi.
Một số liệu khá quan trọng khác đó là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), chỉ số này đã khởi sắc hơn so với tháng trước. Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 7 tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước. Tính chung 7 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khi nhìn vào các chỉ số mà Tổng cục Thống kê công bố, nhà đầu tư cần phải nắm vững cấu trúc hệ thống những chỉ số đó có ý nghĩa gì và tác động đến các tài sản đầu tư ra sao. Mặc dù chỉ số IIP vẫn đang trong đà giảm, tuy nhiên tốc độ giảm của nó đã tốt hơn so với tháng trước.
Ngoài ra, chỉ số PMI tháng 7 vẫn dưới mức 50 điểm, phản ánh người quản trị mua hàng đang cho rằng môi trường kinh doanh còn tiêu cực. Tuy nhiên đánh giá đó đã đỡ hơn rất nhiều khi PMI đạt mức 48,7 điểm, còn tháng trước là 46,2 và tháng trước nữa là 45,3 điểm. Điều này thể hiện các chính sách đã thẩm thấu, tác động và đang được phản ánh vào các kết quả là các chỉ số nêu trên.
Thêm một phần nữa đó là chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ vẫn có sự tăng trưởng, nhưng do nền của 6 tháng đầu năm ngoái khá thấp nên chỉ số này đã tăng trưởng 10,4%. Đây đang là trụ cột chính để thúc đẩy GDP.
Hiện nay, Việt Nam đang phải tập trung vào cấu phần chi tiêu, bắt đầu từ ngày 1/7 đã triển khai giảm 2% thuế VAT nhiều mặt hàng và có những tác động nhất định đến thị trường...
Hành xử kịp thời
Chúng ta đều thấy, trước bất kỳ sự biến động kinh tế nào thì Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đều có tác động hoặc để kìm hãm, hoặc hỗ trợ nền kinh tế phát triển thông qua các công cụ là chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá. Qua đó, các tài sản tài chính cũng sẽ có sự tăng trưởng hoặc sụt giảm.
Trong biên độ hiện tại, lạm phát ở Việt Nam sẽ không bị tác động tăng nhanh, do đó chính sách tiền tệ vẫn còn dư địa giúp lãi suất ở mức thấp và thị trường chứng khoán vẫn đang ở trong một chu kỳ thuận lợi |
Một ví dụ khá quen thuộc là khi Covid-19 xuất hiện, chính sách tiền tệ của tất cả các quốc gia đều nới lỏng, khiến thị trường cổ phiếu đã rất phát triển. Tuy nhiên, năng lực sản xuất chỉ có giới hạn và nếu tiền quá rẻ sẽ gây ra lạm phát, nhưng đến hiện tại đã thu hẹp lại.
Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở ngày càng lớn, việc chúng ta phụ thuộc vào các thị trường nước ngoài thông qua hoạt động xuất nhập khẩu lớn, nên ảnh hưởng của thế giới sẽ tác động đến Việt Nam khá sớm.
Điều quan trọng nhất của một nhà đầu tư là phải nhìn ra sự biến động của các chính sách tiền tệ và tài khóa đó thông qua các chỉ số vĩ mô, để làm sao có thể dịch chuyển tài sản đầu tư của mình “kịp thời”.
Đơn cử như, nếu chúng ta nhìn thấy chỉ số VN-Index tăng lên 1.200 điểm thì sẽ bán hết tất cả các tài sản đầu tư khác và tập trung vào cổ phiếu, chắc chắn sẽ có rủi ro về những nhịp điều chỉnh dù có thể thị trường sẽ đi lên. Vì vậy, nhà đầu tư phải có tầm nhìn trước, với những người đã nắm vững lý thuyết này, họ đã hành xử kịp thời từ khi NHNN Việt Nam hạ lãi suất lần đầu tiên. Ở thời điểm hiện tại, thị trường vẫn có những khả năng tăng nhưng độ an toàn đã không còn như 3 tháng trước.
Có thể thấy, ngay khi lãi suất sụt giảm ngành chứng khoán đã có tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ, hay những ngành về tài chính, những ngành mang tính chất tấn công đều hồi phục mạnh mẽ.
Như vậy, GDP và lạm phát là hai biến số lớn nhất mà chúng phải bám sát, cùng với việc chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng hay thắt chặt, chính sách tài khóa sẽ mở rộng hay thu hẹp, để từ đó dẫn đến có một yếu tố quan trọng trên thị trường đó là lãi suất. Riêng về mối liên hệ giữa lãi suất và cổ phiếu, khi lãi suất ở mức cao, thị trường cổ phiếu sẽ sụt giảm lớn và ngược lại.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp