Tháo gỡ cho truyền tải điện như thế nào?
Bài 2: Vì sao chưa “mời” doanh nghiệp tư nhân vào làm truyền tải điện?
Chủ trương của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa truyền tải điện đã có. Nhưng hơn 3 năm qua vẫn chưa có hướng dẫn triển khai. Bởi vậy việc “mời” các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào triển khai các dự án truyền tải điện vẫn là con số 0 tròn trĩnh.
Bài 1: Để các dự án nguồn điện tăng tốc |
Nhắc đến các dự án truyền tải điện, tôi còn nhớ cách đây hơn 10 năm, khi triển khai dự án NMNĐ Vũng Áng 1. Trong một cuộc họp có đưa vấn đề bàn giao đường dây và sân phân phối điện từ Nhà máy lên đường điện quốc gia. Khi ấy phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không thể thống nhất được một số việc rất nhỏ đó là nhận đường dây và sân phân phối điện như thế nào và phía bên nào sẽ bỏ tiền bảo trì, và chịu trách nhiệm về chất lượng truyền tải của đoạn đường dây đó.
Đóng điện mang tải đường dây 500kV Vũng Áng - Quảng Trạch, hoàn thành toàn bộ đường dây 500kV mạch 3. |
Nghị quyết 55-NQ/TƯ ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã khuyến khích “thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng, bao gồm cả hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh”, tuy nhiên các văn bản quy phạm pháp luật (VB QPPL) đến nay (hơn 3 năm) vẫn chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể để cho phép triển khai.
Gần đây nhất, Luật 03/2022/QH15 ngày 11/01/2022, trong đó sửa đổi Luật Điện lực cũng nêu rõ: “Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng”.
Tuy nhiên đến nay, chưa có các Nghị định hướng dẫn thực hiện các điều kiện để có thể thu hút các thành phần kinh tế tư nhân xây dựng lưới truyền tải. Đặc biệt, đối với hệ thống điện truyền tải có tính chất xương sống, huyết mạch của quốc gia cần cân nhắc kỹ việc có nên cho phép đầu tư tư nhân hay không, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh quốc gia; cơ chế giá, thu hồi vốn đầu tư, giá truyền tải như thế nào để các thành phần kinh tế tư nhân có thể thu hồi vốn đầu tư và tổ chức vận hành.
Gần đây nhất là NMNĐ Thái Bình 2, các thủ tục bàn giao cũng sẽ tiếp tục gặp khó khăn do thiếu hướng dẫn, quy định cụ thể để quyết toán dự án. Mà chưa quyết toán được dự án thì giá bán điện cũng không thể là giá điện chính thức được mà chỉ là “tạm tính” nên không thể tránh được việc ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án. Như vậy, là chỉ tính sơ qua cũng thấy là hơn 10 năm qua các vấn đề vướng mắc cơ chế từ các dự án đường dây truyền tải điện và cả dự án nguồn điện vẫn tồn tại quá nhiều rào cản cả khách quan lẫn chủ quan.
Quyết toàn các dự án nguồn điện là một câu chuyện dài kỳ chưa có hồi kết. |
Trở lại với vấn đề xã hội hóa truyền tải điện, nhà đầu tư tư nhân có “lợi thế” là có thể bỏ qua các quy trình thủ tục mà doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải thực hiện theo quy định đối với việc sử dụng vốn nhà nước. Trong đó, về giải phóng mặt bằng có thể “tự quyết” và đàm phán tự do với các chủ sở hữu đất (bản chất là nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng đền bù đất đai với đơn giá vượt quá rất nhiều so đơn giá của nhà nước quy định).
Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng phức tạp theo đơn giá của nhà nước nên nhiều khi không đạt được đồng thuận với chủ sở hữu sử dụng đất (người dân) gây kéo dài công tác chuẩn bị xây dựng.
Tuy nhiên, một vấn đề mới đã phát sinh, đó là do nhà đầu tư tư nhân có thể tự quyết định và đàm phán trả tiền đền bù cao hơn rất nhiều so với đơn giá nhà nước quy định (để khẩn trương đóng điện đưa công trình nguồn điện vận hành kịp thời gian hưởng giá FIT của cơ chế quy định), đã tạo tiền lệ đẩy giá đền bù đất đai và giá hỗ trợ hạn chế sử dụng đất cho hành lang tuyến tăng vô tội vạ, không kiểm soát. Đây là căn cứ tạo nên việc người dân không chấp hành đơn giá đất của nhà nước theo quy định làm phức tạp thêm tình hình đền bù, giải phóng mặt bằng cho xây dựng và vận hành đường dây điện.
Theo Chuyên gia cao cấp Năng lượng Nguyễn Thái Sơn - Thường trực Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam, cần nghiên cứu, ban hành quy định có tính mở hơn để xác định rõ ràng về nội dung phạm vi độc quyền nhà nước và phạm vi tư nhân hoá việc đầu tư lưới điện truyền tải, cũng như xác định cần bổ sung xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật dưới luật để có thể triển khai việc Tư nhân tham gia đầu tư lưới truyền tải điện. Đặc biệt là cần xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của đường dây truyền tải trước, trong và sau khi bàn giao đường dây cho Trung tâm điều độ điện lực quốc gia.
Có thể thấy rằng, việc đầu tư lưới điện truyền tải là một nội dung phức tạp, đòi hỏi những thay đổi trong cách tiếp cận từ cơ chế chính sách văn bản quy phạm pháp luật đến quá trình thực thi đầu tư xây dựng. Để tạo điều kiện thực hiện đảm bảo tiến độ của các dự án theo quy hoạch điện quốc gia, cần chuyển biến thủ tục hành chính của các cấp quản lý và nhận thức của người dân trong việc xác định các đường trục, liên kết của lưới truyền tải là cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời cũng cần tính toán và quy định rõ quyền lợi của doanh nghiệp tư nhân vào giá truyền tải điện qua hệ thống truyền tải mà họ đầu tư cũng như trách nhiệm bảo trì hệ thống điện của Trung tâm điều độ điện quốc gia trên toàn bộ hệ thống điện.
Thành Công
Ngành Điện nỗ lực vượt khó để đáp ứng nhu cầu điện của đất nước |
“Chủ công” trên những công trường truyền tải điện |
Xây dựng hệ thống truyền tải điện đồng bộ, hiện đại |