Thủ tướng nêu yêu cầu với việc sáp nhập hàng loạt huyện, xã giai đoạn mới
Việc sáp nhập huyện, xã giai đoạn tới phải tính đến các yếu tố đặc thù, mục tiêu mở rộng không gian, tạo động lực phát triển, theo yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
TP HCM gặp khó khi sáp nhập các phường, xã nhỏ |
Hà Nội lên kế hoạch sáp nhập hàng nghìn thôn, tổ dân phố |
Những xã, huyện nào trên cả nước sẽ được sáp nhập? |
Sáng 31/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần sáp nhập huyện, xã nhằm xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Sáp nhập huyện, xã phải tính tới các yếu tố đặc thù
Dù giai đoạn vừa qua, việc sáp nhập đạt nhiều kết quả, người đứng đầu Chính phủ cho rằng vẫn còn vướng mắc cần giải quyết.
Điển hình là số lượng đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định vẫn còn nhiều; việc sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư chưa kịp thời; chất lượng đô thị ở một số đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp chưa bảo đảm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị (Ảnh: Đoàn Bắc). |
Những vướng mắc còn tồn tại ở việc bố trí, sắp xếp các trụ sở cơ quan, đơn vị dôi dư và tài sản công tại một số địa phương thực hiện sắp hay việc thực hiện các chính sách đặc thù với các huyện, xã hình thành sau sắp xếp chưa được hướng dẫn cụ thể.
Vì vậy lần này, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu việc sáp nhập phải được tiến hành khoa học, khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan.
Bên cạnh đó, cần kịp thời giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức bị ảnh hưởng khi sắp xếp.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý việc sắp xếp đơn vị hành chính phải tính đến các yếu tố đặc thù, mục tiêu mở rộng không gian, tạo động lực phát triển, khả năng sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư và quản lý của chính quyền địa phương.
"Sắp xếp đơn vị hành chính là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp, thực hiện trong thời gian ngắn, nguồn lực có hạn, tác động lớn đến hoạt động của các cơ quan cũng như tư tưởng, tâm lý của nhân dân, người lao động", Thủ tướng nhấn mạnh.
Từ đó ông quán triệt quá trình triển khai phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, bảo đảm đúng quy định, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan.
Có lộ trình, bước đi phù hợp
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Thủ tướng lưu ý nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết là làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, sự đồng thuận trong nhân dân tại địa phương, nhất là đối tượng bị tác động.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính, theo Thủ tướng, phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, bao trùm, có lộ trình, bước đi, thực hiện theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn có trọng tâm, trọng điểm, có cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả.
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành trên cả nước (Ảnh: Đoàn Bắc). |
Quá trình này cũng phải phù hợp với các quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội; tạo không gian phát triển mới với tư duy mới, tạo giá trị mới.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải gắn với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
"Quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính phải đồng thời giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế trong giai đoạn 2019 - 2021; thực hiện chế độ, chính sách hợp lý với cán bộ và người dân có liên quan tại các huyện, xã sau sáp nhập", theo yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Thủ tướng cho biết sau hội nghị này, Chính phủ sẽ thành lập Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Trưởng ban để đôn đốc triển khai công việc, nắm bắt vướng mắc để giải quyết theo thẩm quyền.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, bí thư và chủ tịch các tỉnh, thành trực tiếp chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ Kế hoạch của Chính phủ khẩn trương triển khai các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, nhất là ban hành ngay các văn bản hướng dẫn thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu xây dựng phương án tổng thể, đề án sắp xếp đơn vị hành chính sớm trình các cấp có thẩm quyền xem xét.
Đã sáp nhập 21 huyện và 1.056 xã Theo báo cáo, trong giai đoạn 2019 - 2021, cả nước đã sáp nhập 21 huyện và 1.056 xã, qua đó giảm được 8 huyện và 561 đơn vị xã; giảm 429 cơ quan cấp huyện, 3.437 cơ quan cấp xã. Nhờ sáp nhập huyện, xã đã tinh giản biên chế được 361 cán bộ, công chức cấp huyện, 6.657 cán bộ, công chức cấp xã; giảm chi ngân sách Nhà nước khoảng 2.008 tỷ đồng. |
Theo Dân trí