Chuyển đổi số quốc gia: Cuộc đua luật hóa “AI tạo sinh”
Giá trị bổ ích công nghệ AI mang lại là không thể phủ nhận, song vẫn đó còn nhiều mối lo ngại về tác động tiêu cực mà nó có thể gây ra cho xã hội.
Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc (CAC) vừa cho biết sẽ chính thức áp dụng các “Biện pháp quản lý dịch vụ AI tạo sinh” từ ngày 15/8/2023 tới đây.
Theo đó, các dịch vụ AI tạo sinh (Generative AI) sẽ cần phải có giấy phép để hoạt động và phải tuân thủ “các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng kêu gọi các nền tảng công nghệ “tham gia xây dựng các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế” liên quan đến AI tạo sinh.
“Cơn lốc” AI tạo sinh
Kể từ khi công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing - NLP) “phơi sáng”, các phần mềm AI tạo sinh đã nhanh chóng tận dụng công nghệ này tạo ra “hiện tượng” và trở thành “cơn lốc” khiến đời sống xã hội đi hết từ “cú sốc” này sang bất ngờ khác, khi có thể viết thư, làm thơ, vẽ tranh, sáng tác nhạc, hỗ trợ cải thiện phòng ngừa và tầm soát ung thư, hỗ trợ phân tích dự báo tình hình kinh tế - xã hội, thậm chí có thể “viết mã độc” hay còn có thể vượt qua kỳ thi tốt nghiệp trường luật với điểm số thuộc nhóm 10% cao nhất, ChatGPT là một điển hình.
Hoặc gần đây nhất, các nhà nghiên cứu khoa học vũ trụ Trung Quốc cho biết đã xây dựng và thử nghiệm thành công việc trao toàn quyền kiểm soát một vệ tinh trên quỹ đạo gần trái đất cho một cỗ máy điều khiển sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Bên cạnh những tiềm năng to lớn ChatGPT và AI có thể đem lại, ở chiều ngược lại công nghệ này cũng mang đến rất nhiều quan ngại trong vi phạm bản quyền, vi phạm nhân quyền, giả mạo sâu (deepfake) để tuyên truyền chống phá, cạnh tranh không lành mạnh tới các thực thể khác nhau bằng thông tin xấu độc.
Trước khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên siêu việt, tốc độ tính toán, sự phát triển mạnh mẽ và những nguy cơ tiềm ẩn chưa thể định lượng của công nghệ AI, đặc biệt sau khi ChatGPT-4 ra đời, tại nhiều quốc gia, khu vực đã dấy lên “làn sóng” phản ứng với nhiều tầng nấc, cung bậc khác nhau.
Liên Hiệp Quốc (2/2023) đã đưa ra cảnh báo những tiến bộ của công nghệ AI đang đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho quyền con người, khi cho rằng: "Yếu tố con người, phẩm giá và tất cả các quyền con người đang gặp rủi ro nghiêm trọng” và kêu gọi “các doanh nghiệp và chính phủ nhanh chóng phát triển các biện pháp bảo vệ hiệu quả - những biện pháp đang rất cần thiết”.
Đã có hơn 60 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc kêu gọi phải có quy định về AI để đảm bảo công nghệ này không phá hoại sự ổn định và an ninh quốc tế.
Europol - cơ quan Cảnh sát Liên minh châu Âu (27/3) cũng lên tiếng lo ngại vấn đề đạo đức và pháp lý với những hệ thống tiên tiến như ChatGPT, đồng thời đưa ra cảnh báo khả năng AI có thể bị lợi dụng để thực hiện các hoạt động lừa đảo, tung tin sai lệch cũng như tội phạm mạng khác.
Đặc biệt ngày 30/3 vừa qua, một số ông trùm công nghệ, trong đó có Elon Musk (ông chủ của Tesla), Steve Wozniak (đồng sáng lập Apple), Jaan Tallinn (đồng sáng lập Skype), v.v. và hơn 1.000 người khác đã phát hành một bức thư ngỏ với lời kêu gọi “tạm dừng phát triển AI ngay lập tức” để “cùng phát triển và triển khai một bộ giao thức an toàn dùng chung cho thiết kế và phát triển AI tiên tiến, được kiểm tra và giám sát chặt chẽ bởi các chuyên gia độc lập bên ngoài”.
Đáp lại, chính phủ các nước đã không đứng ngoài cuộc.
Cuộc đua “luật hóa AI”
Như đề cập ở trên, ngày 15/8 tới Trung Quốc sẽ chính thức thi hành “Các biện pháp quản lý AI tạo sinh”. Đây là bước đi tiên quyết để chuyển hóa các quy định thành quy phạm pháp luật có giá trị bắt buộc thực hiện đối với mỗi tổ chức và cá nhân.
Tại Mỹ, Chính quyền Joe Biden đã bắt đầu xem xét dữ liệu do AI tạo ra có cần phải sử dụng các công cụ đặc thù để kiểm tra hay không. Mỹ cũng cho rằng “các chính phủ từ các quốc gia nên làm việc cùng nhau để đưa ra một tiêu chuẩn quản lý toàn cầu”.
Tại Anh, tháng 3/2023 vừa qua, chính phủ cũng cho biết , để “tránh luật pháp nặng tay có thể kìm hãm sự đổi mới”, họ đã chọn không giao trách nhiệm quản lý AI cho một cơ quan quản lý mới, thay vào đó kêu gọi các cơ quan quản lý hiện tại thành lập các bộ phận quản lý của riêng họ với cách tiếp cận phù hợp nhất theo cách AI đang được sử dụng trong lĩnh vực của họ. Tuy nhiên, cách tiếp cận này đã bị một số chỉ trích từ các chuyên gia trong ngành lập pháp, vì cho rằng các khuôn khổ hiện tại có thể không điều chỉnh AI một cách hiệu quả do tính chất phức tạp và nhiều lớp của một số công cụ AI, nghĩa là sự kết hợp giữa các chế độ khác nhau sẽ là điều không thể tránh khỏi.
Tại Ý, cơ quan quản lý quyền riêng tư dữ liệu đã cấm ChatGPT, vì cáo buộc cho rằng ứng dụng này đã vi phạm quyền riêng tư. Một nhóm gồm 1.100 nhà lãnh đạo công nghệ và nhà khoa học cũng đã kêu gọi tạm dừng 6 tháng trong việc phát triển các hệ thống mạnh hơn GPT-4 mới ra mắt của OpenAI .
Và Việt Nam cũng nên nhanh chóng vào cuộc nhằm “luật hóa” để quản lý AI tạo sinh.
Kiến nghị với Việt Nam
Sau khi ChatGPT ra đời thu hút sự chú ý của giới công nghệ trên toàn cầu thì tại Việt Nam, AI này cũng đã tạo nên "cơn sốt" khi luôn nằm trong tốp đầu những từ khóa được tìm kiếm nhiều, trở thành chủ đề phổ biến trên các trang mạng xã hội và bùng nổ thị trường tài khoản ChatGPT nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm siêu trí tuệ nhân tạo.
Vào tháng 4/2023 vừa qua tại Hà Nội, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Thung lũng Silicon tổ chức Hội thảo “Tương lai của sự sáng tạo từ công nghệ AI 2023”.
Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra 2 phiên thảo luận về các chủ đề “Tương lai của trí tuệ nhân tạo tạo sinh” và “An ninh và tương lai việc làm trong thời đại trí tuệ nhân tạo”. Theo các chuyên gia, giá trị bổ ích công nghệ AI mang lại là không thể phủ nhận, song vẫn còn nhiều mối lo ngại về tác động tiêu cực mà chúng có thể gây ra cho xã hội, đồng thời mong muốn các doanh nghiệp cũng như các cơ quan hoạch định chính sách Việt Nam nhận thức được vai trò quan trọng của AI trong việc thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, và thúc đẩy tăng trưởng xã hội.
Để đẩy mạnh công tác quản lý dịch vụ AI tạo sinh nhằm phục vụ cho lợi ích công động và giảm thiểu rủi ro cho xã hội, xin kiến nghị Nhà nước và các cơ quan quản lý chức năng:
Một là: Tham khảo các biện pháp quản lý dịch vụ AI tạo sinh của Trung Quốc để nghiên cứu xây dựng các biện pháp quản lý dịch vụ này theo hướng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tiễn tại Việt Nam;
Hai là: Tăng cường phổ biến Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng đến đồng đảo người dùng để tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia;
Ba là: Tăng cường áp dụng Luật An ninh mạng vào thực tiễn để giáo dục răn đe đối với các đối tượng lợi dụng nền tảng dịch vụ AI tạo sinh để tiến hành các hành vi gây nhiễu loạn môi trường mạng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân, qua đó thúc đẩy xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử, tạo thói quen tích cực góp phần xây dựng môi trường mạng tại Việt Nam an toàn và lành mạnh.
Quang Tuấn - Chuyên gia Tư vấn chính sách và công nghệ công ty IS-Tech (Integrated Smart Technologies)/
Diễn đàn Doanh nghiệp