Hiện trạng 2 thành phố tương lai bao quanh nội đô Hà Nội
Đề xuất lập 2 thành phố mới tại Hà Nội mở ra viễn cảnh "thay da đổi thịt" cho loạt đô thị vệ tinh phía Tây và phía Bắc. Nhiều nơi đến nay phát triển chưa xứng với tiềm năng.
Thành phố phía Tây
UBND Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND TP về định hướng phát triển không gian đô thị của thủ đô đến năm 2045. Tờ trình đề cập đến việc nghiên cứu quy hoạch 2 thành phố tại phía Bắc và phía Tây của Hà Nội.
Thành phố phía Bắc sẽ bao gồm 2 đô thị Hòa Lạc và Xuân Mai. Diện tích khoảng 251km2, quy mô dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người. Đơn vị hành chính gồm 16 phường và 8 xã.
Hiện trạng nút giao Hòa Lạc - điểm cuối của Đại lộ Thăng Long. Xung quanh nút giao này là Khu công nghệ cao Hòa Lạc với tổ hợp Đại học Quốc gia, trụ sở và nhà xưởng của các tập đoàn công nghệ...
Hạ tầng, đường sá của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã được đầu tư đồng bộ từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, lượng doanh nghiệp công nghệ đổ về đây chưa nhiều, diện tích đất đai bỏ trống lớn.
Đàn bò của người dân địa phương gặm cỏ trước trụ sở của một tập đoàn công nghệ tại Hòa Lạc.
Trong tờ trình, UBND Hà Nội đề xuất phát triển đô thị Hòa Lạc nằm trong thành phố phía Tây, với chức năng là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, là thành phố của những trung tâm nghiên cứu, trường đại học...
Nằm cách Hòa Lạc khoảng 17km, trên giao điểm của quốc lộ 6 và quốc lộ 21, thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) được đề xuất là trung tâm giáo dục khởi nghiệp và công nghệ sinh hóa phẩm thuộc thành phố phía Tây.
Tốc độ đô thị hóa của Xuân Mai chậm hơn Hòa Lạc. Địa phương thường được nhớ tới như là mốc giới phía Tây thủ đô, giáp huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Trước năm 2008, Xuân Mai và Hòa Lạc đều thuộc tỉnh Hà Tây cũ.
Chỉ có một tuyến xe buýt duy nhất kết nối thị trấn Xuân Mai với Hà Nội. Hiện, UBND Hà Nội đang nghiên cứu dự án kéo dài tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đến Xuân Mai.
Thành phố phía Bắc
Ở khu vực phía Bắc sông Hồng, UBND Hà Nội đề xuất quy hoạch thành phố phía Bắc trên cơ sở gộp địa giới hành chính 3 huyện Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn. Tổng diện tích thành phố là 633km2. Quy mô dân số đến năm 2045 khoảng 3,25 triệu người.
Huyện Đông Anh được kết nối với trung tâm Hà Nội thông qua 2 cây cầu Thăng Long và Nhật Tân. Địa phương đang nâng cấp cơ sở hạ tầng với mong muốn trở thành quận của Hà Nội.
Mong muốn từ huyện lên quận được thể hiện rõ trên các biểu ngữ dọc tuyến đường chính của huyện Đông Anh.
Vốn là một địa phương thuần nông nghiệp, huyện Đông Anh nhiều năm qua đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế với việc phát triển các khu công nghiệp dọc theo trục đường Bắc Thăng Long - Nội Bài. Địa phương này cũng phong phú về văn hóa, lịch sử với di tích Thành Cổ Loa nằm trên trục văn hóa Cổ Loa - Sông Hồng - Hồ Tây.
Nằm ở phía Tây của huyện Đông Anh, huyện Mê Linh có tốc độ phát triển đô thị chậm hơn. Trong ảnh là trung tâm hành chính của huyện.
Các trục đường trung tâm của huyện Mê Linh đã được quy hoạch khang trang, tuy nhiên, dấu ấn của một huyện thuần nông nghiệp vẫn rõ nét. Địa phương đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang công nghiệp, dịch vụ nhưng còn gặp nhiều khó khăn do vị trí xa trung tâm Hà Nội và không có trục đường giao thông lớn.
Ngày 25/6, dự án vành đai 4 Vùng Thủ đô được khởi công với hướng tuyến đi qua địa bàn huyện Mê Linh. Đây là công trình giao thông có ý nghĩa quan trọng với huyện, kỳ vọng rút ngắn thời gian di chuyển từ Mê Linh về trung tâm Hà Nội và thúc đẩy các dự án nhà ở vốn "ngủ yên" suốt nhiều năm.
Thành phố phía Bắc dự kiến có 45 phường và 24 xã. Trung tâm đô thị đặt tại phía nam sân bay Nội Bài, gần các trung tâm lớn như Smart City, Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, khu di tích Cổ Loa…
Theo Dân trí
Quy hoạch đô thị |