Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm đạt tỷ lệ thấp
(PetroTimes) - Ngày 28/6, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị với các bộ, ngành sơ kết tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2023 và các biện pháp tăng cường giải ngân năm 2023.
Theo báo cáo của Bộ, kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm còn thấp. Năm 2023, các địa phương được giao tổng kế hoạch vốn là 34.512,5 tỷ đồng, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của Ngân sách Trung ương (NSTW) 16.117,7 tỷ đồng (50/63 địa phương), vốn vay lại là 18.394,8 tỷ đồng (57/63 địa phương).
Tính đến 27/6/2023, số kế hoạch vốn các địa phương đã phân bổ và nhập Tabmis cho các dự án là 27.385,13 tỷ đồng, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của NSTW là 14.225,28 tỷ đồng chiếm 88,2% kế hoạch vốn được giao, vốn vay lại là 13.159,85 tỷ đồng chiếm 71,5% kế hoạch vốn được giao. Kết quả giải ngân vốn nước ngoài 06 tháng đầu năm 2023 (tính đến ngày 27/6/2023) của các địa phương vẫn thấp, chỉ đạt 7,6% kế hoạch vốn năm 2023 được giao (tính cho cả kế hoạch vốn cấp phát và vay lại). Mới có 8/50 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%, 13/50 địa phương chưa giải ngân vốn NSTW cấp phát bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương (NSĐP).
Toàn cảnh Hội nghị của Bộ Tài chính sơ kết giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm. |
Qua quá trình làm việc với các địa phương, các dự án và theo dõi số liệu giải ngân của các dự án, các vướng mắc chủ yếu do liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, sử dụng vốn dư. Các dự án thuộc nhóm này phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thực hiện, gia hạn giải ngân hoặc đang làm thủ tục sử dụng vốn dư. Nguyên nhân chính các dự án phải xin gia hạn thời gian thực hiện, thời gian giải ngân là do các công tác triển khai dự án chậm trễ và chưa kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh.
Trong đó, vướng mắc trong công tác triển khai thực hiện và giải ngân khá đa dạng bao gồm: Các vướng mắc trong khâu đấu thầu hoặc hợp đồng thương mại, giải phóng mặt bằng, điều chỉnh thiết kế, biến động giá nguyên vật liệu, khó huy động nhân công. Ngoài ra các vướng mắc do chậm tiến hành công tác nghiệm thu, thanh toán, năng lực cán bộ quản lý dự án chưa đáp ứng yêu cầu công việc...
Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023, cần triển khai các giải pháp. Đối với các Bộ, ngành, cơ quan quản lý: Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất giải pháp để xử lý các vướng mắc trong công tác thẩm định thiết kế để đảm bảo tiến độ thẩm định thiết kế của các dự án Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất giải pháp để xử lý các vướng mắc trong lĩnh vực y tế để tháo gỡ khó khăn liên quan đến công tác đưa thiết bị y tế vào lưu hành, sử dụng.
Về phía Bộ Tài chính, sẽ triển khai một số biện pháp, trong đó đảm bảo thời gian xử lý đơn rút vốn đúng qui định. Tiếp tục tổ chức các đoàn trực tiếp làm việc, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, trong đó tập trung các dự án lớn, các địa phương được giao nhiều kế hoạch vốn; Tiếp tục trao đổi với các nhà tài trợ nhằm tháo gỡ các vướng mắc về phía nhà tài trợ (rút ngắn thời gian và đơn giản hóa thủ tục cho ý kiến không phản đối, cải thiện công tác kiểm đếm đối với các dự án giải ngân theo kết quả, rút ngắn thời gian xử lý đơn rút vốn).
Các điểm cầu tham dự hội nghị. |
Đối với các địa phương và Ban quản lý dự án, cần tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn, có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển vốn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước 1/9/2022 để phối hợp thực hiện. Đối với chương trình/dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, các địa phương báo cáo và phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh đầu tư, phối hợp với Bộ Tài chính để điều chỉnh thời hạn giải ngân, điều chỉnh phân bổ vốn theo các hiệp định vay đã ký (nếu có).
Đối với các dự án có vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án, các địa phương, Ban quản lý dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; hoàn thiện các thiết kế kỹ thuật, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu. Các Ban quản lý dự án trung ương của các dự án do các Bộ ngành làm cơ quan chủ quản cần có hướng dẫn, tập huấn về nghiệp vụ, năng lực cho các ban quản lý dự án địa phương để đảm bảo dự án được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Minh Châu