Chuyển đổi số quốc gia - Kỳ 2: “Trung Quốc số” và khuyến nghị đối với Việt Nam
Chính phủ Trung Quốc đặt ra và chủ trì triển khai chiến lược “Trung Quốc số” đồng bộ trên cả nước - một trường hợp để Việt Nam tham khảo.
Chuyển đổi số quốc gia - Kỳ 1: Phát triển nhanh nhưng phân tán |
“Trung Quốc số”
Năm 2022, Trung Quốc ban hành “Hướng dẫn triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu lớn tích hợp quốc gia” nhằm mục tiêu phát huy tối đa giá trị và sức mạnh của các hệ thống CSDL quốc gia. Bộ “Hướng dẫn” này được ban hành rộng rãi tới tất cả các thành phần, bộ phận và khu vực trên cả nước
Theo giới chuyên môn và các nhà quan sát, điều này thể hiện quyết tâm chính trị cao độ của Chính phủ Trung Quốc. Mục tiêu đến năm 2035, Trung Quốc sẽ đi đầu thế giới về mức độ phát triển công nghệ số, phát triển số hóa trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đạt thành tựu lớn trong xây dựng "Trung Quốc số".
Năm ngoái (2022), Trung Quốc đã công bố kế hoạch và chính thức khởi động triển khai siêu dự án "Đông số Tây toán - phía Đông ứng dụng, khai thác dịch vụ số, phía Tây cung cấp dịch vụ điện toán dữ liệu".
Dự án này có ngân sách triển khai xây dựng lên tới 400 tỷ Nhân dân tệ (63 tỷ USD). Đích thân Chính phủ chủ trì và có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước, sự hợp tác của các Big Tech Trung Quốc (Tencent, Alibaba và Huawei).
Dự án sẽ quy hoạch lại, di rời các trung tâm dữ liệu (TTDL) hiện có ở phía Đông (Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông) về phía Tây, đồng thời xây dựng thêm 10 cụm trung tâm điện toán dữ liệu quốc gia mới tại phía Tây.
Trước khi tiến hành Dự án này, Cơ quan quản lý không gian mạng (CAC), Bộ Công nghiệp và CNTT (MIIT) và Cơ quan quản lý năng lượng quốc gia Trung Quốc đã ra tuyên bố chung, cảnh báo tới chính quyền tất cả các địa phương không được trợ cấp và ưu đãi thuế cho thuê đất đối với các công ty đang có kế hoạch xây dựng các TTDL mới bên ngoài các khu vực đã được chính phủ phê duyệt.
Dự án này khi hoàn thành sẽ đạt được nhiều mục tiêu quan trọng như: Cắt giảm được chi phí năng lượng, giảm bớt sự mất cân bằng nguồn cung của các TTDL trên cả nước, tối ưu hóa việc phân bổ các TTDL hiện tại và tăng cường tái định vị năng lực điện toán xuyên quốc gia,...
Trung Quốc cũng đang triển khai xây trung tâm dữ liệu thương mại dưới biển đầu tiên trên thế giới, dự kiến đến 2025 sẽ hoàn thành.
Cuối tháng 2 vừa qua, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản (CCCP) và Quốc vụ viện đã ban hành “Kế hoạch bố trí tổng thể cho việc xây dựng Trung Quốc kỹ thuật số” và đưa ra thông báo yêu cầu tất cả các khu vực và bộ nghiêm túc thực hiện kế hoạch đó theo đến tình hình thực tế.
Khuyến nghị đối với Việt Nam
Từ câu chuyện tham khảo của Trung Quốc, theo giới chuyên gia, để thúc đẩy luồng dữ liệu có trật tự theo quy định của pháp luật, phát huy vai trò quan trọng của dữ liệu lớn trong việc nâng cao năng lực hoạt động giải quyết các yêu cầu cấp thiết đặt ra của chính phủ, thì một số vấn đề cần lưu ý khi triển khai xây dựng “Trung tâm dữ liệu quốc gia” của Việt Nam như sau:
Cần xem xét thúc đẩy "một mạng quản lý thống nhất" sử dụng mô hình phân tích ứng dụng thuật toán dữ liệu lớn và hệ thống tín nhiệm xã hội (social credit) làm phương tiện để thúc đẩy nâng cao năng lực và trình độ quản trị xã hội thông qua hợp nhất dữ liệu để hỗ trợ ứng phó với các tình huống khẩn cấp, thực hiện phân tích cảnh báo rủi ro môi trường, giám sát, cảnh báo sớm thiên tai và cảnh báo các rủi ro tín dụng.
Cần tính toán đổi mới mô hình dịch vụ của chính phủ để nâng cao hiệu quả công việc; đồng thời, tất cả các khu vực, bộ phận cần khai thác triệt để tài nguyên dữ liệu lớn để thúc đẩy việc tối ưu hóa các phương thức xử lý không ngừng nâng cao hiệu quả công việc, như: Giải quyết các thủ tục hành chính, khấu trừ thuế đặc biệt, chuyển tiền liên ngân hàng, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo và mục tiêu tài chính toàn diện…
Trung tâm dữ liệu quốc gia (TTDLQG), nơi tập trung nhiều thành phần tài nguyên quan trọng, mật độ cao (hardware, software, data base…) để thực hiện chức năng lưu trữ, tính toán xử lý khai thác toàn bộ hệ thống tích hợp dữ liệu lớn với khả năng sẵn sàng và độ ổn định cao.
Do vậy, khi triển khai xây dựng TTDLQG cần chú ý việc lựa chọn địa điểm đặt TTDL khi lập dự án triển khai hạ tầng, đây là nơi quyết định mức độ an toàn về vật lý, giúp giảm thiểu rủi ro do các yếu tố khách quan mang lại, tăng mức độ an toàn và sẵn sàng của trung tâm dữ liệu.
Ngoài ra, cần lựa chọn mô hình kiến trúc, kết cấu hạ tầng công nghệ, không gian xây dựng và nguồn cung năng lượng để đáp ứng các yêu cầu đảm bảo về: An ninh, an toàn thông tin dữ liệu và tránh lạc hậu về công nghệ; tối ưu hoạt động kết nối và chia sẻ dữ liệu; mở rộng không gian phát triển khi có nhu cầu; tiếp cận được nguồn điện năng giá rẻ, dồi dào và phát thải carbon thấp.
Tại Việt Nam hiện nay, hầu hết các TTDL được xây dựng đặt tại 03 thành phố lớn (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng), trong đó chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nơi có mật độ dân cư đông đúc, tập trung nhiều công ty công nghệ và là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa lớn của cả nước.
Tuy nhiên, các cơ sở tính toán dữ liệu tại đây đã và đang phải đối mặt với các khó khăn thách thức về không gian lưu trữ, thiếu hụt nguồn cung năng lượng giá rẻ và công nghệ lưu trữ, xử lý tính toán bắt đầu lạc hậu. Để tận dụng, phát huy tối đa lợi thế địa lý, không gian phát triển, nguồn cung năng lượng sạch dồi dào, giá rẻ, khả năng cắt giảm phát thải carbon theo cam kết quốc tế tại COP26, v.v. trong xây dựng TTDLQG mới và di dời tập kết các TTDL đã xây dựng để thuận tiện cho công tác bảo vệ và quản lý tập trung, khu vực cực Nam Trung bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa) có thể tính toán là địa điểm lựa chọn lý tưởng.
Chính phủ cũng nên có biện pháp hỗ trợ, tạo động lực để các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu công nghệ cung cấp các giải pháp phần mềm và công cụ hỗ trợ trong việc lưu trữ, quản lý, tích hợp và phân tích dữ liệu như thiết lập và xây dựng hệ sinh thái, v.v. để tăng cường nâng cao năng lực xử lý dữ liệu thông qua mô hình phân tán.
Thêm vào đó, các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thu thập, lưu trữ, quản lý, chia sẻ, giao dịch, sử dụng dữ liệu làm nền tảng cho triển khai dịch vụ công trực tuyến và xử lý, giải quyết tranh chấp, cũng như các hành vi phạm pháp khác liên quan đến tính toàn vẹn và riêng tư của dữ liệu.