ACB đối mặt với tình hình nợ xấu tăng và nợ có khả năng mất vốn hơn 2.000 tỷ đồng
(PetroTimes) - Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đang đối mặt với tình hình tăng về nợ xấu và nợ có khả năng mất vốn. Tổng số nợ cho vay của ACB hiện đạt mức gần 409.000 tỷ đồng, trong đó, nợ có khả năng mất vốn lên tới trên 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu cũng đã tăng lên mức 0,97%, tăng 23 điểm cơ bản so với cùng kỳ.
Về kết quả kinh doanh của ACB trong quý I/2023, theo báo cáo tài chính, cho thấy sự tăng trưởng đáng kể. Tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 7.920 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ, và lợi nhuận sau thuế đạt 4.135 tỷ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế của ACB cũng tăng trên 25% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5.156 tỷ đồng, đạt 25,7% kế hoạch của ngân hàng trong năm 2023. Trong quý này, ACB cũng ghi nhận khoản thu nhập khác hơn 567 tỷ đồng.
Số tiền huy động của ACB trong quý I/2023 tăng nhẹ lên mức gần 473.000 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Trong đó, tiền gửi khách hàng chỉ tăng 2,1% so với cùng kỳ. ACB cũng tăng phát hành giấy tờ có giá (GTCG) trong quý I/2023 lên mức hơn 50.000 tỷ đồng, tăng trên 13% so với cùng kỳ và tăng trên 62% so với năm trước.
ACB đối mặt với tình hình nợ xấu tăng và nợ có khả năng mất vốn hơn 2.000 tỷ đồng/Ảnh minh họa///kinhtexaydung.gn-ix.net/ |
Theo kế hoạch năm 2023, ACB đặt mục tiêu tăng trưởng tiền gửi (bao gồm GTCG) ở mức 8,1%, tương đương 496.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tín dụng đã cho thấy sự giảm tốc trước ảnh hưởng từ tình hình vĩ mô trong và ngoài nước. Tổng dư nợ trong quý I/2023 giảm 0,6% so với thời điểm quý IV/2022, chủ yếu do sự suy giảm nhu cầu vay từ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ trước ảnh hưởng tiêu cực của tình hình vĩ mô trong và ngoài nước.
Các chỉ số tài chính khác của ACB cũng cho thấy xu hướng giảm. Tiền gửi không kỳ hạn trong ngân hàng (CASA) giảm từ mức 22,2% cuối năm 2022 xuống 20,1%. Tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động của ngân hàng (LDR) thuần cũng suy giảm xuống mức 87%, giảm so với mức trên 90% vào cuối năm 2022, chủ yếu do nhu cầu tín dụng yếu và ACB đã tăng huy động mạnh trong quý IV/2022.
Chỉ số chi phí thu nhập (CIR) trong quý I/2023 cũng giảm mạnh xuống gần 32% so với mức 40% của quý I/2022 và mức trên 51% của quý IV/2022. Năm 2022, ACB đã chi gần 1.000 tỷ đồng cho việc chuyển đổi số của ngân hàng.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của ACB cũng tăng. Cuối quý I/2023, chất lượng tài sản của ACB có sự suy giảm so với cuối năm 2022. NPL tăng lên mức 0,97%, tăng 23 điểm cơ bản so với cùng kỳ. Chi phí dự phòng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, ở mức 256 tỷ đồng trong năm 2022.
Về chất lượng các khoản nợ cho vay của ACB, tổng số lượng đang ở mức gần 409.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ đủ tiêu chuẩn là trên 400.000 tỷ đồng, nợ cần chú ý là trên 3.600 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn là gần 860 tỷ đồng, nợ nghi ngờ là gần 1.100 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn là trên 2.000 tỷ đồng. Các khoản này không bao gồm gần 2.500 tỷ đồng cho vay giao dịch ký quỹ của Công ty TNHH Chứng khoán ACB tính đến ngày 31/12/2022.
Huy Tùng