Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) còn nhiều quy định cần hoàn thiện
(PetroTimes) - Thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cân nhắc việc sửa đổi các giới hạn cấp tín dụng; đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng việc luật hóa các quy định của Nghị quyết số 42 về xử lý nợ xấu; cân nhắc thông qua dự án luật theo quy trình 3 kỳ họp do còn nhiều quy định cần hoàn thiện.
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội sáng 5/6 |
Sáng 5/6, Quốc hội đã nghe Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định: Dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, cơ bản phù hợp với các luật có liên quan. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát, cập nhật dự thảo Luật với quy định tại các luật liên quan, nhất là các luật sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, hạn chế tối đa mâu thuẫn, bất cập trong triển khai thực hiện quy định của Luật sau này; rà soát các FTA để bảo đảm sự tương thích với các cam kết, điều ước quốc tế.
Về ngân sách chính sách, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các nguyên tắc như mục tiêu, mô hình hoạt động, quản trị, điều hành, cơ chế quản lý tài chính, các chỉ tiêu an toàn vốn, tổ chức lại, giải thể... để Chính phủ có cơ sở quy định chi tiết; bổ sung, hoàn thiện các quy định theo hướng luật hóa các quy định đã được áp dụng ổn định, đã được kiểm nghiệm thực tiễn; rà soát các quy định tại các luật có liên quan, bảo đảm không vướng mắc và đủ căn cứ pháp lý khi triển khai thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Quốc hội |
Bên cạnh đó, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước; việc xử lý trong trường hợp khẩn cấp hoặc gặp khó khăn về thanh khoản. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, trong dài hạn, cần nghiên cứu xây dựng luật riêng điều chỉnh loại hình ngân hàng chính sách.
Đáng chú ý, về tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan tương ứng từ không được vượt quá 15% và 25% xuống còn 10% và 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; tương tự giảm từ 25% và 50% xuống còn 15% và 25% đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cân nhắc việc sửa đổi các giới hạn cấp tín dụng.
Về giới hạn cấp tín dụng, Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc việc sửa đổi các giới hạn cấp tín dụng, vì 5 lý do. Thứ nhất, việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự là kênh huy động vốn ổn định cho nền kinh tế và còn nhiều rủi ro. Thứ hai, có thể tác động tiêu cực đến thu hút FDI của Việt Nam do giảm khả năng vay trong nước. Thứ ba, việc mở rộng định nghĩa về người có liên quan đồng thời với việc thu hẹp tổng mức tín dụng được cấp cho một khách hàng và người có liên quan sẽ gây tác động bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng. Thứ tư, trường hợp vay hợp vốn hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ sẽ mất thêm nhiều thời gian, thủ tục hơn do giới hạn cấp tín dụng thu hẹp hơn so với Luật hiện hành. Thứ năm, thông lệ quốc tế đều quy định ở mức tỷ lệ cao hơn (khoảng 25%) so với quy định tại dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị trường hợp áp dụng quy định này cần có lộ trình cho các khoản vay và đối tượng đã vay vốn trước ngày Luật có hiệu lực để bảo đảm dòng vốn không bị dừng đột ngột, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, quy định tại dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở một số quy định tại Nghị quyết số 42 đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý nhằm xử lý nhanh nợ xấu, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, Nghị quyết số 42 là nghị quyết thí điểm được ban hành trong bối cảnh nợ xấu cao, phức tạp và tập trung trong một thời gian nhất định.
Vì vậy, việc luật hóa các quy định của Nghị quyết số 42 cần được đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng, đặt trong bối cảnh các quy định pháp luật hiện nay đã được hoàn thiện rõ ràng, đầy đủ hơn. Cần đánh giá tổng thể, khách quan bối cảnh hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với công tác xử lý nợ xấu, từ đó hoàn thiện các quy định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, tránh hành chính hóa quan hệ dân sự, kinh tế, bảo đảm hài hòa, công bằng với các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, kinh tế trên nguyên tắc chỉ luật hóa những nội dung phù hợp trong điều kiện bình thường.
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Quốc hội |
Về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ đề nghị tiếp tục rà soát quy định cụ thể hơn và thể hiện rõ mục đích của dự án Luật trong việc tăng cường chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu. Có ý kiến đề nghị bổ sung trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước bảo đảm an toàn hệ thống, trong đó có việc đánh giá và công khai xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức tín dụng.
Đồng thời, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị tiếp tục rà soát những điểm giao thoa giữa các luật trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, thể chế hóa trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan trong luật. Nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiến tới xây dựng hệ thống thanh tra, giám sát, độc lập và thống nhất đối với thị trường ngân hàng, tài chính, bảo hiểm bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả. Ngoài ra, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát việc thực hiện chế độ tài chính của các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện điều khoản chuyển tiếp; tiếp tục nghiên cứu, rà soát các điều, khoản quy định trong dự thảo Luật giao Chính phủ (6 điều, khoản), Thủ tướng Chính phủ (3 điều, khoản) và Ngân hàng nhà nước/Thống đốc Ngân hàng nhà nước (85 điều, khoản) quy định chi tiết để luật hóa tối đa các quy định của văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn; rà soát lại toàn bộ các quy định về điều kiện tại dự thảo Luật, bảo đảm phù hợp với thẩm quyền ban hành điều kiện đầu tư, kinh doanh quy định tại khoản 3 Điều 7 của Luật Đầu tư.
Ủy ban Kinh tế cho rằng còn nhiều nội dung trong thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như vấn đề về ngân hàng chính sách, tập đoàn tài chính, vấn đề luật hóa Nghị quyết số 42, vấn đề tài chính, hạch toán, báo cáo… đều là những vấn đề quan trọng, cốt lõi của dự án Luật nhưng còn chưa đủ cụ thể, chưa phù hợp cần phải tiếp tục được hoàn thiện.
Vì vậy, Ủy ban Kinh tế báo cáo Quốc hội xem xét, cân nhắc thông qua dự án luật theo quy trình 3 kỳ họp. Để bảo đảm tính toàn diện và khả thi của dự án Luật, Chính phủ tiếp thu, giải trình đầy đủ, thuyết phục ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ý kiến thẩm tra, tham gia thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của của Quốc hội và các ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ và Hội trường để tiếp tục hoàn thiện dự án luật này.
P.V