Vì sao Trung Quốc dừng kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi ở Biển Đông?
(PetroTimes) - Những nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển một nhà máy điện hạt nhân nổi từ hơn 10 năm nay.
Tuy nhiên, sau sự việc nổ hệ thống đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2, Trung Quốc đã quyết định hoãn dự án triển khai nhà máy điện hạt nhân nổi ở Biển Đông. Theo như tờ Bưu Điện Hoa Nam đưa tin, các nhà điều hành của Trung Quốc lo ngại nguy cơ xảy ra hành động phá hoại của Mỹ vào những nhà máy điện hạt nhân.
Được biết, dự án đã được chuẩn bị sẵn sàng cho việc xây dựng, nhưng chưa nhận được sự chấp thuận của chính quyền.
“Theo một nhà nghiên cứu về kỹ thuật môi trường biển ở Bắc Kinh – người này không tham gia vào dự án nhưng đã tham gia đánh giá những dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, chính phủ Trung Quốc xem vụ làm nổ đường ống Nord Stream của Nga như một lời cảnh báo”, theo tờ báo.
Như nhà nghiên cứu đã chỉ ra, không có quốc gia hay tổ chức nào nhận trách nhiệm phá hoại đường ống dẫn khí đốt, tuy nhiên, “nhiều người tin rằng Mỹ đứng sau chuyện này”. Nhà nghiên cứu nói: “Tấn công cơ sở hạ tầng cốt lõi của một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từng được xem là điều cấm kỵ. Giờ thì không còn nữa”.
Theo ông, Bắc Kinh đang sợ hãi về nguy cơ Mỹ tấn công vào cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc đánh chìm một nhà máy điện hạt nhân nổi có thể dẫn đến một thảm họa lớn hơn nhiều so với các vụ nổ ở Nord Stream. Ông nhấn mạnh rằng, làm rò rỉ chất phóng xạ sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho khu vực và làm ô nhiễm tài nguyên biển. Tờ báo Bưu Điện Hoa Nam viết thêm: “Mất đi một cơ sở như vậy, Bắc Kinh sẽ bị giáng một đòn nặng nề về tài chính”.
Nhà nghiên cứu lưu ý, một cuộc tấn công vào nhà máy điện hạt nhân trên đất liền sẽ bị Bắc Kinh và cộng đồng quốc tế xem là một lời tuyên chiến. Tuy nhiên, nếu xảy ra một cuộc tấn công bí mật nhằm vào một nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển, sẽ rất khó để quy trách nhiệm được cho bất kỳ một bên cụ thể nào.
Bảo vệ nhà máy điện hạt nhân nổi
Như tờ Bưu Điện Hoa Nam lưu ý, “để bảo vệ một nhà máy điện hạt nhân nổi khỏi” những mối đe doạ như “thợ lặn, tàu thuyền, vật thể nổi hoặc vật thể trên không”, Trung Quốc cần có một hệ thống tàu biển bảo vệ an ninh toàn diện”. Tờ báo chỉ ra rằng, việc triển khai tàu quân sự để bảo vệ những giàn khoan nổi có thể làm gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng.
Giới thiệu dự án
Từ 10 năm nay, Trung Quốc đã phát triển dự án nhà máy điện hạt nhân nổi, nhằm cung cấp điện cho những cơ sở dân sự và quân sự ở Biển Đông. Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) và Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc phụ trách dự án này. Theo thông báo, dự án đã được chuẩn bị sẵn sàng cho việc xây dựng, nhưng chưa nhận được sự chấp thuận của chính quyền.
Theo ước tính ban đầu, hoạt động xây dựng một nhà máy điện nổi và kéo cơ sở ra Biển Đông sẽ cần ít thời gian và nguồn lực hơn so với việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trên đất liền trên một đảo. Ngoài ra, đặt lò phản ứng lên trên một bệ nổi giúp bảo vệ lò hiệu quả hơn trước những hoạt động địa chấn.
Ngọc Duyên