Vì sao doanh nghiệp của bạn “chậm lớn”?
Phát triển bền vững và mở rộng ở tất cả các quy mô luôn là mục tiêu quan trọng và yếu tố sống còn của các chủ doanh nghiệp, tuy nhiên, nhiều đơn vị gặp khó khăn trong việc tăng trưởng và “chậm lớn”.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự “chậm lớn” của doanh nghiệp đó là thiếu chiến lược phát triển rõ ràng. Đôi khi các chủ doanh nghiệp chỉ tập trung làm thế nào để duy trì hoạt động hiện tại, nóng vội trong cách thực hiện mà quên đi việc xác định mục tiêu dài hạn và lập kế hoạch phát triển.
Loại trừ nguyên nhân là các chủ doanh nghiệp chưa đủ năng lực để thực hiên việc này một cách có chuyên môn và có tầm nhìn. Điều này có thể dẫn đến sự mất hướng và thiếu sự định hình chiến lược, khiến doanh nghiệp không thể tiến xa hơn.
Để khắc phục điều này, chủ doanh nghiệp cần xem xét và xác định lại chiến lược dựa trên mục tiêu, tầm nhìn và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Đồng thời cần thiết lập các chỉ số đo lường, chia nhỏ mục tiêu, đánh giá kết quả thực hiện từng giai đoạn. Việc này giúp thúc đẩy doanh nghiệp đi đúng hướng.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự “chậm lớn” của doanh nghiệp đó là thiếu chiến lược phát triển rõ ràng. (Ảnh minh họa) |
Quản lý kém hiệu quả và thiếu năng lực lãnh đạo là nguyên nhân thứ hai tác động trực tiếp đến “nổi đau” này. Nếu không có một hệ thống quản lý chặt chẽ, việc phối hợp công việc, phân chia trách nhiệm và theo dõi tiến độ sẽ trở nên khó khăn. Sự thiếu rõ ràng về vai trò , trách nhiệm của từng cá nhân trong tập thể, sẽ khiến cho nội bộ phát sinh những mâu thuẫn, gây mất động lực và sự chậm trễ trong việc ra quyết định quan trọng.
Giải pháp cho vấn đề này là gì?
Cần thiết lập một hệ thống quản lý rõ ràng và có cấu trúc để đảm bảo sự phối hợp và phân chia trách nhiệm trong công việc. Bao gồm việc xác định rõ vai trò va trách nhiệm của từng thành viên trong tổ chức và đảm bảo rằng mọi người đều hiểu đúng và thực thực hiện đúng.
Nếu đã xem xét đến hai yếu tố trên, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến việc đào tạo và phát triển nhân viên. Cung cấp cho nhân viên các khóa đào tạo về kỹ năng quản lý, lãnh đạo và giao tiếp sẽ giúp họ nắm bắt được các nguyên tắc quản lý hiệu quả và áp dụng chúng một cách hiệu quả trong công việc hàng ngày. Điều này là yếu tố rất quan trọng để nâng cao năng lực làm việc và hiệu suất công việc.
Không thể bỏ qua việc thiết lập hệ thống các văn bản hướng dẫn công việc, quy trình làm việc thật rõ ràng và minh bạch cho các hoạt động của doanh nghiệp. Điều này không chỉ giúp đảm bảo sự nhất quán, tuân thủ và giảm thiểu sai sót trong quá trình làm việc mà còn là tài liệu đào tạo hướng dẫn nhân viên hội nhập, nắm bắt công việc nhanh và hiệu quả hơn rất nhiều lần.
Để tối ưu hóa quá trình làm việc và tăng cường hiệu suất, tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại, cung cấp thông tin phân tích để ra quyết định dựa trên dữ liệu chính xác và nhanh chóng, thì việc áp dụng công nghệ thông tin và phần mềm quản lý trong doanh nghiệp là điều cần thiết phải làm.
Doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến việc đào tạo và phát triển nhân viên. (Ảnh minh họa) |
Về văn hóa doanh nghiệp thì sao? Các doanh nghiệp thường bỏ qua yếu tố rất quan trọng này để rồi phải nhận về cái kết khá “đắng”. Xây dựng văn hóa công ty tốt, khuyến khích sự đoàn kết, sáng tạo và tận hưởng sự phát triển của doanh nghiệp, tận hưởng thành quả mà tập thể cùng chung tay tạo ra. Văn hóa doanh nghiệp chính là nét cá tính riêng giúp doanh nghiệp không hoa lẫn với ai khác.
Doanh nghiệp có văn hóa tốt khiến ai cũng muốn được trở thành một phần trong đó. Để làm được điều này không dễ dàng, nó phản ánh được năng lực, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức. Vì không dễ dàng nên nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vẫn loay hoay, định hình nét riêng cho doanh nghiệp mình mà không biết phải bắt đầu từ đâu.
Trong bối cảnh kinh doanh phức tạp và cạnh tranh khốc liệt như hiện tại, việc các doanh nghiệp nên “chậm lại” để đi nhanh hơn có vẻ là một lời khuyên không hợp lý. Tuy nhiên, câu trả lời hãy để cho các doanh nghiệp tự quyết định.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Mệnh lệnh tăng trưởng! |
Bản lĩnh người Dầu khí – Bản lĩnh Petrovietnam |