Lạc quan với sức phục hồi của kinh tế Việt Nam
Mặc dù tình hình sản xuất của nhiều ngành công nghiệp giảm sút, xuất khẩu giảm mạnh, nhiều tổ chức tài chính, kinh tế thế giới đưa ra dự báo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 nhưng tình hình thực tế vẫn có nhiều điểm sáng tích cực trong bức tranh chung của nền kinh tế.
Mặc dù trong 4 tháng đầu năm có cả dịp nghỉ Tết Nguyên đán khá dài ngày nhưng đánh giá chung sức mua không cao, sản xuất vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Mặt khác, các chính sách hỗ trợ về tín dụng, lãi suất, giảm thuế, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp đi vào thực thi nhưng sẽ có những độ trễ nhất định. Sự hồi phục chậm của thị trường bất động sản, giải ngân vốn đầu tư thấp sẽ tác động đến tiêu thụ của một số ngành sản xuất có liên quan.
Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc cũng như các nước khác trong 4 tháng đầu năm đều tăng vọt. |
Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu tích cực như: Một số khu vực kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ tăng trưởng cao hơn dự báo; Một số nền kinh tế đang nổi tại châu Á như Ấn Độ, ASEAN tăng trưởng khả quan. Mặt khác, với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, các chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ DN của nhà nước phát huy tác dụng trong việc phục hồi các hoạt động sản xuất. Đặc biệt, là chỉ số sản xuất công nghiệp xu hướng tăng dần qua các tháng là những yếu tố dự báo tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu trong thời gian tới sẽ khả quan hơn.
Trước tình trạng bức thiết phải tăng cường các giải pháp thúc đẩy sản xuất, phục hồi kinh tế, Bộ Công Thương đã khẩn trương đưa ra kế hoạch và yêu cầu các sở Công Thương, các tỉnh thành phố phối hợp tập trung triển khai trong thời gian tới.
Theo đó, với phát triển thị trường ngoài nước, cần tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động XTTM hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (Asean). Quyết liệt đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia; thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunay). Đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Mặt khác, đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA. Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục tổ chức các hội nghị giao ban định kỳ hằng tháng giữa các cơ quan của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, cũng như các quy định mới của thị trường.
Bộ Công Thương xác định, phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước là trụ đỡ khi thị trường bên ngoài gặp khó khăn. Từ đó, cần phải tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; Triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua: Kích thích tiêu dùng; Tăng chi tiêu của Chính phủ; Đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử;
Cần chú ý hơn nữa đến Chương trình đẩy mạnh đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Về việc thúc đẩy phát triển sản xuất, cần các sở Công Thương, tình thành phố bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực. Tổ chức làm việc với một số ngành, địa phương trọng điểm về công nghiệp theo phân công của Chính phủ để kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất. Tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và DN lớn toàn cầu.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vốn Nhà nước phục hồi, phát triển sản xuất thông qua các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ tháo gỡ khó khăn về vốn, tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng để doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi và phát triển.
Tùng Dương
Động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế |
Trung Quốc lạc quan vào đà phục hồi kinh tế |
ADB: Hỗ trợ 20,5 tỷ USD công tác phục hồi sau đại dịch COVID-19 |
Tìm cách vực dậy các ngành sản xuất ở phía Nam |