Quy định của Luật Đấu thầu (sửa đổi) phải chặt chẽ, khả thi - khắc phục triệt để bất cập của luật hiện hành
Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4. Hiện nay, cơ quan chủ trì thẩm tra đang tích cực phối hợp cùng cơ quan soạn thảo giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật đảm bảo chặt chẽ, khả thi trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 tới đây.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV |
Luật Đấu thầu năm 2013 cùng với các Luật có liên quan đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của nhà nước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua cho thấy, một số quy định của Luật hiện hành đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 05 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, gồm 10 Chương, 98 Điều. So với Luật Đấu thầu năm 2013, Luật này đã sửa đổi 75 điều, bổ sung mới 21 điều, giữ nguyên 02 điều, bãi bỏ 12 điều.
Dự án Luật đã nhận được 180 lượt ý kiến phát biểu tại 19 Tổ đại biểu Quốc hội và 18 lượt ý kiến phát biểu tại Hội trường. Báo cáo Tổng hợp ý kiến cho thấy, hầu hết ý kiến đều tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức; cắt bỏ một số thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt ở cấp trung gian không cần thiết; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân định rõ trách nhiệm trong đấu thầu; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước; …
Ngoài ra, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội cũng đóng góp trực tiếp, toàn diện vào các nội dung tại Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) như: Đối tượng, phạm vi điều chỉnh; Áp dụng luật; Giải thích từ ngữ; Tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư; Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu; Ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu; Hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu;…
Quốc hội tiến hành thảo luận Phiên toàn thể tại Hội trường về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) |
Hiện nay, cơ quan chủ trì thẩm tra đang tích cực phối hợp cùng cơ quan soạn thảo giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 tới đây. Dự thảo tiếp tục nhận được sự quan tâm góp ý từ các chuyên gia, người hoạt động thực tiễn,… nhằm đảm bảo các quy định được chặt chẽ, khả thi sau khi được ban hành.
Quan tâm tới Dự luật, từ kinh nghiệm thực hiện tổ chức lựa chọn nhà thầu, Trưởng ban Quản lý dự án 8, Bộ Giao thông vận tải Đào Văn Bình góp ý nhiều nội dung cụ thể trong quy định tại Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) liên quan đến: Phạm vi điều chỉnh đối với dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu,… Cụ thể:
Về phạm vi điều chỉnh đối với dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước: Để đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đồng thời doanh nghiệp vẫn có quyền tự chủ để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh thì nên quy định ngoài các dự án đầu tư phát triển thì phạm vi của Luật áp dụng với các dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp có vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.
Nội dung trên sẽ giúp việc quản lý tốt phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp tuy nhiên với yêu cầu thực tiễn thì với đối với “ Vốn của doanh nghiệp có vốn nhà nước và vốn của doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước” thì còn phải phụ thuộc vào tỷ trọng số vốn nhà nước góp trong tổng vốn của doanh nghiệp nếu quá nhỏ, không đủ lớn sẽ làm mất đi sự chủ động, linh hoạt và quyền tự quyết định chịu trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp trong việc thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp để cạnh tranh với thị trường. Ví dụ như doanh nghiệp có vốn nhà nước hoặc vốn của doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 5-10% tỷ trọng của tổng nguồn vốn doanh nghiệp nhưng lại yêu cầu người chủ doanh nghiệp vẫn tiến hành việc thực hiện lựa chọn nhà thầu của dự án theo quy định của Luật này sẽ không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Do đó, đề xuất xem xét nêu rõ về số vốn của nhà nước đối của doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước đóng góp trong tổng mức đầu tư của dự án chiếm tỷ trọng 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng.
Về cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu: Đề xuất nên bổ sung quy định tăng cường thêm trách nhiệm của người có thẩm quyền, trong trường hợp chủ đầu tư và Bên mời thầu không giải quyết được kiến nghị thì yêu cầu người có thẩm quyền thành lập tổ chuyên trách cho từng vụ việc với các thành viên có chuyên môn nhưng không liên quan đến thân nhân của các bên liên quan để ra quyết định được minh bạch.
Về áp dụng Luật đấu thầu, điều ước quốc tế, thỏa thuận giữa Việt Nam và nhà tài trợ: Trường hợp nhà tài trợ nước ngoài yêu cầu phải ký hợp đồng trước khi điều ước quốc tế, thỏa thuận vay được ký kết thì thực hiện theo yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài.
Đây là nội dung sẽ giúp việc triển khai các dự án sử dụng nguồn vốn tài trợ, vốn vay nước ngoài được giải quyết nút thắt để triển khai nhanh hơn vì thực tế hiện nay yêu cầu phải ký kết xong hiệp định, thỏa thuận vay mới được triển khai các công việc tiếp theo trong công tác lựa chọn nhà thầu đặc biệt và với công tác thuê tư vấn, chuyên gia trong bước chuẩn bị đầu tư dự án. Tuy nhiên, cần có quy định, hướng dẫn thêm việc trong trường hợp ký kết hợp đồng trước phải có quy định cụ thể về nguồn kinh phí thực hiện lấy từ đầu để đảm bảo lợi ích của các bên liên quan tránh kiện tụng, tranh chấp trong trường hợp điều ước, hiệp định, thỏa thuận vay không được ký kết như dự kiến.
Về thông tin về đấu thầu: Theo nội dung tại khoản 1 và khoản 2 Điều 7 thì tất cả đã được triển khai thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đồng thời được biết theo hệ thống mới thì sẽ phân cấp, phân quyền rõ cho các bên liên quan như Chủ đầu tư, Bên mời thầu, Nhà thầu. Do đó, kiến nghị chỉ cần đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc giá và khuyến khích đăng tải trên các phương tiện đại chúng khác. Báo đấu thầu là cơ quan của Bộ Kế hoạch - Đầu tư nên kiến nghị Bộ cho phép tự động trích xuất một số thông tin cần thiết để giảm thiểu bớt các nội dung chồng chéo trong việc cung cấp thông tin.
Về chỉ định thầu: Các nội dung bổ sung nêu tại Dự thảo đối với hình thức lựa chọn nhà thầu theo phương thức chỉ định thầu là rất cần thiết nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, tính thiếu cạnh tranh, công bằng và minh bạch trong công tác lựa chọn nhà thầu. Do đó, cần khuyến cáo cơ quan có thẩm quyền giám sát chặt chẽ Chủ đầu tư, Bên mời thầu trong việc tổ chức lựa chọn nhà thầu. Đồng thời, có đầy đủ căn cứ, tài liệu xác thực sự cần thiết, đầy đủ nội dung theo yêu cầu để đáp ứng yêu cầu áp dụng hình thức này.
Về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp: Nội dung này quan trọng và sẽ giúp giảm thiểu, loại bỏ việc lựa chọn các nhà thầu chất lượng thấp, thiếu năng lực kinh nghiệm nhưng bỏ giá dự thầu thấp để trúng thầu. Tuy nhiên, thực hiện hợp đồng không đảm bảo tiến độ, chất lượng nhưng những gói thầu sau vẫn lặp lại làm ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện gói thầu, dự án của Chủ đầu tư làm chậm việc phát triển đất nước nói chung.
Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội
Thu hẹp phạm vi đấu thầu sẽ tạo tính chủ động hơn cho DNNN Góp ý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng nên cân nhắc chỉ giới hạn mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với công ty con sở hữu 100% vốn doanh nghiệp Nhà nước, không nên mở rộng đối tượng đối với công ty con sở hữu trên 50% vốn doanh nghiệp Nhà nước. |