Tín hiệu xấu của Trung Quốc cho nền kinh tế toàn cầu
Nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 4 cho thấy nhu cầu trong và ngoài nước còn yếu và gây áp lực lớn lên sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Theo số liệu từ Cục hải quan Trung Quốc, giá trị nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này tệ hơn nhiều so với mức giảm 1,4% trong tháng 3.
Quý I/2023, kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng 4,5%, cao hơn nhiều so với mức kỳ vọng nhờ tiêu dùng dịch vụ khởi sắc. Tuy nhiên, sản lượng công nghiệp lại giảm mạnh cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới còn một chặng đường dài để lấy lại đà tăng trưởng như trước đại dịch. Xuất khẩu chỉ tăng 8,5%, giảm mạnh so với mức tăng 14,8% trong tháng 3.
"Đầu năm, nhiều người tin rằng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc năm nay sẽ dễ dàng vượt mức năm 2022 sau khi mở cửa trở lại. Nhưng thực tế không phải vậy", Xu Tianchen, chuyên gia Economist Intelligence Unit - một đơn vị chuyên nghiên cứu về kinh tế của tờ Economist - nhận định. "Dù Trung Quốc hồi phục sau Covid rất nhanh và mạnh nhưng thế giới lại không như vậy", ông nói thêm.
Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo về môi trường bên ngoài "phức tạp" và "khó khăn" do rủi ro suy thoái kinh tế tăng lên tại nhiều đối tác thương mại quan trọng.
Việc dòng chảy thương mại giảm mạnh trong tháng 4 làm gia tăng lo ngại về nhu cầu bên ngoài và rủi ro với nền kinh tế thứ hai thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh đà phục hồi tại Trung Quốc vẫn mong manh khi cả xuất khẩu và nhập khẩu đều chịu ảnh hưởng từ các biện pháp chống dịch.
"Khi triển vọng về nhu cầu bên ngoài ảm đạm, chúng tôi cho rằng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ còn giảm mạnh hơn trước khi chạm đáy cuối năm nay", Zichun Huang, chuyên gia tại Capital Economics - đơn vị độc lập có trụ sở tại London (Anh) - nhận xét.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc qua các tháng so với cùng kỳ (Ảnh: Reuters). |
Nhập khẩu của Trung Quốc giảm cho thấy kinh tế thế giới khó có thể dựa vào nước này như một đầu tàu tăng trưởng trong năm nay. Các nhà phân tích cho rằng chiến dịch thắt chặt tiền tệ và khủng hoảng ngân hàng vẫn đang là những yếu tố gây lo ngại cho triển vọng phục hồi của Trung Quốc và toàn cầu.
Xuất khẩu từ Trung Quốc sang Đông Nam Á chỉ tăng 4,5% trong tháng 4, trong khi mức tăng của tháng 3 lên đến 35,4%. Mặc dù khu vực này hiện là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc.
Chỉ số giá sản xuất (PMI) tháng 4 của Trung Quốc cũng cho thấy các đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh gây thách thức với kỳ vọng hồi phục của các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp.
GDP quý I/2023 của Trung Quốc tăng 4,5%, vượt dự báo của giới phân tích. Tuy nhiên, thị trường bất động sản yếu đi, giá cả tăng chậm lại và tiền tiết kiệm trong ngân hàng tăng mạnh đang gây lo ngại về nhu cầu nội địa.
Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường một loạt các biện pháp hỗ trợ chính sách, hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP khiêm tốn khoảng 5% cho năm nay.
"Nền kinh tế toàn cầu đang xấu đi và khiến lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc cũng sẽ suy yếu theo", bà Iris Pang, chuyên gia tại ngân hàng ING nhận định. "Nhiều khả năng, Chính phủ Trung Quốc sẽ phải hỗ trợ thị trường lao động, phục hồi sản xuất bằng các biện pháp tài khóa".
Theo Dân trí
Cháy rừng buộc sơ tán ở Canada, làm giảm sản lượng dầu khí |
Học phí của top trường đại học thuộc khối kinh tế |
Tin tức kinh tế ngày 9/5: Kim ngạch thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ sụt giảm |