Kinh nghiệm thu hút FDI tại Bắc Ninh: “Cải thiện môi trường đầu tư không có điểm dừng”
Một lý do khiến Bắc Ninh hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài đó là, xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính “không có điểm dừng".
FDI thúc đẩy phát triển công nghiệp và xuất khẩu tỉnh Bắc Ninh
Theo thông tin Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đưa ra tại Hội nghị Thủ tướng gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra đây, trong năm 2022, tỉnh Bắc Ninh thu hút được 2,22 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đứng thứ 4 toàn quốc. Riêng 4 tháng đầu năm 2023, Bắc Ninh thu hút được 667 triệu USD vốn FDI.
Như vậy, luỹ kế đến tháng 4/2023, toàn tỉnh Bắc Ninh đã thu hút được 1.878 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đạt gần 24 tỷ USD, đứng thứ 7 cả nước về quy mô vốn đầu tư thu hút. Đặc biệt hơn, các dự án FDI đầu tư tại Bắc Ninh có sự xuất hiện của các tập đoàn lớn như: Samsung, Canon, Công ty Amkor, VSIP, Geotek…
Samsung là một trong nhiều tập đoàn toàn cầu đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh |
Các dự án FDI tại Bắc Ninh chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 70% số dự án, với số vốn đầu tư trên 20 tỷ USD, chiếm khoảng 85% tổng vốn FDI toàn tỉnh.
Đại diện UBND tỉnh Bắc Ninh đánh giá, thu hút đầu tư nước ngoài đã đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Ninh: Tính riêng năm 2022, khu vực FDI đã bổ sung vốn đầu tư phát triển, chiếm 48,48%, đóng góp ngân sách 34,4%.
Về xuất khẩu, khu vực FDI chiếm trên 99% cả tỉnh và hơn 12% so với xuất khẩu cả nước, giải quyết việc làm cho trên 40% lực lượng lao động và lao động đang làm việc của tỉnh. Tỉnh Bắc Ninh cũng đánh giá khu vực FDI đã góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu ngành, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn.
Để đạt được kết quả tích cực nêu trên, thời gian qua tỉnh Bắc Ninh đặc biệt chú trọng hỗ trợ đầu tư, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, cấp ủy và chính quyền tỉnh Bắc Ninh luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp; hỗ trợ, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thẩm quyền và đề xuất ngay với trung ương tháo gỡ những nội dung vượt thẩm quyền.
Phát huy hiệu quả các mô hình: Tổ hỗ trợ doanh nghiệp, tổ phản ứng nhanh “3 nhất”, mô hình bác sĩ doanh nghiệp... Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, xử lý, giải quyết các khó khăn, kiến nghị cho doanh nghiệp trên các nền tảng: Zalo, website cổng thông tin điện tử tỉnh, email... với thông điệp xuyên suốt: “Bắc Ninh luôn sẵn sàng cùng doanh nghiệp”: Sẵn sàng mặt bằng, sẵn sàng nhân lực, sẵn sàng cải cách, sẵn sàng hỗ trợ.
Tỉnh Bắc Ninh cũng quan tâm đặc biệt công tác quy hoạch, xác định công tác quy hoạch đi trước một bước, có tính chất "mở đường", dẫn dắt, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án lớn như: Samsung, Canon, Amkor, Geotek…
Tập trung, bố trí nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư. Tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để sớm tạo mặt bằng sạch thu hút các nhà đầu tư.
Nhờ đó, năm 2022, chất lượng cơ sở hạ tầng của Bắc Ninh đứng thứ 8 cả nước, chỉ số này dựa trên 4 yếu tố đánh giá: Khu công nghiệp, đường bộ, điện năng, viễn thông và cơ sở hạ tầng khác.
Bắc Ninh nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư |
Rà soát khó khăn, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư
Với mong muốn tiếp tục thu hút tốt các dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh cũng đưa ra kiến nghị với Chính phủ 3 nội dung, bao gồm: Thứ nhất, rà soát các khó khăn, bất cập, mâu thuẫn giữa các Luật Đầu tư, Luật Đất đai... để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ thực hiện, sớm triển khai dự án.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo, giải quyết các đề xuất của tỉnh Bắc Ninh, các đề xuất của doanh nghiệp FDI, điển hình là Công ty Samsung về nội dung ưu đãi thuế; Công ty Amkor về nội dung phòng cháy chữa cháy; về nội dung thuế suất tối thiểu toàn cầu… tạo thuận lợi cho các công ty này tiếp tục mở rộng sản xuất tại Bắc Ninh.
Thứ ba, Hiện nay, Bắc Ninh đang triển khai các Khu công nghiệp tập trung mới thành lập, làm cơ sở thu hút các dự án FDI quy mô lớn. Trên cơ sở đó, tỉnh Bắc Ninh đề xuất Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xem xét, phân bổ bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất khu, cụm công nghiệp và chỉ tiêu đất hạ tầng trong kế hoạch sử dụng đất của tỉnh Bắc Ninh, đề xuất giao chỉ tiêu đến năm 2025, đất khu, cụm công nghiệp là: 6.000 ha.
Đặc biệt, để tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có những tập đoàn lớn, tỉnh Bắc Ninh cho biết vẫn tiếp tục xác định quan điểm, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, thủ tục hành chính – “là không có điểm dừng”, theo hướng “hỗ trợ và phục vụ”, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp hoạt động.
Lũy kế đến tháng 4/2023, toàn tỉnh Bắc Ninh đã thu hút được 1.878 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đạt gần 24 tỷ USD, đứng thứ 7 cả nước về quy mô vốn đầu tư thu hút. |
Theo Báo Công Thương
Thu hút FDI của Hà Nội tăng trưởng đột phá, dẫn đầu cả nước trong 4 tháng đầu năm 2023 Trong 4 tháng đầu năm 2023, thu hút FDI của Thành phố Hà Nội tăng trưởng đột phá với kết quả đứng đầu toàn quốc. |