Người mua nhà ở xã hội chùn tay với lãi suất gói 120.000 tỷ đồng?
Dù đánh giá cao gói 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, lãi suất 8,2%/năm vẫn quá cao so với khả năng chi trả người mua xã hội.
Gói tín dụng 120.000 tỷ phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp |
Sắp có văn bản chính thức về việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng |
Lãi suất ở mức cao…
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ chính thức được 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước triển khai.
Dù đánh giá cao gói 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, với người mua nhà ở xã hội, lãi suất 8,2%/năm vẫn quá cao so với khả năng chi trả.
Hơn nữa, với lãi suất cho vay đối với nhà ở xã hội thấp hơn 1,5-2%/năm lãi suất cho vay trung, dài hạn và thay đổi 6 tháng một lần, người vay mua nhà sẽ gặp nhiều rủi ro nếu lãi suất thương mại tăng, chưa kể thời gian ưu đãi quá ngắn, chỉ kéo dài 5 năm.
Nhà ở xã hội tại khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) (Ảnh: Hà Phong). |
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - cho biết, lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi trên đối với người mua nhà ở xã hội vẫn rất cao nếu so với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm áp dụng cho năm 2023 đối với người mua nhà ở xã hội.
Đồng thời, theo ông Châu, với quy định "áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 5 năm" và "lãi suất cho vay khi hết thời gian ưu đãi" thì "ngân hàng thương mại và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất" có thể dẫn đến "rủi ro" cho người vay vốn.
"Để mua nhà ở xã hội là bên yếu thế khi phải thương lượng, thỏa thuận với ngân hàng thương mại và nhất là do "thời gian ưu đãi là 5 năm" là quá ngắn, không phù hợp với bản chất của chính sách tín dụng ưu đãi về nhà ở xã hội là cần được vay với lãi suất thấp và trong thời hạn dài mà Luật Nhà ở 2014 đã quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm", ông Châu nêu.
Chủ tịch HoREA nhận thấy, nhiều khả năng sau khi hết thời gian ưu đãi thì người mua nhà ở xã hội phải vay với lãi suất thương mại bình thường thì đây sẽ càng là "gánh nặng" cho người vay là đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động, nên Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét để xây dựng hoàn thiện cơ chế này cho hợp tình hợp lý hơn.
Do đó, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu đề xuất gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng (bằng khoảng 30% nhu cầu nguồn vốn để thực hiện Chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030) theo cơ chế "tái cấp vốn, cấp bù lãi suất" để cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay với lãi suất ưu đãi khoảng 4,8-5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm.
Bên cạnh đó, hiện nay, HoREA được biết, trong năm 2023 Ngân hàng chính sách xã hội đang còn nguồn vốn tín dụng ưu đãi hơn 11.000 tỷ đồng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội vay với lãi suất ưu đãi 5%/năm (áp dụng cho năm 2023) trong thời hạn tối đa 25 năm nhưng chưa giải ngân được do thiếu nguồn cung nhà ở xã hội trên thị trường.
Để tránh "lãng phí" và sử dụng thật hiệu quả nguồn vốn này, HoREA đề nghị các địa phương khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội để sớm triển khai thực hiện, để sớm cung ứng được nhiều sản phẩm nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn của người dân.
Người mua nhà ở xã hội "chùn tay"
Thị trường bất động sản đang xuất hiện tình trạng lệch pha cung cầu. Điều này kéo theo hệ quả là sức cầu thị trường, khiến nhu cầu hiện chỉ bằng 20-30% cùng kỳ năm trước ở hầu hết các phân khúc.
Chưa kể, người mua mất lòng tin ở một số chủ đầu tư do không thực hiện đúng cam kết về tiến độ, pháp lý dự án. Đồng thời, với người muốn mua nhà, lãi suất ở mức cao cũng khiến động lực suy giảm.
Chị Nguyễn Thị Nhàn (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chị là đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Nhưng chị vẫn lo lắng vấn đề liên quan tới lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
"Với thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng, trừ chi phí sinh hoạt gia đình và đóng học cho 2 đứa con, mỗi tháng tôi chỉ dư khoảng 3 triệu đồng. Lãi suất 8,2/năm từ khoản vay 500 triệu đồng là điều khiến tôi không thể mua được nhà ở xã hội", chị Nhàn nói.
Thực tế, những người đủ điều kiện mua nhà ở xã hội theo quy định là thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng. Do đó, với lãi suất trên của gói 120.000 tỷ đồng, chắc chắn việc vay gói tín dụng trên là điều khó khăn của người mua.
Ông Võ Hồng Thắng - Phó giám đốc Nghiên cứu & Phát triển DKRA Việt Nam -cho rằng, thị trường bất động sản đang đối diện 4 thách thức tới từ vĩ mô - chính trị, chính sách pháp lý, thị trường vốn, khó khăn thị trường bất động sản.
Room tín dụng ngân hàng hiện đã tăng nhưng đứng ở góc độ doanh nghiệp thì điều kiện tiếp cận vốn rất khó. Đặc biệt, lãi suất cho vay dù có xu hướng giảm nhưng hiện vẫn dao động 11-15% cho khoản vay trung - dài hạn.
Theo ông Thắng, khó khăn của thị trường xuất phát từ nguồn cung, sức cầu, mặt bằng giá và tâm lý. Hiện nguồn cung rất khan hiếm trên thị trường, chỉ bằng khoảng 10% so với giai đoạn trước. Riêng với căn hộ hạng C (bình dân) tại TPHCM, 3 năm rồi không có dự án nhà ở thương mại có giá 35 triệu đồng/m2. Mức giá thấp nhất phải tầm 40 triệu đồng/m2.
Còn theo một giám đốc doanh nghiệp, khách hàng đã tích lũy được một phần tiền mua nhà, phần còn lại dự định mua trả góp, nhưng không dám vay vì lãi suất phổ biến tại các ngân hàng thương mại hiện nay khoảng 14%/năm. Mức này quá cao nên người mua "chùn tay".
Thông tin giảm lãi suất thời gian qua thực chất chỉ có tác dụng lớn về tâm lý nhưng chưa đi vào cuộc sống. Chi phí lãi vay lớn khiến người dân phải gác việc mua nhà một phần do công việc bị ảnh hưởng, thu nhập bị giảm sút khi kinh tế khó khăn, nhưng phần lớn là do lãi suất vượt khả năng chi trả.
Theo Dân trí