Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Nghị quyết số 22-NQ/TW giúp Việt Nam "gặt hái" những thành tựu đáng kinh ngạc
Nhìn lại những “trái ngọt” của chặng đường 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, Nghị quyết đã giúp Việt Nam gặt hái những thành tựu đáng kinh ngạc, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan |
Trải qua 10 năm triển khai, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Nghị quyết không chỉ mở ra con đường rất rộng lớn cho các bộ, ngành, cơ quan, các tổ chức cũng như người dân Việt Nam tham gia rộng rãi vào công cuộc hội nhập quốc tế của nước nhà mà còn mở ra thời kỳ mới tiếp bước những thành công của giai đoạn Đổi mới với dấu mốc gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995 và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007.
Nhân tố chủ động, tích cực
Trước khi có Nghị quyết số 22-NQ/TW, dù hướng tới mở cửa dần dần nhưng quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam vẫn gặp nhiều gian nan, thử thách để tạo lòng tin nơi cộng đồng quốc tế, thuyết phục các nước thừa nhận và “sẵn sàng chìa tay ra” với Việt Nam.
Với sự ra đời của Nghị quyết, quá trình hội nhập được mở rộng trên các tất cả lĩnh vực, đặc biệt là hội nhập kinh tế, thương mại có nền tảng để phát triển rất mạnh. Có thể nói, chưa bao giờ Việt Nam có được nhiều thành tựu về kinh tế quốc tế như thời kỳ 10 năm vừa qua. Sau khi gia nhập WTO, đánh dấu cột mốc Việt Nam chính thức hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu theo chiều rộng, bắt đầu đi vào chiều sâu hơn là đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới trong khuôn khổ hợp tác đa phương, với các khu vực khác nhau và các kênh hợp tác song phương với các đối tác kinh tế quan trọng.
Nhìn lại chặng đường một thập kỷ triển khai Nghị quyết, bà Phạm Chi Lan cho biết, bà cảm thấy rất kinh ngạc “và nếu cách đây 10 năm có lẽ chúng ta có thể khó hình dung được bức tranh hội nhập sâu rộng như vậy”.
Theo bà Phạm Chi Lan, Việt Nam luôn là một nhân tố tích cực trong đàm phán các thỏa thuận thương mại, FTA thế hệ mới. Việt Nam đã có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với hầu hết các nền kinh tế quan trọng nhất trên thế giới; tham gia hội nhập với những khu vực kinh tế quan trọng hàng đầu. Sự chủ động và tích cực của Việt Nam được thể hiện ngay từ thời điểm ban đầu khi đàm phán các thỏa thuận thương mại đa phương và song phương. Đơn cử như với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đã tham gia đàm phán ngay từ đầu với vị trí là quan sát viên đặc biệt.
Từ nền tảng của CPTPP, Việt Nam đẩy nhanh đàm phán với Liên minh châu Âu (EU), tiến tới ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Tiếp đó là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand… “Việt Nam đều có vị trí trong những cuộc đàm phán quan trọng này”, bà nhấn mạnh.
Rút ngắn thời gian
Nhớ lại khoảng thời gian tham gia cùng nhóm chuyên gia của Ngân hàng thế giới (WB) xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035, chuyên gia Phạm Chi Lan chia sẻ, khoảng thời gian đó bà cùng các đối tác quốc tế khá ngần ngại về mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2035: “Lúc mới đưa ra, thú thật tôi cũng thấy giật mình. Cùng với nhóm chuyên gia WB, chúng tôi ngồi điểm lại và thấy rất lo vì để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ phải có bước chuyển mình vượt trội”.
Tuy nhiên, với những bước tiến đạt được trong những năm gần đây và nhất là trong thời Covid-19, khi kinh tế nhiều nước suy giảm và bị loại ra khỏi chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam dù có giảm tốc nhưng vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến Việt Nam khá nhiều mặt nhưng điều đáng mừng và rất quan trọng, theo chuyên gia Phạm Chi Lan, là Việt Nam đã giữ được chỗ của mình và “mục tiêu đặt ra, vì vậy mà có tính khả thi hơn rất nhiều so với những tính toán trước đây”.
Vị chuyên gia kinh tế nhận định, việc tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu là một trong những yếu tố quyết định nhất để Việt Nam có thể vươn lên và sớm đạt mức thu nhập trung bình cao. Đáng chú ý là, các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) mang hàm lượng công nghệ cao đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây. Sự hiện diện của những “ông lớn” công nghệ như Samsung, Intel, Apple… tại Việt Nam đang giúp thúc đẩy lĩnh vực công nghệ cao trở thành nhóm hàng xuất khẩu có thế mạnh của nước ta. Vị thế của Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu vì thế ngày càng được nâng cao hơn. Bà cho rằng, đó cũng là một thành tựu rất quan trọng, tạo cho chúng ta niềm tin rằng công cuộc hội nhập đang đi đúng hướng”.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chưa bao giờ Việt Nam có được nhiều thành tựu về kinh tế quốc tế như thời kỳ 10 năm qua. Ảnh minh họa. (Nguồn: VnEconomy) |
Bước chuyển mình về tư duy
Nhấn mạnh Nghị quyết đã mang lại nhiều thành tựu kinh tế cho Việt Nam, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhắc đến một thành tựu, dù vô hình và khó đo đếm nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng, đó là bước chuyển mình về tư duy. Nghị quyết đã thay đổi hoàn toàn tư duy và cách nhìn của Việt Nam về thị trường, về cách làm ăn kinh doanh với bên ngoài và thúc đẩy các cấp, các ngành, các địa phương… không ngừng học hỏi những kiến thức mới.
Việc tuân thủ những cam kết đã ký, trong đó có các FTA thế hệ mới với những quy định, đòi hỏi cao trong việc điều chỉnh luật, chính sách, không chỉ về kinh tế, thương mại mà cả các vấn đề phi thương mại… đã buộc Việt Nam phải kịp thời sửa đổi, cải cách nền tảng chính sách, luật pháp ngày càng tốt hơn, phù hợp hơn và đúng định hướng thị trường hơn, đáp ứng được các yêu cầu khác nhau ở tiêu chuẩn cao.
Bà Phạm Chi Lan khẳng định, rõ ràng trong 10 năm qua, quá trình cập nhật, sửa đổi các quy định trong nước phù hợp với các FTA thế hệ mới của Việt Nam đã nhanh hơn rất nhiều. Nhờ hội nhập, Việt Nam cũng đang nâng dần thể chế và hệ thống chính sách của mình ngang bằng với quy định của các nước phát triển khác. “Đó là những thay đổi rất lớn, tác động khó đong đếm ở trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ tạo nền tảng cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ”, bà nói, đồng thời nhấn mạnh niềm tin ngày càng tăng của nhà đầu tư quốc tế vào môi trường kinh doanh hiện nay còn đến từ sự kỳ vọng vào quá trình cải cách thể chế mà Việt Nam đang đẩy mạnh.
Gia tăng sức mạnh về nội lực
Đánh giá tác động của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở chiều ngược lại, bà Phạm Chi Lan cho rằng, thách thức lớn nhất là Việt Nam vẫn đang phụ thuộc quá nhiều vào ngoại lực và các yếu tố bên ngoài. Nội lực dù có được nâng lên trong quá trình hội nhập nhưng vẫn chưa tương xứng. Đóng góp của nội lực về giá trị thực vào nền kinh tế chưa cao. Nền kinh tế phụ thuộc ngày càng nhiều vào xuất khẩu và doanh nghiệp FDI là điều rất khó chấp nhận, và nếu muốn tạo ra nội lực thì không thể phụ thuộc như hiện nay.
Trăn trở về những thực trạng như hoạt động sản xuất, xuất khẩu chủ yếu là gia công; hàm lượng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam còn khoảng cách khá xa so với các nước trong cùng khu vực ASEAN như Thái Lan hay Philippines-theo đánh giá của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), chuyên gia Phạm Chi Lan cũng thẳng thắn thừa nhận, Việt Nam đã dành quá nhiều ưu đãi cho đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước, làm cho cấu trúc thị trường bị méo mó rất nhiều. Bà đề xuất, cần chấn chỉnh lại, quay trở lại với cái cốt lõi nhất là nội lực, doanh nghiệp trong nước, trong đó khu vực tư nhân phải là động lực quan trọng, tăng vai trò của nông nghiệp.
“Chúng ta rất cần những doanh nghiệp giỏi hơn, mạnh hơn, cạnh tranh tốt hơn, tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực công nghiệp, sản xuất, công nghệ và các ngành mang lại giá trị gia tăng cao hơn”, bà lưu ý.
Theo Báo Quốc tế