Các công ty Trung Quốc tranh giành mua dầu Nga
(PetroTimes) - Các nhà máy lọc dầu tư nhân và các công ty dầu mỏ nhà nước lớn nhất của Trung Quốc đang mua thêm dầu thô của Nga, đẩy giá của nó lên và buộc các công ty nhỏ hơn phải chuyển sang tìm kiếm các nhà cung cấp khác, theo Reuters đưa tin.
Giá vé máy bay đắt hơn khi ngành hàng không chuyển đổi sang "nhiên liệu xanh" |
Điều bất ngờ nào khiến giá dầu giảm? |
Ảnh minh họa |
Tháng 2/2023, sau một thời gian ngắn tạm dừng nhập khẩu vào cuối năm 2022, các công ty lọc dầu nhà nước như Sinopec và PetroChina của Trung Quốc đã bắt đầu nối lại hoạt động nhập khẩu dầu Nga, ngay trước thời điểm Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu cấm vận dầu mỏ của Nga. Động thái này diễn ra trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu trong nước tăng sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế dịch Covid-19.
Tiếp nối Sinopec và PetroChina, các nhà máy lọc dầu tư nhân lớn của Trung Quốc là Hengli Petrochemical và Jiangsu Eastern Shenghong Co cũng đã làm điều tương tự, theo các thương nhân và dữ liệu theo dõi vận chuyển từ Refinitiv, Kpler và Vortexa.
Theo dữ liệu hải quan, tổng lượng dầu thô Trung Quốc nhập khẩu từ Nga (bao gồm cả dầu bơm qua đường ống và dầu chở bằng tàu biển) đã tăng lên mức kỷ lục 9,61 triệu tấn (tương đương 2,26 triệu thùng/ngày).
Bà Emma Li, nhà phân tích tại Vortexa đánh giá: "Lượng dầu Urals mà Trung Quốc nhập khẩu từ Nga trong tháng 4 này đang trên đà phá kỷ lục của tháng 3 khi nhiều nhà máy lọc dầu bắt đầu mua dầu thô giá rẻ từ vùng Baltic của Nga".
Trong khi các công ty lớn đẩy mạnh mua dầu Nga thì các nhà máy lọc dầu nhỏ hơn đã phải chuyển sang các lựa chọn thay thế như dầu Bắc Cực của Nga hay dầu của Iran và Venezuela.
Chỉ riêng trong tháng 3, một lượng dầu kỷ lục với 4,2 triệu thùng dầu thô Varandey từ Bắc Cực đã được cung cấp cho các công ty nhỏ ở tỉnh Sơn Đông, dữ liệu của Kpler cho thấy.
Lượng dầu từ các cảng phía tây của Nga vào tháng 4 có thể sẽ đạt mức cao nhất kể từ năm 2019 với mức dự kiến hơn 2,4 triệu thùng/ngày bất chấp việc Nga tuyên bố cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày nhằm trả đũa việc G7 giới hạn giá dầu.
Ánh Ngọc