Thế giới đang thừa khí đốt vì xung đột Nga - Ukraine
Nguồn cung khí đốt trên toàn cầu đang trở nên dư thừa khiến giá giảm mạnh. Dự kiến tình trạng này xảy ra đến ít nhất vài tuần tới nhưng có lẽ cũng không kéo dài.
Nguồn cung dư thừa
Theo Bloomberg, xu hướng này rất hiếm gặp trong những năm qua. Nhưng kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, thị trường năng lượng toàn cầu bị ảnh hưởng và các nước châu Âu vội vã tích trữ khí đốt từ những nguồn cung thay thế. Đến hiện tại, các kho chứa ở nhiều nước, từ Hàn Quốc đến Tây Ban Nha đều đang ghi nhận lượng tồn kho cao do mùa đông ấm hơn dự kiến và nỗ lực giảm tiêu thụ của các nước.
Các tàu chuyên chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đang lênh đênh trên biển vì không tìm được khách mua. Trước đó, loại khí này từng được coi là giải pháp thay thế cho khí đốt đường ống của Nga.
Nhu cầu khí đốt thường giảm trong giai đoạn giao mùa, sau đó sẽ được đưa vào các kho dự trữ để chuẩn bị cho mùa tiếp theo. Nhưng năm nay, Morgan Stanley dự báo các nỗ lực làm đầy kho khí đốt tại châu Âu có thể được hoàn thành ngay trong tháng 8.
"Tình trạng dư thừa khí đốt trong ngắn hạn sẽ gây áp lực lên giá LNG trong vài tuần tới. Điều này có thể khiến giá khí đốt giảm nhẹ", ông Talon Custer, nhà phân tích năng lượng của Bloomberg Intelligence cho biết.
Tồn kho LNG của châu Âu đang tăng mạnh (Ảnh: Bloomberg). |
Dù đã giảm mạnh so với ngưỡng cao nhất của năm ngoái, giá khí đốt tại châu Á và châu Âu vẫn cao hơn nhiều mức trung bình của 10 năm qua. Điều này làm dấy lên lo ngại việc tình trạng dư thừa sẽ không kéo dài.
Mọi sự chú ý đang dồn vào thời tiết mùa hè năm nay bởi đợt nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán có thể thúc đẩy tiêu thụ khí đốt. Ông Custer cho biết đến đầu quý III, các nước nhập khẩu khí đốt sẽ bắt đầu dự trữ nhiên liệu cho mùa đông. Điều này có thể thúc đẩy nhu cầu đối với LNG.
Giá khí đốt giảm mạnh
Nhưng ở thời điểm hiện tại, tình trạng dư thừa vẫn đang lan rộng.
Tại Tây Ban Nha, nơi có nhiều kho cảng LNG nhất châu Âu, các kho lưu trữ đã đầy 85%. Theo RBC Capital Markets, điều này có nghĩa là thị trường khí đốt của nước này có thể nhanh chóng chuyển sang trạng thái dư thừa, gây áp lực lên giá giao ngay.
Số tuần lượng dự trữ khí đốt có thể đáp ứng (Ảnh: Bloomberg). |
Còn ở Phần Lan, các điểm nhập khẩu LNG cho giai đoạn mùa hè giảm từ 14 xuống còn 10, một phần do nhu cầu tiêu thụ được dự báo giảm. Nhằm giảm phụ thuộc vào khí đốt qua đường ống của Nga, châu Âu đã gấp rút xây dựng hàng loạt cảng tiếp nhận LNG di động, và dự kiến tiếp tục bổ sung trong năm nay và năm tới.
Trong khi đó, xuất khẩu LNG toàn cầu cũng bật tăng lên mức kỷ lục trong tháng 3, một phần nhờ sự phục hồi sản xuất tại Mỹ. Nguồn cung bổ sung càng khiến giá giảm, còn các thương lái chật vật tìm kiếm người mua.
Xuất khẩu khí đốt của Anh sang châu Âu tăng mạnh do nước này thiếu các kho dự trữ lớn. Trung Quốc cũng xuất khẩu một lượng lớn LNG do kinh tế trong nước hồi phục chậm sau khi gỡ bỏ chính sách Zero-Covid. Nhu cầu tại Hàn Quốc, một nước nhập khẩu LNG lớn, cũng đã sụt giảm. Nhật Bản cũng đang đề nghị bán bớt khí đốt để giải quyết tình trạng dư cung trong nước.
Theo ông Leo Kabouche, nhà phân tích tại Energy Aspects, tại Nam Mỹ, nhu cầu sẽ vẫn còn yếu đến khi Argentina hoàn thành cảng nổi thứ hai trong tháng 5 để nhập khẩu cho mùa đông.
Dù vậy, vẫn còn những rủi ro về phía nguồn cung, từ việc Nga tiếp tục cắt giảm xuất khẩu đến khả năng khai thác gián đoạn do các sự cố bất ngờ. Giới chuyên gia dự báo nguồn cung LNG toàn cầu sẽ bị hạn chế trong khoảng 2 năm tới.
Theo Dân trí
Hungary ký Thỏa thuận năng lượng mới với Nga bất chấp chiến tranh ở Ukraine |
Khủng hoảng Ukraine - "Ngư ông đắc lợi" |
Nga bị yêu cầu bồi thường 5 tỷ USD cho Naftogaz |