Bất động sản thế chấp tại LienVietPostBank tăng 44%
(PetroTimes) - Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank) vừa công bố kết quả Báo cáo tài chính (BCTC) đã kiểm toán năm 2022. Theo đó, tổng lợi nhuận trước thuế LienVietPostBank đạt 5.689 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, mảng bất động sản thế chấp tại nhà băng này lên hơn 418 nghìn tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021.
Các doanh nghiệp liên quan đến "bầu" Thụy làm ăn ra sao? |
VNPost sẽ thoái vốn xuống dưới 5% ở LienVietPostBank? |
Theo BCTC đã kiểm toán năm 2022, LienVietPostBank ghi nhận tài sản thế chấp đạt 611.000 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị tài sản thế chấp là bất động sản đạt 418.557 tỷ đồng, chiếm 68,5 % tổng giá trị tài sản thế chấp tại ngân hàng, tăng hơn 128.500 tỷ đồng (tương đương tăng 44%) so với cùng kỳ năm 2021 và cao gấp 1,77 lần so với tổng dư nợ cho vay năm 2022 là 235.500 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy mỗi đồng cho vay tại LienVietPostBank được đảm bảo bởi 1,77 đồng tài sản thế chấp là bất động sản.
Nguồn: BCTC đã kiểm toán năm 2022 của LienVietPostBank ///kinhtexaydung.gn-ix.net/ |
Bên cạnh đó, BCTC cũng nêu ra các chỉ tiêu nằm ngoài báo cáo, trong đó có khoản nợ khó đòi đã xử lý năm 2022 lên tới 5.900 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, đối với nợ gốc của khoản nợ đã xử lý rủi ro đang trong thời gian theo dõi đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Chính điều này đã dẫn tới khoản nợ lãi vọt lên 2.715 tỷ đồng, tăng 153% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, khoản nợ khó đòi nằm ngoài BCTC không những không giảm đi, mà còn tăng lên rất nhanh.
Về phí dự phòng rủi ro tín dụng, năm 2022, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của LienVietPostBank đạt 8.863 tỷ đồng, tuy nhiên nhà băng này phải trích gần 3.200 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chi phí này gấp 2,4 lần, tương đương tăng 140% so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022, LienVietPostBank trích 3.173 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng/Nguồn:BCTC LienVietPostBank ///kinhtexaydung.gn-ix.net/ |
Trong đó, khoản trích lập dự phòng cho vay khách hàng tăng vọt từ 1.080 tỷ đồng lên hơn 2.910 tỷ đồng, gấp 2,6 lần, tương đương tăng 170% so với cùng kỳ năm trước. Nhà băng này cũng phát sinh 2 dự phòng mới gồm, trích lập cho khoản vay các tổ chức tín dụng khác 58 tỷ đồng và gần 3 tỷ đồng rủi ro các khoản mua nợ.
Nợ xấu tại LienVietPostBank/Nguồn: BCTC///kinhtexaydung.gn-ix.net/ |
Về nợ xấu, tính hết năm 2022, LienVietPostBank đạt hơn 3.400 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng nhẹ 19 tỷ đồng lên 1.352 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ dưới tiêu chuẩn tăng vọt lên 1.069 tỷ, tăng 2,3 lần, tương đương tăng 132% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, nợ xấu trên tổng dư nợ của LienVietPostBank vẫn ở mức đảm bảo, đạt 1,44% trên tổng dư nợ, mức an toàn trong ngành tài chính.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của LienVietPostBank đạt 327.746 tỷ đồng, hoàn thành 98% kế hoạch năm. Vốn chủ sở hữu nhà băng này cuối năm 2022 đạt 24.055 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2022, tổng lợi nhuận trước thuế LienVietPostBank đạt 5.689 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2021. Thu nhập lãi thuần đạt gần 12.000 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đạt 345 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ âm hơn 1 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động bảo hiểm cũng giúp LienVietPostBank thu về hơn 1.600 tỷ đồng, tăng 2,4 lần, tương đương tăng 146% so với cùng kỳ năm 2021.
Ảnh minh họa///kinhtexaydung.gn-ix.net/ |
Cũng liên quan đến LienVietPostBank, mới đây Hội đồng quản trị ngân hàng này trình Đại hội đồng cổ đông phê duyệt việc thay đổi tên viết tắt của ngân hàng từ “LienVietPostBank” thành “LPBank”. Đồng thời, giao HĐQT quyết định thời điểm thực hiện đổi tên viết tắt, thực hiện sử đổi nội dung trong Điều lệ, Giấy phép tổ chức…
Việc thực hiện đổi tên ngân hàng được đề xuất trong bối cảnh Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) có kế hoạch thoái vốn khỏi LienVietPostBank. Phiên đấu giá 140,5 triệu cổ phần của LPB do VNPost sở hữu sẽ diễn ra vào ngày 21/4 tới đây. Mức giá khởi điểm là 22.908 đồng/cổ phần.
Việc chuyển nhượng vốn của VNPost đầu tư tại LienVietPostBank nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc cơ cấu lại khoản vốn góp của VNPost trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông về triển khai thực hiện thoái vốn tại LienVietPostBank.
Trong thời gian qua, LienVietPostBank có những thay đổi về lãnh đạo cấp cao vào cuối năm 2022 và đầu năm nay. Cụ thể, ngày 9/12/2022, ông Huỳnh Ngọc Huy đã từ nhiệm HĐQT theo nguyện vọng cá nhân và ông Nguyễn Đức Thụy được bầu làm Chủ tịch HĐQT.
Trong tháng 3/2023, ngân hàng LienVietPostBank công bố thông tin về việc ký hợp đồng lao động đối với ông Đoàn Nguyên Ngọc (em rể ông Thuỵ) và ông Nguyễn Văn Thùy (em trai ông Thuỵ). Ông Ngọc (sinh năm 1975) và ông Thùy (sinh năm 1981) đều là lãnh đạo tại Công ty Bảo hiểm Xuân Thành.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 17/4, cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, giao dịch ở mức 14.300/cp, giảm 500đ/cp so với phiên giao dịch ngày 14/4/2023.
LienVietPostBank thành lập năm 2008 với tên gọi Ngân hàng TMCP Liên Việt và 3 năm sau đó đổi tên thành Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt. Sau 9 lần tăng vốn điều lệ, tính đến thời điểm tháng 1/2023, vốn điều lệ thực góp của Ngân hàng là hơn 17.291 tỷ đồng. Các sản phẩm, dịch vụ LienVietPostBank cung cấp bao gồm các sản phẩm huy động, sản phẩm tín dụng, sản phẩm ngân hàng số Lienviet 24h, sản phẩm bảo hiểm và các sản phẩm dịch vụ truyền thống khác tương ứng với từng mảng hoạt động của Ngân hàng. LienVietPostBank hiện đang đầu tư góp vốn vào CTCP Chứng khoán Liên Việt và CTCP điện Việt Lào với tổng giá trị vốn góp gần 316 tỷ đồng. |
Huy Tùng