Đừng để người lao động phải “thiệt đơn thiệt kép”
(PetroTimes) - Tại họp báo của Tổng cục Thống kê về tình hình lao động - việc làm quý I năm 2023, bên cạnh những điểm sáng, dấu hiệu tốt cho thấy thị trường lao động trong nước đang khởi sắc, một loạt các con số đã cho thấy người lao động Việt Nam đang phải chịu nhiều thiệt thòi cả về thu nhập lẫn cách đánh giá.
Ngày 10/01/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương triển khai chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc, cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động. Đồng thời theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong thời gian trước và sau tết Nguyên đán, để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết.
Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động Nguyễn Huy Minh cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình lao động việc làm và tình hình kinh tế vĩ mô. |
Tình hình thị trường lao động quý I năm 2023 khá ổn định. Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2023 là khoảng 1,05 triệu người, giảm 34,6 nghìn người so với quý trước và giảm 65,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2023 là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi quý I năm 2023 là 7,61%, giảm 0,09 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,32 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,46%, cao hơn 2,81 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.
Hiện nay, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I năm 2023 là khoảng 885,5 nghìn người, giảm 12,4 nghìn người so với quý trước và giảm 443,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý này là 1,94%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, đáng lưu ý là tỷ lệ thiếu việc làm của lao động ở khu vực thành thị lại thấp hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 1,31% và 2,34%). Như vậy, tình hình thiếu việc làm của người lao động đã giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước nhưng vẫn không bền vững bởi khu vực nông thôn vẫn đang có tốc độ dịch chuyển lao động về thành thị nhưng tỉ lệ thất nghiệp tại đây lại cao hơn đã chứng tỏ kinh tế phát triển thiếu đồng bộ, ngành nông nghiệp xanh, hiện đại vẫn chưa được coi trọng, đầu tư dẫn đến thiếu việc làm, thu nhập thấp.
Đáng chú ý, so với quý trước, quý I năm nay chứng kiến sự sụt giảm về thu nhập bình quân tháng của người lao động trong một số ngành kinh tế như: thu nhập bình quân của lao động ngành hoạt động kinh doanh bất động sản là 10,5 triệu đồng, giảm 2,6%, tương ứng giảm 275 nghìn đồng. Thu nhập bình quân của lao động ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước là 9,8 triệu đồng, giảm 1,3%, tương ứng giảm 125 nghìn đồng.
Đặc biệt, thu nhập ngành xây dựng lao động có thu nhập bình quân là 7,8 triệu đồng, giảm khoảng 1%, tương ứng giảm 41 nghìn đồng. Trong khi đó, các gói kích thích nền kinh tế của Chính phủ đang tập trung vào các dự án xây dựng cơ bản, thúc đẩy mở rộng đô thị... việc thu nhập của người lao động ngành xây dựng sụt giảm là dấu hiệu bất thường, cần phải thực hiện thanh kiểm tra.
Trong giai đoạn từ quý I năm 2010 đến quý I năm 2023, số lao động làm công việc tự sản tự tiêu liên tục giảm dần qua các quý. Con số này của quý I năm 2023 là 4,0 triệu người, giảm 0,2 triệu người so với quý trước và giảm 0,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn. Gần hai phần ba số người làm công việc tự sản tự tiêu quý I năm 2023 là nữ giới (chiếm 62,9%).
Trong tổng số 4,0 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, có khoảng gần 2,2 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 54,2%). Hầu hết tất cả lao động sản xuất tự sản tự tiêu đều không có bằng cấp, chứng chỉ. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi, yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như nền kinh tế có dấu hiệu suy thoát và thiếu tính ổn định, cơ hội để nhóm lao động này tìm kiếm được công việc tốt là rất khó khăn.
Kinh tế hộ gia đình của Việt Nam không được các tổ chức quốc tế đưa vào để đánh giá hiệu quả lao động quốc gia. |
Đáng chú ý, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý I năm 2023 là 26,4%, không thay đổi so với quý trước và cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trao đổi cùng Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến thì được biết số lượng lao động nêu trên mới được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi của công nhân kỹ thuật, được xem xét tăng lương, thưởng, thi nâng bậc theo quy định của Luật lao động và quy định của doanh nghiệp.
Ở phía ngược lại, thì có đến hơn 2/3 công nhân, người lao động của chúng ta dù năng suất lao động có cao đến đâu, kỹ năng nghề có giỏi như thế nào vẫn phải xếp vào lao động phổ thông. Và đương nhiên mấy chục triệu lao động này có thu nhập tùy thuộc vào quy định của doanh nghiệp, mất đi nhiều cơ hội được tái đào tạo, nâng cao tay nghề và đặc biệt là có thể thất nghiệp bất cứ lúc nào.
Có thể thấy rằng, mặc dù thị trường lao động, việc làm trong nước vẫn đang có dấu hiệu khởi sắc nhưng để nâng cao chất lượng lao động, có cách đánh giá đầy đủ về hiệu suất lao động của Việt Nam cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ bảo vệ quyền lợi của người lao động. Đơn cử như quy định cụ thể đưa người lao động đi đào tạo nghề, bắt buộc phải có chứng chỉ nghề trong các ngành "chiếm dụng" lao động lớn như dệt may, da dày, xây dựng, khai khoáng... Đặc biệt, cần có sự cải cách mạnh mẽ trong ngành giáo dục và đạo tạo, tập trung giáo dục trẻ em các cấp mầm non, cấp 1 và 2. Riêng trường cấp 3 là cần phải tập trung đào tạo nghề, cấp chứng chỉ nghề ngay khi đủ 17 tuổi, đủ điều kiện đi làm công nhân kỹ thuật và tiếp nhận đào tạo chuyên sâu.
Thành Công