Để phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần định vị lại mình
(PetroTimes) - Với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ưu tiên hàng đầu là việc nắm chắc tình hình, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn của năm 2023, tiếp tục phục hồi và phát triển. VCCI tiếp tục đề xuất, xây dựng, triển khai các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ quốc gia về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp.
Đó là nhấn mạnh của Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công tại diễn đàn “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo cho Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 23/3.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn, cùng sự tham dự của ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp; bà Trần Thị Hồng Minh Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế |
Để nắm bắt các cơ hội phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo, tái định vị doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh trước các cú sốc và thách thức bất ổn là vấn đề mấu chốt. Theo đó, tái định vị doanh nghiệp gắn liền với tư duy mới: phát triển bền vững, thúc đẩy tính đa dạng hòa nhập, bao trùm trong kinh doanh, theo đuổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các yếu tố ESG (môi trường, xã hội, quản trị) cần được tích hợp vào chiến lược của doanh nghiệp và đo lường qua các kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm. Đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xây dựng các trụ cột bền vững.
Diễn đàn “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững” doTạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ ngày 23/3/2023 |
"Trên cơ sở năng lực cụ thể của từng đơn vị, các doanh nghiệp xây dựng phải thực sự định vị lại thị trường, tái cấu trúc về cơ cấu sản phẩm, hoạt động kinh doanh của đơn vị mình để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này" - bà Trần Thị Hồng cho biết.
Các giá trị phát triển bền vững củadoanh nghiệp cần được định hình và xây dựng dựa trên một hệ giá trị cốt lõi của doanh nhân, doanh nghiệp. Đó chính là đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các yêu cầu về đạo đức trong sản xuất kinh doanh, về bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường đang được đề cao, vừa tạo ra các chuẩn mực mới, vừa tạo hàng rào kỹ thuật trong thâm nhập thị trường, nhất là thị trường các nước phát triển.
Với bối cảnh thay đổi và những xu thế mới đang hiện hữu, theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, doanh nghiệp cần tái định vị để phát triển bền vững. Trong thời gian tới, những nội dung của diễn đàn tiếp tục được thảo luận, trao đổi để tiếp tục đề xuất những kiến nghị. Những vấn đề được phân tích chính là thông tin đầu vào để VCCI tiếp tục kiến nghị chính sách, truyền tải tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI phát biểu tổng kết |
Diễn đàn có sự tham gia của hơn 200 đại biểu đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, đại diện VCCI, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp… cùng sự tham gia đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam.
P.V