Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/3/2023
(PetroTimes) - G7 sẽ xem xét việc áp giá trần đối với dầu thô của Nga trong tháng 3; Mỹ kêu gọi tăng sản lượng dầu thô toàn cầu; Nhu cầu dầu thô của Trung Quốc có thể chạm đỉnh trong năm 2023… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 8/3/2023.
Quan chức Mỹ cho rằng kinh tế thế giới đang phục hồi và thị trường cần nhiều dầu thô hơn. Ảnh minh họa: Economictimes |
G7 sẽ xem xét việc áp giá trần đối với dầu thô của Nga trong tháng 3
Phát biểu bên lề hội nghị năng lượng quốc tế CERAWeek diễn ra tại thành phố Houston (Mỹ), bà Elizabeth Rosenberg - Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ tuyên bố các nước G7 đang lên kế hoạch điều chỉnh lại mức giá trần với dầu thô của Nga trong tháng 3.
Bà Rosenberg cho hay: “Tất cả những gì tôi có thể nói là G7 đang có kế hoạch đánh giá lại mức giá trần đối với dầu thô của Nga vào tháng 3”.
Trước đó, ngày 3/2, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Australia đã đạt được thỏa thuận về mức giá trần sẽ áp dụng đối với các sản phẩm dầu của Nga kể từ ngày 5/2. Các bên nhất trí sẽ áp mức giá trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm cao cấp như dầu diesel và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giá rẻ hơn như dầu nhiên liệu.
Mỹ kêu gọi tăng sản lượng dầu thô toàn cầu
Bên lề diễn đàn năng lượng toàn cầu CERAWeek, ông Jose W. Fernandez, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách Năng lượng, tăng trưởng kinh tế và môi trường bày tỏ: "Khi các nền kinh tế thế giới phục hồi, chắc chắn họ sẽ gia tăng nhập khẩu năng lượng, đặc biệt là dầu thô. Do đó, chúng tôi kỳ vọng thị trường năng lượng sẽ luôn có sẵn nguồn cung 'vàng đen'".
Đồng thời, ông Jose W. Fernandez tiếp tục nhấn mạnh rằng điều này bao gồm sản lượng từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), tổ chức năm ngoái đã đồng ý cắt giảm sản lượng khoảng 1 triệu thùng/ngày và đã báo hiệu rằng họ không có kế hoạch ngay lập tức để xem xét lại thỏa thuận đó.
Một số nhà phân tích đã dự báo rằng thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng thâm hụt trong nửa cuối năm 2023 do sự phục hồi của Trung Quốc, điều này sẽ đẩy nhu cầu toàn cầu cao hơn trong khi nguồn cung bị tụt lại phía sau.
Nhu cầu dầu thô của Trung Quốc có thể chạm đỉnh trong năm 2023
Người đứng đầu Vitol Asia cho rằng, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc trong năm 2023 có thể lớn hơn quá khứ do nước này dỡ bỏ các hạn chế Covid-19, tiêu dùng nội địa mạnh mẽ và nỗ lực tích trữ hàng tồn kho.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) là một trong những tổ chức đã chuyển sang quan điểm lạc quan về Trung Quốc khi đã nâng ước tính tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay thêm 100.000 thùng/ngày lên 2 triệu thùng/ngày nhờ vào sự phục hồi của Trung Quốc và ngành hàng không.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng đã dự báo mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc sẽ tăng 400.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái trong quý đầu tiên của năm 2023 và 800.000 thùng/ngày trong năm vào quý II.
Nga không công nhận mức trần giá dầu của G7
Ngày 7/3, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã áp giá trần cho dầu của Nga, song điều này không tồn tại trên thực tế, nếu nhìn vào mức giá thị trường.
Người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh: "Nga đã thực hiện các biện pháp của riêng mình. Và tất nhiên, chúng tôi không công nhận bất kỳ mức giá trần nào. Chúng tôi đang làm việc để việc áp giá trần không gây hại cho lợi ích của Nga".
Cũng trong ngày 7/3, Điều phối viên đặc biệt của Tổng thống Mỹ về cơ sở hạ tầng toàn cầu và an ninh năng lượng Amos Hochstein cho biết, hiện còn quá sớm để biết liệu kế hoạch áp trần giá dầu của phương Tây đối với Nga có hiệu quả hay không.
Bị cắt nguồn cung dầu đột ngột, Ba Lan tính kiện Nga
Ngày 6/3/2023, ông Daniel Obajtek - Giám đốc điều hành của nhà bán lẻ và lọc dầu hàng đầu Ba Lan Orlen, tuyên bố nước này sẽ kiện Nga, yêu cầu bồi thường vì ngừng cung cấp dầu thô cho các nhà máy lọc dầu Ba Lan, tuy nhiên ông Obajtek không nêu ra con số bồi thường.
Trước đó vào hôm 27/2, công ty vận hành đường ống dầu Nga Transneft thông báo đã ngừng xuất khẩu dầu sang Ba Lan theo hợp đồng do thiếu các giấy tờ cần thiết để chuyển hàng. Theo ông Igor Demin - người phát ngôn của Transneft - công ty đã dừng vận chuyển dầu cho các cơ sở lọc dầu Ba Lan trong nửa cuối tháng 2 do không nhận được lệnh chuyển hàng và chi phí trung chuyển.
Để vận chuyển dầu ra thị trường nước ngoài, Transneft cần có kế hoạch xuất khẩu được Bộ Năng lượng Nga phê duyệt, cùng lệnh chuyển hàng từ nhà sản xuất. Vì lẽ đó, Transneft đã loại Ba Lan khỏi kế hoạch chuyển dầu sang châu Âu.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/3/2023 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/3/2023 |
H.T (t/h)