Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
(PetroTimes) - Ngày 6/3, Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc”. Tọa đàm thu hút sự quan tâm từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế cùng tham gia góp ý để sửa những lỗ hổng trong Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Toàn cảnh buổi tọa đàm |
Tham dự tọa đàm có ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương); ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý (Bộ Tài chính), đại diện Tổng cục Quản lý Thị trường; ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, Nguyễn Đình Cung, Vũ Đình Ánh…
Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong cho biết: Đứt gãy nguồn cung, giá xăng dầu tăng vọt, hết xăng, còn dầu, cây xăng đóng cửa, chiết khấu, doanh nghiệp thua lỗ, quản lý thị trường kiểm tra cây xăng... được cơ quan báo chí liên tiếp nhắc đến để phản ánh diễn biến thị trường xăng dầu trong nước năm 2022. Đây là một năm có rất nhiều biến động với diễn biến chưa từng có trong lịch sử của ngành khi giá dầu liên tục tăng mạnh trong những tháng đầu năm rồi đột ngột giảm giá mạnh kéo theo việc vận chuyển, nhập khẩu xăng dầu gặp rất nhiều khó khăn khiến các doanh nghiệp trong ngành đều bị thua lỗ nặng nề.
Buổi tọa đàm để bàn về những vấn đề liên quan đến quản lý thị trường xăng dầu sao cho hiệu quả, các cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và doanh nghiệp cần phải làm gì để xăng dầu không bị đứt gãy nguồn cung một số thời điểm như đã diễn ra trong năm 2022 cũng như giải bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia là vấn đề đặt ra rất bức thiết trong bối cảnh dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đang được lấy ý kiến.
Bên cạnh đó, tọa đàm còn làm rõ bức tranh toàn cảnh của thị trường xăng dầu tại Việt Nam cũng như những vất vả, nỗ lực của các doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối, các đầu mối, các cơ quan quản lý trong việc đảm bảo nguồn cung cũng như cung ứng xăng dầu cho nền kinh tế trong một năm đầy biến động
Doanh nghiệp bán lẻ chịu nhiều thiệt thòi
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho biết, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ (DNBL) luôn là đề tài nóng, bởi vì hơn một năm qua, khi DNBL dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động KD. Sự việc này các DNBL chỉ nghĩ rằng sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng không ngờ nó diễn ra hơn một năm qua, đã làm cho DNBL lỗ lã nặng nề, bị kiệt quệ về tài chính, có người phải bán cả ruộng vườn, đất đai, thậm chí cầm cố tài sản để bù lỗ. Để phục vụ bình ổn thị trường theo mệnh lệnh hành chính, dù lỗ vẫn phải bán, đây là hình thức cưỡng bức DNBL.
Ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh). |
"Một số người nói buôn bán phải lúc lỗ, lúc lãi. Tuy nhiên, tôi cho rằng phát biểu như vậy là chưa chuẩn, bởi vì DN nào cũng quyết toán năm tài chính là trọn 1 năm, mà khi quyết toán thì 20% nộp thuế TNDN và phân chia các quỹ khen thưởng, phúc lợi và bù lỗ các năm trước còn lỗ. Nên DNBL cũng không còn nguồn lực tài chính để gánh lỗ kéo dài hơn 1 chu kỳ kinh doanh", ông Tây cho hay.
Ông cũng cho biết, sau ngày 14/02/2023, hội nghị góp ý sửa đổi NĐ95 về xăng dầu, được tổ chức ở VCCI, thì chiết khấu xăng dầu bắt đầu tăng lại từ 1.000 - 1.500đ/lít, tuỳ khu vực. Đại diện DN cho rằng, đây là hiện tượng không bình thường. Vậy chiết khấu này từ đâu mà có? Trong khi Nghị định thì chưa sửa lại và diễn biến thị trường không hề thay đổi. Có phải chăng do không phân chia rõ chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức ở các khâu, nên DNĐM lợi dụng gom hết phần này? Nay thấy không thể thâu tóm được tất cả, nên phải trích ra cho DNBL
Trước những bất cập nêu trên, ông Giang Chấn Tây kiến nghị sửa Nghị định Xăng dầu. Trong đó, cần định vị lại DNBL, nên dùng từ DNBL chứ không dùng từ là đại lý bán lẻ trong NĐ mới. Thứ hai, tại Điều 166, Luật thương mại quy định “Đại lý thương mại là đại lý bán hàng để hưởng thù lao”. Tuy nhiên, trong hơn 1 năm qua, có tháng DN bán hàng với mức thù lao 0 đồng, thậm chí âm. Như vậy, về bản chất đây không phải là hoạt động đại lý.
Do vậy đề nghị được thực hiện theo Điều 11 của Luật Thương mại là: “Trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản”. "Từ định vị trên, chúng tôi yêu cầu DNBL được lấy hàng ở nhiều nguồn, áp dụng theo Luật cạnh tranh, sẽ góp phần điều tiết nguồn hàng theo quy luật cung cầu để không bị chèn ép về thù lao, về nguồn hàng nhằm khắc phục tình trạng DNĐM gâm hàng để hưởng chênh lệch giá; Trong khi, DNBL không có hàng hóa để bán, đồng thời DNBL có phần thù lao tăng thêm do cạnh tranh mang lại. Đây chính là phần thị trường và là định hướng của Nhà nước", ông Tây nói.
Đối với phần chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức cần phải phân chia rõ ở 02 khâu là bán buôn và bán lẻ theo tỉ lệ phần trăm phải được quy định trong Nghị định sửa đổi bổ sung mới, riêng khâu bán lẻ phải đạt giá trị từ 5-6%/giá bán lẻ. Ông Giang Chấn Tây mong muốn qua buổi tọa đàm này các cơ quan quản lý điều hành, ghi nhận và có động thái đúng đắn giúp DNBL chúng tôi phát triển ổn định, góp phần vào sự ổn định an ninh năng lượng theo yêu cầu của Chính phủ một cách bền vững.
Cùng quan điểm, ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Nai - cho rằng, thương nhân phân phối có cùng nỗi khổ như doanh nghiệp bán lẻ. Thời gian qua, cả bán lẻ, thương nhân đều lỗ. Doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối đang là tác nhân, nguyên nhân khiến phân phối và bán lẻ bị lỗ. Việc đứt gãy xăng dầu, qua dịch bệnh, chiến tranh, lộ rõ điều hành vĩ mô có vấn đề. Đây là giọt nước tràn ly, cho thấy vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi toàn hệ thống có những bất cập.
“Sau sửa Nghị định 83, hậu quả đứt gãy làm doanh nghiệp điêu đứng rất rõ ràng. Lượng hàng dự trữ không còn, chúng tôi là thương nhân phân phối mà cũng không được rót xăng dầu thì làm sao chúng tôi rót cho bán lẻ. Bất cập là từ đầu mối nhập khẩu xăng dầu, việc điều hành ở đó bất cập. Chúng tôi rất lỗ, doanh nghiệp sắp chết”, ông Phụng nói.
Ông Phụng cho rằng, đang có hiểu lầm về thương nhân phân phối là trung gian. Cũng có ý kiến thương nhân phân phối không có, không có vốn, không có hệ thống. Nhưng để cấp 1 giấy phép thương nhân phân phối, phải hội tụ đủ các yếu tố theo quy định. Không phải tất cả các doanh nghiệp đều như vậy. Vai trò thương nhân phân phối trong hệ thống là rất quan trọng.
“Trả lời ý kiến của anh Giang Chấn Tây. Chúng tôi không phải là nơi điều tiết chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ. Chiết khấu là do đầu mối quyết định. Doanh nghiệp bán lẻ có trách nhiệm đối chiếu”, ông nói. Ông cho rằng, vai trò thương nhân phân phối đã sáng tỏ, thời gian tới làm sao sửa nghị định đi vào cuộc sống. Đây là bài học lớn trong lịch sử kinh doanh xăng dầu. Cần sửa triệt để, không thì để như hiện nay. Cần để thị trường tự vận hành, sau đó sửa thành Luật Dầu khí.
Luật phải thị trường hoá, cạnh tranh, giảm bớt sự điều hành của nhà nước. Đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ phải hài hoà lợi ích. Ngoài ra cần sửa các quy định bất cập như các loại “giấy phép con” như : môi trường, tràn dầu. “Điều hành giá cần trở lại 15 ngày, để doanh nghiệp đủ thời gian tính toán. Cơ quan quản lý hậu kiểm nhưng không làm doanh nghiệp sốc”, ông Phụng đề xuất.
Nhiều bất cập cần điều chỉnh kịp thời
Ông Văn Công Thật - Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (huyện Cần Giờ, TPHCM) - cho rằng, một đất nước muốn phát triển bền vững phải đảm bảo năng lượng được xuyên suốt, không thể thiếu chuỗi cung ứng xăng dầu quan trọng là các doanh nghiệp bán lẻ cung ứng ra thị trường đến tay người tiêu dùng. Nhưng hiện nay do cơ chế điều hành còn bất cập và thiếu minh bạch nên xảy ra những tình trạng vừa qua.
Theo ông Thật, doanh nghiệp bán lẻ chỉ được ký hợp đồng lấy hàng từ 1 nhà cung cấp trong khi doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và tổng đại lý đều có cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhưng được lấy xăng dầu nhiều nguồn chồng chéo lẫn nhau còn bán lẻ thì hạn chế duy nhất có một nguồn. Vậy dự thảo sửa đổi Nghị định lần này có phá thế độc quyền để cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh xăng dầu tiến tới cơ chế thị trường minh bạch không?
“Trong cơ cấu giá thành có định mức chi phí kinh doanh và chi phí lợi nhuận nhưng không phân chia quy định cho từng khâu tham gia chuổi cung ứng nên dẫn đến tình trạng khi biến động giá thế giới tăng và kỳ điều hành tăng theo thì các nhà cung cấp (đầu mối lẫn thương nhân phân phối) găm hàng bằng biện pháp chiết khấu bằng 0 đồng hay thông báo nguồn hàng chưa về cảng hoặc chờ lấy mẫu làm cho đứt gãy chuổi cung ứng đến người tiêu dùng. Vậy dự thảo sửa đổi Nghị định lần này có đưa vào chi phí cố định cho bán lẻ trong cơ cấu giá thành không?”, ông Thật nêu ý kiến.
Ông Thật cũng nêu những bất cập trong việc điều tiết quỹ bình ổn, dẫn đến thiếu minh bạch. Cụ thể, khi giá thế giới xuống thì trích lập nhiều. Khi giá lên, xả ra ít làm giá trong nước không sát theo thị trường và số tiền trích lập quỹ bình ổn là tiền ứng trước của khách hàng nằm trong tài khoản doanh nghiệp đầu mối?
“Vậy đối tượng nào được phép quản lý sử dụng ra sao, trong khi đối tượng người tiêu dùng hoàn toàn không biết số tiền phải ứng trước bao nhiêu cho mỗi lít xăng dầu khi có nhu cầu? Khi nào nhận lại, lãi suất ra sao ai hưởng? Đó là quan hệ dân sự thiếu minh bạch. Trong khi đó Nhà nước không quản lý. Vậy theo Bộ Tài chính làm thế nào để minh bạch trong trích lập quỹ bình ổn để đạt được mục tiêu và ý nghĩa tên gọi “bình ổn” không?”, ông Thật đặt vấn đề.
Ông cũng đề xuất chuỗi cung ứng chỉ quy định 2 cấp là đầu mối và thương nhân phân phối bán lẻ. Cùng đó, cần phải đưa vào Nghị định mức chi phí cố định tối thiểu cho các bán lẻ trong cơ sở giá bán lẻ khi Nhà nước ấn định điều hành giá để đảm bảo hoạt động được duy trì xuyên suốt vì các doanh nghiệp bán lẻ là chuỗi cung ứng quan trọng đến từng tế bào trong xã hội.
Ông Lê Văn Báu, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Bảo Dương (TPHCM) đặt 3 câu hỏi cho các cơ quan quản lý: Doanh nghiệp bán lẻ làm thuê cho nhà cung cấp ko được nhận lương bằng thù lao chiết khấu, phải bỏ tiền túi trả lương cho người lao động, vậy liên Bộ trưởng Công Thương - Tài chính có giải pháp nào giải quyết cho nhà cung cấp trước việc không trả lương cho nhà bán lẻ có vi phạm pháp luật không. Để cho doanh nghiệp bán lẻ vì thù lao thấp, chỉ được 100-200 trăm đồng/lít, hoặc âm chiết khấu, phải đóng cửa tạm thời có vi phạm pháp luật không?
“Doanh nghiệp lỗ nên không còn tiền trả lương người lao động. Như vậy có vi phạm pháp luật không? Người lao động không nhận lương tự nghỉ việc có vi phạm pháp luật không? Trường hợp này thì cơ quan quản lý phải làm sao? Nếu cơ quan quản lý là các doanh nghiệp bán lẻ, không được nhận thù lao tối thiểu thì có làm doanh nghiệp bán lẻ như chúng tôi hay không?”, ông Báu nêu vấn đề.
Ông Đỗ Thanh Hán - Giám đốc Công ty CP Xăng dầu Sài Gòn (Saigon Petroleum) cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc xăng dầu bị đứt gãy là giá. Giá xăng dầu cần phải tính đúng, tính đủ, tính kịp thời trong cả 3 khâu từ đầu mối, phân phối, bán lẻ. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta cứ lấy giá 6 tháng trước áp cho 6 tháng. Đây là điều trái với quy luật trong khi xăng dầu là mặt hàng biến động rất nhanh theo từng ngày, từng giờ.
Ông Hán đề nghị liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh điều chỉnh kịp thời. Bởi vừa rồi, cơ quan chức năng mới tính giá cơ sở ở đầu mối, chưa tính đến giá lưu thông. Ngoài ra, theo ông Hán, trong quá trình sửa đổi Nghị định 95 cần sửa đổi một cách toàn diện, đồng bộ. Bởi 2 Nghị định trước mới chỉ nói về xăng dầu, nhưng có những đề liên quan chưa nói đến như lao động, vấn đề môi trường, phòng cháy chữa cháy, giao thông…
Đặc biệt, ông Hán cho rằng, cơ quan chức năng cần sửa đổi cụm từ “thương nhân phân phối”, tránh gọi đây tầng lớp trung gian bởi đây là cụm từ như thời bao cấp, chưa thể hiện được tính thị trường và dễ gây hiểu nhầm.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng) cho rằng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cần được đảm bảo các quyền lợi hợp pháp và chính đáng về cạnh tranh thương mại, về lợi nhuận và được hưởng các ưu đãi từ chính sách Nhà nước mang lại. Bởi vậy, ông đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành thanh tra, rà soát các văn bản hành chính, các văn bản của địa phương chưa phù hợp với Nghị định quy định kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu ép buộc, tăng thêm quy định gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Cùng đó, thực hiện các chế tài đối với chiết khấu thương mại cho người tiêu dùng xăng dầu trong Nghị định sửa đổi, bổ sung mới để tạo môi trường kinh doanh xăng dầu cạnh tranh, lành mạnh, minh bạch.
Bà Mai Thị Hồng Hạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil- cho rằng, các doanh nghiệp xăng dầu đang đóng góp thuế cho ngân sách rất lớn mỗi năm. Tuy nhiên, những tồn đọng những vướng mắc của doanh nghiệp hơn 1 năm nay vẫn chưa được tháo gỡ, ổn định. Theo bà Hạnh, các Nghị định về kinh doanh xăng dầu đã có từ hàng chục năm nay, giá xăng dầu thế giới đã có nhiều lần bất ổn nhưng nguồn cung trong nước vẫn ổn định. Vấn đề chính của ngành xăng dầu lúc này, đặc biệt với các doanh nghiệp đầu mối chính là tiền và hàng. Nếu đầu mối không có tiền nhập hàng thì mọi việc vẫn không giải quyết được.
Vì vậy, đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại mở room tín dụng LC và giải ngân cho các doanh nghiệp trong chuỗi xăng dầu (cả doanh nghiệp nhập khẩu, thương nhân phân phối) với điều kiện doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ điều phê duyệt tín dụng bằng cách thế chấp 100% tài sản bảo đảm. Đặc biệt ưu tiên tín dụng cho các doanh nghiệp xăng dầu có doanh thu tỷ USD.
Rà soát, tính toán để đảm bảo tính đúng, tính đủ, tính kịp thời
Trả lời từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, năm 2022, diễn biến giá xăng dầu phức tạp, xung đột Nga - Ukraine khiến giá xăng dầu thế giới tăng cao, ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước. Vì vậy, cần rà soát quy định liên quan để sửa, khắc phục bất cập của thị trường.
Thời gian qua, Bộ Tài chính phối hợp Bộ Công Thương và cơ quan liên quan trong quá trình vận hành thị trường. Hiện nay, công thức giá cơ sở gồm: Giá thế giới chiếm 60 - 70%; chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, chi phí đưa từ nhà máy lọc dầu về cảng, từ nước ngoài về Việt Nam khoảng 9%; các loại thuế từ 11 - 20%. Còn lại chi phí lợi nhuận định mức và chi phí trong lợi nhuận xăng dầu. Chi phí được công khai ở Nghị định 95. Riêng chi phí định mức (đưa từ nhà máy lọc dầu đến cảng…) được công bố định kỳ. Chi phí định mức công bố 1 năm/1 lần. Các chi phí còn lại công bố 6 tháng/lần. Thời gian qua, Bộ Tài chính thực hiện nghiêm túc công bố thông tin về tính giá cơ sở.
Năm 2022, Bộ Tài chính công bố giá chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam 3 lần và chi phí còn lại công bố 2 lần. Các chi phí được tính toán, phản ánh từ khâu bán buôn, lưu thông, dự trữ đến người tiêu dùng. Số liệu này trên cơ sở của thương nhân đầu mối tính toán. Doanh nghiệp cũng có thể tính được chi phí này. Trên cơ sở thống kê chi phí, hoạt động cơ quan quản lý nhà nước công khai minh bạch trong quản lý xăng dầu.
Về chiết khấu của doanh nghiệp bán lẻ, theo ông Tiến, doanh nghiệp phản ánh chi phí thấp, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Giá chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố như dự báo giá, hàng tồn kho… Khâu đánh giá chi phí với chiết khấu theo chuỗi từ bán buôn đến bán lẻ. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về chi phí chiết khấu cho bán lẻ.
Thời gian qua, Bộ Công Thương lấy ý kiến khi sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu. Khi sửa đổi nghị định, các cơ quan quản lý nhà nước tham gia chặt chẽ để đảm bảo hoạt động kinh doanh xăng dầu ổn định, không xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung.
“Trên cơ sở chi phí của thương nhân phân phối, chúng tôi đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ. Chúng tôi rà soát chi phí định mức trong công thức tính giá cơ sở trên cơ sở phát sinh. Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, rà soát để các khâu trong tính giá cơ sở, công khai tới doanh nghiệp”, ông Tiến nói.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương |
Trả lời về vấn đề chiết khấu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, phải đặt ngược lại là tại sao trước đây không nêu vấn đề chiết khấu mà gần đây lại nêu ra? Chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố, cung cầu, cạnh tranh, tài chính doanh nghiệp, tồn kho... Chúng ta phải đặt câu hỏi có nước nào quy định chiết khấu tối thiểu không? Nhà nước có nên can thiệp hoạt động các doanh nghiệp không? Nếu có thì tỷ lệ bao nhiêu phần trăm là hợp lý, khoa học.
“Nếu đưa chiết khấu vào là thể hiện yếu tố tăng thêm chi phí thì giá xăng dầu tăng lên thì quyền lợi người tiêu dùng thế nào? Kiểm soát CPI nhà nước làm sao? Như vậy có công bằng không trong nền kinh tế. Chúng ta phải xem xét thấu đáo các vấn đề. Câu chuyện chiết khấu các doanh nghiệp có thời kỳ lên 1.500- 2.000/lít. Tại sao chúng ta không tính chiết khấu bình quân? Tại sao doanh nghiệp bán lẻ không tìm cách chiết khấu đàm phán hợp đồng”, ông Đông nói.
Vấn đề doanh nghiệp có được nhập bán lẻ từ nhiều nguồn, ông Đông cho rằng, Theo Nghị định 83, 95 không nghiêm cấm doanh nghiệp bán lẻ lấy từ nhiều nguồn. Bản chất hiện nay nếu như đại lý thấy không ổn chiết khấu có thể chấm dứt hợp đồng đại lý này tìm nguồn cung cấp khác thấy chiết khấu ổn hơn. Tuy nhiên, hiện thủ tục hành chính cung cấp đổi tên bán lẻ xăng dầu, cơ quan Nhà nước đôi lúc máy móc cho rằng vi phạm.
"Theo tôi, hướng xử lý, những gì luật quy định và quan hệ dân sự thì không nên đưa vào nghị định. Quan hệ giữa cửa hàng bán lẻ với thương nhân phân phối có thể là quan hệ đại lý, nhượng quyền thương mại", ông Đông nói.
Về chi phí lợi nhuận định mức, Bộ Tài chính rất nỗ lực cùng Bộ Công Thương nhưng diễn biến thị trường thời gian vừa qua, chi phí biến động liên tục, chúng ta phải thông cảm cho Nhà nước không thể kịp theo những biến động thị trường quá nhanh. Nếu giữ cách thức như hiện nay phải chấp nhận ưu và nhược.
“Liên quan đến thủ tục hành chính, tôi đồng ý cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm thủ tục hành chính. Trong thời gian vừa qua, không chỉ doanh nghiệp bán lẻ, phân phối mà doanh nghiệp đầu mối cũng khó khăn. Vấn đề găm hàng, đầu cơ đều có ở lĩnh vực khác. Qua quản lý ở tất cả các khâu khi kinh doanh thua lỗ, bán ra càng nhiều thì các khâu đều muốn hạn chế không riêng gì thương nhân đầu mối. Chúng ta phải xử lý căn cơ vấn đề này thế nào? Sửa Nghị định 83, 95 nên sửa căn cơ, triệt để”, ông Đông nói.
Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cũng cho rằng, với đề xuất bỏ giấy phép chứng nhận môi trường, phòng cháy chữa cháy cũng nên cắt giảm cho doanh nghiệp. Việc cấp tín dụng về xăng dầu cần ưu tiên vì đây là vấn đề liên quan an ninh năng lượng. Cùng đó, chúng ta phải xem lại cách nhìn về dự trữ. Với nguồn lực hiện nay hướng tới là cần đầu tư nhiều hơn về kho, tách bạch dự trữ quốc gia và doanh nghiệp. Vấn đề phải xem lại nguồn lực nhà nước sẵn sàng bỏ ra để đầu tư chưa?
“Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến sửa Nghị định 95, 83. Ngoài tái cấu trúc hệ thống phân phối thì điều hành giá. Một giữ nguyên như hiện nay, hiện bản chất ta đang giữ giá trần nhưng đang thiên góc độ về người dân và CPI. Việc tính chi phí, tính rà soát cần phải tính đúng, tính đủ và kịp thời cho doanh nghiệp. Theo tôi, chúng ta nên trả về thị trường nhiều hơn, trao quyền cho doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Nhà nước sẽ định hướng, tham chiếu nào đó, vẫn giữ quỹ nhưng quỹ không sử dụng liên tục như hiện nay. Bộ Công Thương tôi đề xuất bỏ quỹ”, ông Đông nói.
Theo TS Vũ Đình Ánh, vấn đề lớn nhất của thị trường hiện nay là tạo ra sự đối đầu giữa đầu mối và phân phối - bán lẻ. Cốt lõi vấn đề thời gian qua là xung đột lợi ích. Vấn đề này phải khắc phục ngay dù sửa hay không sửa Nghị định 83, 95. Một vấn đề khác là chúng ta chưa đặt ra việc có muốn xây dựng một thị trường xăng dầu hay không? Có thực sự muốn hay không? Hay như hiện tại là được rồi, sửa một ít thôi.
Hiện chúng ta chỉ kinh doanh xăng dầu, chưa có thị trường xăng dầu, nhưng lại đặt ra các vấn đề trên cơ sở đã có thị trường. Vấn đề hiện nay là giá. Chúng ta đang có sự lầm tưởng giữa giá và chiết khấu. Tiếp đến, vấn đề tôi quan tâm là hệ thống kinh doanh xăng dầu đã ổn chưa? Chúng ta luôn đề cập đến 3 bộ phận (đầu mối - phân phối - bán lẻ) nhưng bỏ quên lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất, chiếm 70% hệ thống.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng chỉ nên có hai bộ phận một là đầu mối, còn lại là phân phối. Phải đảm bảo tính độc lập của bên phân phối, không nên bàn về chiết khấu nữa, thay vào đó tạo điều kiện cho họ tiếp cận thị trường, kinh doanh trên thị trường.
Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét thêm quyền ra khỏi thị trường đối với bên phân phối. Doanh nghiệp lỗ thì có quyền được ra khỏi thị trường. Chúng ta không có thị trường xăng dầu vì chúng ta can thiệp rất nhiều. Chúng ta xác định giá cơ sở, từ đó xác định giá bán lẻ, đầu mối nắm quyền quyết định, còn lại bao nhiêu phía dưới điều chỉnh. Điều này mang tính độc quyền nhóm - chưa phù hợp với luật cạnh tranh.
“Thực tế cho thấy cơ quan quản lý đưa ra mức trần để các doanh nghiệp điều chỉnh cho phù hợp để cạnh tranh với nhau. Nhưng những năm qua, không ai cạnh tranh giá cả, mà nghiễm nhiên lấy mức trần. Quy định công khai rõ ràng về công thức xác định giá, tuy nhiên quy định vẫn đứng về phía doanh nghiệp đầu mối, chưa tính đến quyền của bên phân phối. Giá phải căn cứ vào tính chất hàng hoá - đó là xăng dầu. Phải tạo được tính độc lập cho bên phân phối, giảm sự phụ thuộc vào đầu mối”, ông Ánh nói.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính góp ý thêm, về điều hành giá, cần sửa thẩm quyền điều hành giá xăng dầu, giao 1 đầu mối là Bộ Công Thương. Lý do, Bộ Công Thương phụ trách quy hoạch, hệ thống, hạn ngạch, chỉ tiêu, cung cầu. Cơ cấu giá có 10 yếu tố, Bộ Công Thương tính toán hết, riêng giá giao Bộ Tài chính thực hiện. Thẩm quyền định giá bán lẻ thì giao doanh nghiệp. Doanh nghiệp tự tính toán, cạnh tranh với nhau. Đây không phải Nhà nước thả nổi, mà là quản lý gián tiếp theo quy chế thị trường. Ra quy định rõ ràng, cơ chế tính giá. Nhà nước chỉ can thiệp khi bình ổn giá. Cuối cùng, thực hiện hậu kiểm. Việc xác định chu kỳ điều chỉnh giá, cần giảm xuống như đề xuất của Bộ Công Thương. Ngoài ra, lùi thời gian điều chỉnh ngày lễ tết là vô lý, doanh nghiệp chết oan.
Không nên đổ lỗi cho nhau
Thông tin tại tọa đàm, ông Kiểu Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong báo cáo với Ủy ban Kinh tế Quốc hội cuối tháng 2 vừa qua, Tổng cục Quản lý Thị trường năm qua đã và phát hiện tổng số 575 vụ việc vi phạm với tiền xử phạt trên 18 tỷ đồng.
Riêng với lĩnh vực xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã lập 3 đoàn thanh tra 33 doanh nghiệp đầu mối theo kế hoạch thanh tra xăng dầu hằng năm. Tổng quan kết quả thanh tra cho thấy, các doanh nghiệp đầu mối đều có vi phạm và bị xử lý vi phạm hành chính. Các vi phạm chính của doanh nghiệp chính là không duy trì điều kiện kinh doanh, duy trì hệ thống đầu mối và dự trữ là các vi phạm lớn nhất.
Trong quá trình thanh tra, các doanh nghiệp đầu mối chia sẻ gặp nhiều khó khăn. Có tình trạng các đại lý phân phối tranh nhau giành giật để đảm bảo duy trì điều kiện kinh doanh. Cùng với đó, vẫn còn tình trạng mua bán xăng dầu bên ngoài chưa được ngăn chặn triệt để. Nhóm hành vi thứ 2, doanh nghiệp đầu mối là duy trì tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Một số doanh nghiệp không đáp ứng được. Nhóm sai phạm thứ 3 là giao nhận bán lẻ xăng dầu. Có hiện tượng thay đổi liên tục hệ thống đại lý do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cùng đó, các thủ tục hành chính chưa được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, không thực hiện đầy đủ và báo cáo kịp thời về số lượng doanh nghiệp trong hệ thống, tồn kho... Ngoài ra, một số doanh nghiệp đầu mối có hành vi mua bán xăng dầu ngoài hệ thống, không thực hiện nhập khẩu đủ hạn mức tối thiểu.
Nhóm doanh nghiệp bán lẻ gồm tổng đại lý, cửa hàng bán lẻ..., cũng có nhiều vi phạm liên quan kinh doanh xăng dầu không có giấy phép hoặc hết hiệu lực. Cụ thể, một doanh nghiệp đầu mối phía Nam giấy xác nhận đủ điều kiện đến ngày 25. Ngày 25 bị trống và 26 mới cấp lại giấy phép, doanh nghiệp bị phạt 1 lần 100 triệu đồng. “Hiện 6 Bộ cùng tham gia quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu. Ngoài các Bộ thì còn có UBND địa phương. Nếu chúng tôi có hệ thống cơ sở dữ liệu thì chúng tôi không phải xử lý mà sẽ là kịp thời ngăn chặn. Điều này tạo ra ác cảm với quản lý thị trường là doanh nghiệp cứ nghĩ quản lý thị trường nhìn thấy doanh nghiệp là tìm lỗi xử phạt”, ông Dương nói.
TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương - cho rằng, đến thời điểm hiện tại, Chính phủ, Nhà nước và doanh nghiệp xăng dầu không nên mổ xẻ trách nhiệm và đổ lỗi qua lại cho nhau vì thị trường vốn bất định. Đồng thời, doanh nghiệp bán lẻ không thể đổi lỗi cho doanh nghiệp nhập khẩu, cung ứng xăng dầu và ngược lại.
TS. Nguyễn Đình Cung |
Việc liên tiếp thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện tại chỉ khiến thị trường khó khăn hơn. Nhà nước đừng để doanh nghiệp bị thua lỗ bởi sự can thiệp hành chính, bởi cơ chế và chính sách. Chúng ta cứ nói về khái niệm chiết khấu này, chiết khấu kia, tôi nghĩ rằng thuật ngữ này không chính xác, hãy để các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối xăng dầu tự thỏa thuận với nhau về lợi ích, để họ tự phân chia lợi ích thì thị trường sẽ dần hài hòa.
Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận rằng những công cụ quản lý của nhà nước đối với thị trường xăng dầu hiện tại đã không còn phù hợp, mà hệ quả là sự thua lỗ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Do đó, các doanh nghiệp cần phải ngồi lại, cùng nhau đưa ra vấn đề để hướng tới thay đổi chính sách. “Tóm lại, trong bối cảnh hiện tại các bên không nên đổ lỗi cho nhau, không chia chiến tuyến, không đổ lỗi”, ông Cung nói.
Minh Châu