Biến đổi của ngành năng lượng toàn cầu trong 20 năm tới
(PetroTimes) - Ngành năng lượng là ngành trị giá 6 nghìn tỷ USD, sử dụng khoảng 6,8 triệu người ở Hoa Kỳ vào năm 2022. Ngành năng lượng có thể được chia thành hai nhóm chính, năng lượng thông thường hoặc không thể tái tạo và năng lượng tái tạo. Lĩnh vực năng lượng không tái tạo bao gồm các sản phẩm dầu mỏ và khí đốt, hạt nhân và than đá. Các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm điện gió, nhiên liệu sinh học, thủy điện và năng lượng mặt trời.
Thị trường năng lượng truyền thống
Vào năm 2022, năng lượng truyền thống ngoại trừ năng lượng hạt nhân chiếm 85% nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu. Theo báo cáo của McKinsey, nhu cầu than toàn cầu đạt đỉnh vào năm 2013 và tăng trở lại vào năm 2021. Tuy nhiên, dự kiến từ đó trở đi, nhu cầu sẽ đi theo hướng giảm. Ngoài ra, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tin rằng sản xuất điện từ than đá ở Hoa Kỳ sẽ giảm từ 20% vào năm 2022 xuống còn 17% vào năm 2024.
Khi nói đến nhiên liệu hóa thạch, dầu và khí tự nhiên là những nguồn năng lượng được sử dụng phổ biến nhất. Theo IEA, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,9 triệu thùng/ngày lên mức kỷ lục 101,7 triệu thùng/ngày. Nhu cầu đáng kể nhất sẽ là nhiên liệu máy bay, ở mức 840.000 thùng/ngày. McKinsey tin rằng nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ đạt đỉnh từ năm 2023 đến năm 2025. Tuy nhiên, nhu cầu này sẽ thấp hơn từ 35 - 50% vào năm 2050 do quá trình chuyển đổi toàn cầu sang các nguồn năng lượng tái tạo. Nhu cầu giảm đáng kể dự kiến là do sự gia tăng của xe điện, theo IEA, loại xe này sẽ chiếm 60% doanh số bán xe mới vào năm 2030.
Theo IEA, nhu cầu khí đốt toàn cầu là 87,9 tỷ feet khối mỗi ngày. Báo cáo của McKinsey nói rằng nó sẽ tăng trưởng 10 - 20% vào năm 2035 và có thể sẽ suy giảm sau đó.
Hiện tại, các công ty dẫn đầu thị trường toàn cầu trong thị trường năng lượng truyền thống là Exxon Mobil Corporation, Chevron Corporation và Shell plc.
Ảnh hưởng của cuộc chiến Nga - Ukraine đối với thị trường năng lượng truyền thống
Cuộc chiến ở Ukraine là một trong những sự kiện quan trọng nhất tạo ra sự không chắc chắn trong thị trường năng lượng truyền thống toàn cầu khi một phần lớn châu Âu phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga. Cuộc xâm lược đã dẫn đến việc Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ban hành lệnh hành pháp cấm nhập khẩu từ Nga và Vương quốc Anh cũng đi theo con đường tương tự. Do sự phụ thuộc của Liên minh châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, họ đã không cắt hoàn toàn việc nhập khẩu mà quyết định giảm khoảng 2/3, chủ yếu là sự miễn cưỡng của Đức và Hà Lan. Năm 2021, Nga chiếm 13% nguồn cung dầu thô toàn cầu và 45% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu toàn cầu, cùng với 40% nhu cầu của Liên minh châu Âu. Quốc gia này cũng chịu trách nhiệm cho gần 18% lượng than nhập khẩu toàn cầu.
Một loạt các quyết định nói trên đã khiến nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch toàn cầu giảm và nhu cầu tăng lên đáng kể. Do đó, giá dầu thô đã tăng vọt lên 110 USD/thùng vào tháng 3/2022 từ mức 76 USD/thùng vào đầu năm. Vào năm 2023, S&P Global dự báo cung và cầu dầu toàn cầu sẽ bắt đầu cân bằng. Tuy nhiên, tác động của việc cắt nguồn cung cấp dầu của Nga có tác động nghiêm trọng hơn dự kiến và thị trường toàn cầu sẽ mất vài năm để trở lại mức bình thường. Công ty dự kiến mức tăng trưởng sẽ chậm hơn vào năm 2023 so với năm 2022 ở mức 1,7 triệu thùng/ngày so với 4,5 triệu thùng/ngày của năm trước. Tuy nhiên, giá các mặt hàng nhiên liệu dự kiến sẽ giảm trong năm nay.
Thị trường năng lượng tái tạo
Theo Allied Market Research, thị trường năng lượng tái tạo toàn cầu trị giá 881,7 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 8,4% lên gần 2 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Báo cáo của McKinsey đã đề cập trước đó cho biết rằng do xu hướng chuyển sang năng lượng tái tạo và khử cacbon, ngành năng lượng dự kiến sẽ tăng trưởng 4% mỗi năm và các khoản đầu tư sản xuất và cung ứng hàng năm có nhiều khả năng đạt từ 1,5 - 1,6 nghìn tỷ USD vào năm 2035.
Đối với quá trình khử carbon của hỗn hợp năng lượng, điện khí hóa được coi là bước đầu tiên. Sản xuất điện thông qua năng lượng gió, mặt trời và hydro dự kiến sẽ chiếm gần 50% hỗn hợp năng lượng toàn cầu vào năm 2035 và sau đó tăng lên 85% vào năm 2050. Ngoài ra, trong số các nguồn năng lượng tái tạo, hydro xanh dự kiến sẽ chiếm 28% nhu cầu năng lượng toàn cầu vào cuối giai đoạn dự báo. Trong bài báo trước đây chúng tôi đã đề cập đến sự sụt giảm sản lượng điện từ than. IEA hy vọng rằng điều đó sẽ được khắc phục bởi các nguồn năng lượng tái tạo khi chúng tăng từ 22% vào năm 2022 lên 24% vào năm 2024.
Với nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng tái tạo, ngay cả những ông lớn dầu mỏ cũng đã bắt đầu đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo với BP trở thành công ty đầu tiên đầu tư đáng kể.
Hiện tại, các công ty đang hướng tới mục tiêu trở thành người khổng lồ về năng lượng tái tạo toàn cầu bao gồm NextEra Energy, Enbridge và Duke Energy cùng một số công ty khác.
Elena dịch