Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 1/3/2023
(PetroTimes) - EU lên kế hoạch mở rộng mục tiêu giảm tiêu thụ khí đốt; Nga bắt đầu cắt giảm sản lượng 500 nghìn thùng dầu/ngày; 11 nước châu Âu đồng thuận thúc đẩy năng lượng hạt nhân… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 1/3/2023.
Nga bắt đầu giảm sản lượng dầu 500.000 thùng mỗi ngày từ tháng 3. Ảnh: Rappler |
EU lên kế hoạch mở rộng mục tiêu giảm tiêu thụ khí đốt
Các bộ trưởng năng lượng Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/2 cho biết khối 27 quốc gia này đang lên kế hoạch mở rộng các biện pháp giảm tiêu thụ khí đốt trong khối vào mùa đông tới để lấp đầy các kho dự trữ. Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher cho biết EU "đã thảo luận kéo dài một số biện pháp khẩn cấp để có thể nhanh chóng lấp đầy các kho dự trữ khí đốt cũng như chuẩn bị cho những tình huống căng thẳng tiềm tàng".
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh biện pháp của EU thông qua hồi năm ngoái dự kiến sẽ hết hiệu lực trong tháng 3 này. Ủy viên phụ trách năng lượng của EU, bà Kadri Simson, cho biết Ủy ban châu Âu đang cân nhắc tiếp tục coi "giảm cầu về khí đốt là một lựa chọn đương nhiên", với mục tiêu đảm bảo sự chuẩn bị cho mùa đông tới cũng như đạt mục tiêu lấp đầy 90% kho dự trữ vào ngày 1/11 hàng năm.
Hiện các nước EU sẽ phải nhất trí về bất kỳ mục tiêu cắt giảm mới nào cho mùa đông tiếp theo. Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, đang kêu gọi áp đặt một mục tiêu cao hơn 15%. Tuy nhiên, CH Séc cho rằng các biện pháp khẩn cấp năm ngoái "về mặt kỹ thuật không nên lặp lại", thay vào đó kêu gọi áp dụng những biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.
Nga bắt đầu cắt giảm sản lượng 500 nghìn thùng dầu/ngày
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nước này bắt đầu giảm sản lượng dầu 500.000 thùng mỗi ngày từ tháng 3 và đây là quyết định tự nguyện giảm sản lượng của Nga, không tham khảo ý kiến của các nước Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+). Điều này sẽ giúp khôi phục quan hệ thị trường.
Theo ông Alexander Novak, việc cắt giảm sẽ chỉ ảnh hưởng đến sản lượng dầu, không bao gồm khí đốt. Hạn ngạch sản xuất sẽ được phân bổ đồng đều giữa các công ty dầu mỏ tùy thuộc vào năng suất sản xuất.
Trước đó, ông Novak cho biết Nga mới chỉ đưa ra quyết định về việc tự nguyện giảm sản lượng dầu thô 500.000 thùng mỗi ngày cho tháng 3. “Chúng tôi sẽ xem tình hình thị trường sẽ diễn ra như thế nào để có các quyết định tiếp theo”, ông Novak nói.
11 nước châu Âu đồng thuận thúc đẩy năng lượng hạt nhân
Ngày 28/2, 11 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) bao gồm Pháp, Bungary, Croatia, Cộng hòa Séc, Hungary, Phần Lan, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Slovakia và Slovenia thống nhất đã thống nhất tăng cường hợp tác phát triển năng lượng nguyên tử để góp phần hướng tới một nền kinh tế phi carbon, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Đức.
Bộ trưởng năng lượng các nước trên nhấn mạnh năng lượng hạt nhân là một trong nhiều công cụ cho phép đạt được các mục tiêu khí hậu, sản xuất ra điện năng và đảm bảo sự ổn định về nguồn cung. Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh đến các dự án đào tạo chung giữa các nước, cơ hội tăng cường hợp tác khoa học và phối hợp triển khai các phương pháp thực hiện tốt nhất trong vấn đề an toàn hạt nhân.
Trước đó, giữa tháng 2/2023, Pháp thuyết phục được Ủy ban châu Âu (EC) coi khí hydro sản xuất từ hỗn hợp điện bao gồm cả hạt nhân trong những điều kiện nhất định như một nguồn năng lượng xanh. Tuy nhiên, một số nước EU khác, đặc biệt là Đức và Tây Ban Nha, đã phản đối. Đức và Pháp cũng bất đồng lớn trong vấn đề cải cách thị trường điện châu Âu khi Đức muốn gạt ngành hạt nhân của Pháp ra khỏi bảng phân loại năng lượng xanh.
Nga tiếp tục cung cấp cho Ấn Độ theo giá thị trường
Ngày 28/2, Bloomberg dẫn báo cáo của công ty phân tích Kpler cho biết, trong tháng 2, Nga tiếp tục cung cấp cho Ấn Độ lượng dầu tối đa có thể, bất chấp nhu cầu của Trung Quốc phục hồi.
Bloomberg cũng lưu ý rằng, trước khi Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ áp dụng các lệnh trừng phạt Moscow, Ấn Độ thực tế không mua dầu của Nga. Nhà phân tích Victor Katon của Kpler cho hay, trong tháng 2 vừa qua, lượng dầu New Delhi nhập khẩu từ Nga đã tăng lên gần mức tiềm năng tối đa là 2 triệu thùng mỗi ngày.
Theo Victor Katon, Trung Quốc có thể mua tất cả lượng dầu xuất khẩu của Nga, nhưng Moscow vẫn muốn giữ Ấn Độ vì thị trường này có lời hơn. Trước đó, hãng RT đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko cho biết, giá dầu Nga bán cho Ấn Độ được hình thành theo phương pháp thị trường.
Năng lượng mặt trời trở thành nguồn sản xuất điện lớn nhất Australia
Theo báo cáo do công ty tư vấn năng lượng mặt trời SunWiz mới công bố ngày 1/3 cho thấy năng lượng mặt trời sẽ thay thế than đá, trở thành nguồn sản xuất điện được sử dụng nhiều nhất tại Australia vào tháng 4 sắp tới khi "gã khổng lồ" năng lượng AGL đóng cửa nhà máy điện than Liddell, với công suất 2.000MW.
Theo báo cáo, tổng công suất phát điện của các hệ thống năng lượng mặt trời quy mô nhỏ, được lắp đặt trên mái nhà các hộ gia đình và kinh doanh, đã vượt mức 20.000 megawatt (MW) hay 20 gigawatt (GW).
Báo cáo cho biết Australia đã mất 11 năm để đạt được mốc 10.000MW công suất phát điện mặt trời đầu tiên và chỉ 4 năm để đạt được mốc 10.000MW thứ hai. Dự báo tổng công suất năng lượng mặt trời sẽ giúp mang lại thêm 3.000MW điện vào năm 2023, và vượt mức 3.200MW vào năm 2024. Điều này góp phần giúp Australia tiến gần hơn tới mục tiêu được đề ra cho năm 2030, trong đó 50% tổng lượng điện đến từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 27/2/2023 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/2/2023 |
H.T (t/h)