Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 27/2/2023
(PetroTimes) - Các nước châu Phi đua nhau nhập khẩu sản phẩm dầu Nga; Châu Âu ồ ạt nhập dầu Mỹ; Israel đầu tư 34 triệu USD cho nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 27/2/2023.
Các nước Bắc Phi đang ồ ạt nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ từ Nga. Ảnh: Wall Street Journal |
Các nước châu Phi đua nhau nhập khẩu sản phẩm dầu Nga
Ngày 26/2, tờ Wall Street Journal dẫn dữ liệu từ các hãng theo dõi thị trường cho hay, các nước Bắc Phi đang ồ ạt nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ từ Nga, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) hạn chế mua dầu mỏ và các sản phẩm tinh chế, bao gồm dầu diesel của Moscow, vì tình hình chiến sự Ukraine.
Cụ thể, Morocco trong tháng 1/2023 đã nhập 2 triệu thùng diesel từ Nga, gấp hơn 3 lần năm 2021, dự kiến khối lượng trong tháng 2 này lên đến hơn 1,2 triệu thùng. Tunisia gần đây cũng đã mua lượng lớn dầu diesel, dầu gazole, xăng và naphtha. Trong tháng 1, Tunisia nhập 2,8 triệu thùng sản phẩm các loại từ dầu mỏ của Nga và dự kiến nhập khoảng 3,1 triệu thùng trong tháng 2/2023.
Tương tự, các nước Algeria và Ai Cập cũng đang tăng cường mua các sản phẩm dầu mỏ Nga, nhưng con số cụ thể không được tiết lộ. Nga được cho là đang thay thế các nhà cung cấp truyền thống của các quốc gia này ở Trung Đông và Bắc Mỹ.
Châu Âu ồ ạt nhập dầu Mỹ
Dữ liệu của Kpler cho thấy trong tháng 1, lượng dầu thô đi từ Bờ Vịnh Mexico của Mỹ tới châu Âu đạt 1,53 triệu thùng/ngày và trong những tháng gần đây, châu Âu đã vượt châu Á trở thành thị trường xuất khẩu dầu lớn hơn của Mỹ.
Giới phân tích nói rằng sản lượng dầu thô tăng mạnh của Mỹ giúp thị trường năng lượng toàn cầu giữ được sự bình tĩnh khi phương Tây gần đây áp hạn chế lên hầu hết hoạt động xuất khẩu dầu của Nga, bao gồm lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) và trần giá của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) và đồng minh.
“Nước Mỹ đã trở lại vị thế thống lĩnh mà nước này đã có trên thị trường năng lượng thế giới từ thập niên 1950. Năng lượng Mỹ giờ đây đang trên thành nền móng của an ninh năng lượng châu Âu”, nhà lịch sử học về năng lượng Daniel Yergin, Phó chủ tịch công ty nghiên cứu thị trường năng lượng S&P Global, nhận định.
Israel đầu tư 34 triệu USD cho nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch
Ngày 26/2, Bộ Năng lượng và Cơ sở Hạ tầng Israel ra thông báo cho biết nước này sẽ đầu tư 125 triệu NIS (34 triệu USD) cho Nghiên cứu và Phát triển (R&D) năng lượng cũng như đổi mới công nghệ. Khoản đầu tư này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi nền kinh tế Israel sang sử dụng năng lượng sạch và không phát thải.
Kế hoạch đầu tư tập trung vào phát triển các nguồn năng lượng tái tạo dọc theo vùng duyên hải của Israel, bao gồm sản xuất quang năng, phong điện, điện từ sóng biển và địa nhiệt điện. Một phần vốn cũng sẽ được chi cho thúc đẩy tích hợp hydro vào lĩnh vực năng lượng, bao gồm việc thành lập một công viên hydro nhằm nghiên cứu và sản xuất loại khí này.
Khoản đầu tư bổ sung này sẽ được đưa vào ngân sách hoạt động của Chính phủ Israel tài khóa 2023-2024, trong đó lĩnh vực năng lượng được phân bổ tổng cộng 1,38 tỷ NIS (376,2 triệu USD). Ngân sách cũng chi 206 triệu NIS (56,2 triệu USD) cho chuyển đổi sang năng lượng bền vững tại các vùng đô thị, thúc đẩy hình thức giao thông sử dụng điện và mở rộng mạng lưới sử dụng khí thiên nhiên.
Iran hướng tới xuất khẩu các sản phẩm và công nghệ hạt nhân
Ngày 26/2, tại Hội nghị Hạt nhân Iran lần thứ 29 tại Đại học Shahid Beheshti, Chủ tịch Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami cho biết nước này đang tìm cách xuất khẩu các sản phẩm và công nghệ hạt nhân của mình trong bối cảnh “cuộc chiến tranh tuyên truyền” do các "thế lực thù địch" tiến hành nhằm ngăn chặn bước tiến của Tehran trong lĩnh vực hạt nhân.
Ông Eslami cũng đề cập đến các vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân Iran và các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của nước này. Theo ông, đây là những biện pháp mà các "thế lực thù địch" thực hiện nhằm cản trở sự tiến bộ của công nghệ hạt nhân Iran.
Trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh phương Tây cáo buộc Iran phát triển vũ khí hạt nhân và Washington đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Tehran, Iran đã bác bỏ các cáo buộc mà họ cho là “vô căn cứ” đồng thời coi các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này là “bất hợp pháp”.
Nga vẫn là nhà cung cấp than lớn nhất của Đức
Dữ liệu từ Hiệp hội Các nhà nhập khẩu than Đức (VDKi), Đức đã mua tổng cộng 44,4 triệu tấn than vào năm 2022, tăng 8% so với năm trước. Trong khi đó, nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga giảm 37% so với số liệu năm 2021, nước này vẫn mua khoảng 13 triệu tấn từ các quốc gia châu Âu, chiếm khoảng 29% tổng lượng nhập khẩu. Lượng than nhập khẩu từ các nhà cung cấp khác của Đức đã tăng, nhưng vẫn giảm so với lượng từ Nga.
Liên minh châu Âu (EU) vẫn phụ thuộc vào than của Nga để sản xuất điện, với nguồn cung của Nga chiếm tới 70% lượng nhập khẩu than vào khối này, báo cáo của tổ chức nghiên cứu Bruegel (Bỉ) khẳng định, đồng thời cho biết Đức và Ba Lan là 2 quốc gia phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), EU đã nhập khẩu khoảng 45% lượng than, ước tính trị giá khoảng 4 tỷ euro (4,1 tỷ USD) từ Nga năm 2021, trong đó Hà Lan, Đức và Ba Lan là các khách hàng lớn nhất. Đức đã buộc phải tăng cường sử dụng than trong những tháng gần đây do tình trạng thiếu năng lượng và giá điện tăng cao, nguyên nhân là do nguồn cung khí đốt từ Nga giảm sau lệnh trừng phạt của phương Tây.
Đức đối mặt khoản chi phí khổng lồ xử lý khủng hoảng năng lượng
Đức đã dành hơn 260 tỉ euro (275 tỉ USD) để đối phó với những rủi ro trước mắt của cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột tại Ukraine gây ra. Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, chính phủ nước này còn sẽ phải chi hơn 1.000 tỉ USD từ nay đến năm 2030 để đối phó với những rủi ro và thách thức do khủng hoảng năng lượng gây ra.
Các chi phí khổng lồ dự kiến bao gồm các khoản đầu tư vào hiện đại hóa lưới điện, kế hoạch loại bỏ dần các nhà máy điện hạt nhân và than đá. Ngoài ra, Berlin sẽ phải đối mặt với nhu cầu ngày càng tăng từ xe điện và hệ thống sưởi ấm, đảm bảo các cam kết về khí hậu được thực thi. Theo Bloomberg, nhu cầu điện của Đức cũng sẽ tăng hơn 30% so với mức tiêu thụ hiện tại.
Đầu tháng 2, tổ chức tư vấn Bruegel báo cáo các quốc gia châu Âu đã chi gần 800 tỉ euro cho các biện pháp hỗ trợ, trong bối cảnh chi phí năng lượng leo thang. Theo phân tích, 681 tỉ euro đã được phân bổ để trợ cấp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp nhằm giúp họ trang trải chi phí điện tăng cao. Đức được cho là đứng đầu bảng xếp hạng chi tiêu của Bruegel. Nước này đã dành gần 270 tỉ euro cho các biện pháp hỗ trợ.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 25/2/2023 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 26/2/2023 |
H.T (t/h)