Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 24/2/2023
(PetroTimes) - Chính phủ yêu cầu sớm hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII; Đề nghị Nhà nước tiếp tục nắm 100% vốn tại EVN; Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu có khả năng kéo dài… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 24/2/2023.
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII phải bảo đảm tính tổng thể, toàn diện, lâu dài. Ảnh minh họa: BCP |
Chính phủ yêu cầu sớm hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII
Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp chuẩn bị họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) nêu rõ: "Quy hoạch này phải sớm được hoàn thiện và phê duyệt để triển khai thực hiện nhằm đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng, quốc phòng, an ninh của đất nước".
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII phải bảo đảm tính tổng thể, toàn diện, lâu dài để quá trình quản lý thực hiện quy hoạch vừa có tính chủ động và có tính linh hoạt, ít phải điều chỉnh; định hướng nguồn phân tán cùng với hạ tầng truyền tải; quy hoạch tránh quá chi tiết, nhiều tầm nhìn; sau quy hoạch cần triển khai chi tiết kế hoạch, dự án năng lượng.
Đồng thời, cũng cần phải bảo đảm cơ cấu các nguồn điện, cân đối cung - cầu các vùng miền tối ưu; nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh; tính toán hoàn thiện thêm các nội dung liên quan đến nguồn điện tự sản tự tiêu, bán điện tại chỗ, mua bán điện trực tiếp; dự báo kỹ hơn về xu thế phát triển công nghệ trong ngành năng lượng; nghiên cứu biện pháp quản lý; rà soát quy hoạch thủy điện tích năng, pin lưu trữ hợp lý gắn với phát triển năng lượng tái tạo.
Đề nghị Nhà nước tiếp tục nắm 100% vốn tại EVN
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa trình Chính phủ đề án cơ cấu lại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2021-2025, trong đó đề nghị công ty mẹ - EVN - tiếp tục là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đồng thời đề nghị Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp thuộc EVN thực hiện sắp xếp, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.
Các đơn vị giữ nguyên tổ chức, cơ chế hoạt động và nằm trong cơ cấu công ty mẹ - EVN gồm 15 đơn vị: Công ty Thủy điện Sơn La, Công ty Thủy điện Hòa Bình, Công ty Thủy điện Ialy, Công ty Thủy điện Trị An, Công ty Thủy điện Tuyên Quang, Công ty Phát triển Thủy điện Sê San, Công ty Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát…; Các Ban quản lý dự án điện 1, 2, 3; Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Công nghệ EVN, Công ty Mua bán điện, Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin, Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN, Trung tâm Thông tin Điện lực.
Doanh nghiệp do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội; Tổng công ty Điện lực TP HCM; Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Thủ Đức…
Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu có khả năng kéo dài
Các nhà phân tích cho rằng cú sốc giá năng lượng tăng mạnh từng gây ra những làn sóng lan rộng khắp châu Âu sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine khó có thể chấm dứt hoàn toàn. Một nghiên cứu mới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lưu ý rằng chi phí năng lượng các hộ gia đình trên toàn thế giới đã tăng gần gấp đôi, đẩy lạm phát lên mức cao kỷ lục ở nhiều quốc gia châu Âu.
Nhưng các tác động không dừng lại ở đó. Báo cáo của WEF cho biết cuộc khủng hoảng này đang làm chậm quá trình chuyển đổi của thế giới công nghiệp hóa sang các nguồn năng lượng tái tạo và làm tăng tỷ lệ nghèo đói toàn cầu bởi tình trạng mất an ninh năng lượng khiến lạm phát tăng mạnh.
Trong khi đó, những tháng gần đây, các nước châu Âu đã đẩy mạnh mua vào khí đốt tự nhiên và dầu mỏ từ nhiều nước để thay thế nguồn nhập khẩu năng lượng từ Nga trước khi xảy ra khủng hoảng. Điều đó đặc biệt chính xác đối với Đức và Italy, hai nhà xuất khẩu lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) và cũng từng là hai nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất của Nga.
Mỹ dự kiến đấu thầu cho thuê cơ sở điện gió ngoài khơi vịnh Mexico
Bộ Nội vụ Mỹ ngày 22/2 cho biết đã đề xuất cho đấu thầu các cơ sở điện gió ngoài khơi ở vịnh Mexico nhằm phát triển nền kinh tế năng lượng sạch. Khu vực được đề xuất gồm cơ sở điện gió rộng 414,7km2 ở ngoài khơi thành phố Lake Charles, bang Louisiana; cùng 2 cơ sở có diện tích 414,72km2 và 391,7km2 ở ngoài khơi thành phố Galveston, bang Texas. Ước tính, các cơ sở điện gió này cung cấp năng lượng sạch cho khoảng 1,3 triệu hộ gia đình.
Kế hoạch trên là một phần trong chương trình cho thuê do Bộ trưởng Nội vụ Deb Haaland thông báo hồi năm 2021 để đáp ứng mục tiêu của chính quyền Tổng thống Joe Biden khai thác 30 GW công suất điện gió ở ngoài khơi đến năm 2030. Kể từ năm 2021, chính quyền Mỹ đã tổ chức 3 cuộc gọi thầu cho thuê cơ sở điện gió ở ngoài khơi.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tăng cường các dự án năng lượng tái tạo. Hồi tháng 9/2022, chính quyền Mỹ đã công bố kế hoạch thúc đẩy các dự án điện gió nổi ngoài khơi nhằm tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Mỹ cũng đặt mục tiêu đến năm 2035 giảm 70% chi phí sản xuất điện gió nổi ngoài khơi.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 22/2/2023 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 23/2/2023 |
H.T (t/h)