Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 23/2/2023
(PetroTimes) - Việt Nam và Lào thúc đẩy hợp tác năng lượng; Kazakhstan gửi dầu đến Đức bằng đường ống của Nga; EU tiết kiệm 12 tỷ euro nhờ tăng cường năng lượng mặt trời và gió… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 23/2/2023.
Việt Nam và Lào đang thực hiện tốt Biên bản ghi nhớ ngày 5/10/2016 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác phát triển các dự án thủy điện tại Lào, liên kết lưới điện và nhập khẩu điện từ Lào. Ảnh: LĐ |
Việt Nam và Lào thúc đẩy hợp tác năng lượng
Ngày 23/2, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phoxay Sayasone. Hai bên đã điểm lại những kết quả đạt được đáng chú ý trong hợp tác năng lượng - mỏ, khoáng sản giữa hai nước và trao đổi về phương hướng hợp tác trong thời gian tới.
Về hợp tác mua bán điện giữa hai nước, hai bên đang thực hiện tốt Biên bản ghi nhớ ngày 5/10/2016 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác phát triển các dự án thủy điện tại Lào, liên kết lưới điện và nhập khẩu điện từ Lào. Tiến độ ký kết các hợp đồng mua bán điện cơ bản đảm bảo theo kế hoạch cam kết giữa hai bên về công suất mua bán điện đến năm 2025.
Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào đề nghị phía Bộ Công Thương Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện để doanh nghiệp Lào xuất khẩu than đá sang Việt Nam. Bộ Công Thương Việt Nam cho biết sẵn sàng kết nối thông tin giữa các tập đoàn/doanh nghiệp Việt Nam với tập đoàn/doanh nghiệp xuất khẩu than của Lào để thúc đẩy hợp tác mua bán than giữa hai nước.
Kazakhstan gửi dầu đến Đức bằng đường ống của Nga
Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan Bolat Akchulakov cho biết dầu của Kazakhstan sẽ bắt đầu vận chuyển qua lãnh thổ Nga tới Đức thông qua đường ống Druzhba khi Berlin tìm cách thay thế nguồn cung dầu thô của Moscow. Các thủ tục đã được hoàn tất vào ngày 22/2 và những chuyến hàng dầu có thể được vận chuyển bắt đầu từ ngày 22/2.
Theo hãng thông tấn RT, công ty Kaztransoil do nhà nước Kazakhstan điều hành đã xin phép Transneft, công ty vận tải đường ống thuộc sở hữu nhà nước của Nga và là nhà điều hành đoạn đường ống Druzhba của Nga, để gửi 20.000 tấn dầu thô đầu tiên tới Đức bằng cơ sở hạ tầng của Nga.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan Anna Moskwa nghi ngờ về nguồn gốc thật sự của mặt dầu chảy qua đường ống Druzhba. Theo Bộ trưởng Ba Lan, không gì có thể đảm bảo rằng số dầu được giao có nguồn gốc thật sự từ Nga hay Kazakhstan. Bộ Kinh tế Đức cũng cho biết việc trộn lẫn dầu thô của Kazakhstan và Nga là không thể tránh khỏi.
Giá năng lượng ở Đức tăng trở lại trong tháng 1/2023
Số liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết, giá năng lượng của các hộ gia đình đã trở nên đắt đỏ hơn trong tháng 1/2023, với mức tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2022. Giá khí đốt tăng 51,7% và người tiêu dùng phải trả thêm 30,6% cho dầu sưởi. Trong khi đó, giá điện đắt hơn 25,7%.
Giá lương thực ở Đức cũng tăng 20,2% trong tháng 1/2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ lạm phát đối với hàng tạp hóa vẫn cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ lạm phát chung. Trong khi đó, giá dịch vụ đã tăng 4,5% trong tháng 1/2023. Chẳng hạn, giá bảo trì và sửa chữa nhà ở tăng 16,9% và dịch vụ nhà hàng tăng 10,9%, cao hơn mức trung bình. Theo thống kê, chỉ có một số dịch vụ, chẳng hạn như viễn thông, đã trở nên rẻ hơn, với mức tăng 1,1%.
Tuy nhiên, một thông tin tích cực hơn cho những người lái xe ở Đức là tốc độ tăng giá nhiên liệu đã chậm lại, với mức tăng trong tháng 1/2023 ghi nhận là 7%.
EU tiết kiệm 12 tỷ euro nhờ tăng cường năng lượng mặt trời và gió
Nghiên cứu mới được công bố của tổ chức tư vấn Ember chuyên về các vấn đề năng lượng, cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã tiết kiệm được 12 tỷ euro chi phí mua khí đốt kể từ khi nổ ra xung đột tại Ukraine nhờ tăng cường sản xuất năng lượng mặt trời và gió.
Theo Ember, nhờ công suất ngày càng tăng và điều kiện khí hậu thuận lợi, năng lượng mặt trời và gió đã tạo ra lượng điện năng kỷ lục ở EU kể từ khi bắt đầu xung đột tại Ukraine. Trong 12 tháng qua, EU đã sản xuất thêm 10% năng lượng mặt trời và gió - 50 terawatt mỗi giờ (TWh) - so với cùng kỳ năm 2021-2022. Trên thực tế, phải cần tới 90 TWh khí đốt để sản xuất 50 TWh điện, trong khi theo tính toán của Ember, việc nhập khẩu 90 TWh khí đốt này sẽ tiêu tốn 12 tỷ euro.
Tuy vậy, mặc dù tiết kiệm được nhưng nhập khẩu khí đốt vào EU chỉ giảm 5%. Khí đốt của Nga hiện chiếm 16% lượng nhập khẩu của khối, so với mức 40% một năm trước. Bà Sarah Brown, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “EU vẫn cần phải nhanh chóng phát triển năng lượng mặt trời và gió để đạt được sự độc lập năng lượng vĩnh viễn”.
IAEA cử nhóm thanh sát viên tới Iran làm rõ thông tin làm giàu urani
Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Mohamad Eslami ngày 22/2 cho biết các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã tới Tehran để xác minh những vấn đề “chưa sáng tỏ” liên quan hoạt động làm giàu uranium của nước này.
Chuyến thăm diễn ra sau khi Bloomberg hồi cuối tuần qua đưa tin rằng các nhà khoa học của Tehran đã làm giàu uranium lên mức 84% tinh khiết, gần tới ngưỡng 90% cần thiết để chế tạo bom hạt nhân, điều mà Iran kiên quyết bác bỏ.
Phát biểu với báo giới, ông Eslami nêu rõ: “Các quan chức IAEA đang ở Tehran, từ hôm qua đã bắt đầu đàm phán, thăm viếng, điều tra... Những vấn đề còn mập mờ theo quan điểm của thanh sát viên đã được giải quyết hoặc đang trong quá trình giải quyết”.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/2/2023 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 22/2/2023 |
H.T (t/h)