Liên Bộ Công Thương - Tài chính phải giải trình về xăng dầu
(PetroTimes) - Thông tin từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc tổ chức phiên giải trình, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng các lãnh đạo của Ủy ban Kinh tế về thị trường xăng dầu trong nước.
Theo đó, ngày 28/2 tới đây, hai Bộ Công Thương - Tài chính sẽ tham dự phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu tại Quốc hội. Đại diện của nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng đã nhận được giấy mời tham dự phiên giải trình này.
(Ảnh minh họa) |
Năm 2022 là năm đầu tiên bắt đầu giảm chu kỳ điều hành giá xăng từ 15 ngày xuống còn 10 ngày. Đây là năm chứng kiến tình trạng nguồn cung xăng dầu bị gián đoạn, người dân xếp hàng dài mua xăng, nhiều cây xăng lâm cảnh hết xăng, dầu.
Tại một vài thời điểm được cho rằng nguyên nhân thiếu hụt xăng dầu do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn bị sự cố nên phải giảm công suất để điều chỉnh nên không đủ ứng xăng dầu để cung ứng cho thị trường. Nhưng thực tế, dù Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn hoạt động 100% công suất thì việc đứt gãy cung ứng trên thị trường vẫn diễn ra, lan tràn khắp nơi.
Đặc biệt, do chi phí chưa theo kịp thực tế khiến nhiều doanh nghiệp xăng dầu thua lỗ, không nhập hàng. Việc thiếu xăng dầu cục bộ diễn ra nghiêm trọng đặc biệt ở các tỉnh phía Nam. Hình ảnh các cây xăng đồng loạt treo biển hết xăng, bán cầm chừng, người dân ùn ùn xếp hàng dài ở các cây xăng… đã tạo ra nhiều vấn đề đáng quan ngại.
Sau đó, tình trạng cây xăng treo biển “hết xăng” lan ra cả Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc. Đến đầu năm 2023, khi kỳ điều hành giá xăng trùng vào Tết Nguyên đán nên phải lùi sang kỳ tiếp theo, tình trạng cây xăng đóng cửa tiếp tục lặp lại.
Được biết, Bộ Công Thương đang tiến hành sửa đổi các quy định liên quan đến kinh doanh xăng dầu để khắc phục tình trạng này. Nhưng đến nay đã nhiều lần lấy ý kiến từ các bộ, ngành nhưng vẫn chưa hoàn thành dự thảo.
Trước tính hình thị trường xăng dầu trong nước có nguy cơ mất kiểm soát, việc Ủy ban Kinh tế Quốc hội yêu cầu liên Bộ Công Thương - Tài chính phải giải trình là việc tất yếu. Trong đó, ít nhất phải trả lời được câu hỏi "vì sao xăng dầu không thiếu lại để đứt gãy chuỗi cung ứng trên diện rộng trong thời gian qua?". Không thể để tình trạng quản lý xăng dầu - mặt hàng thiết yếu quốc gia trong tình trạng có thể mất kiểm soát bất cứ lúc nào.
P.V
Xăng dầu nhập khẩu tăng tới 92,6% |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tính đúng chi phí, đảm bảo chất lượng xăng dầu |
Giá xăng dầu đồng loạt giảm nhẹ sát với diễn biến thị trường thế giới |